Tham gia “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, Ý khiến một nửa thế giới lo ngại

30/03/2019 02:34

Bất chấp cảnh báo từ phía Mỹ và các đồng minh tại châu Âu, Ý vẫn quyết định tham gia sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) - biến nước này trở thành quốc gia G7 đầu tiên gia nhập tham vọng của Trung Quốc.

Tham gia “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, Ý khiến một nửa thế giới lo ngại

Ký kết biên bản ghi nhớ tham gia vào sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc, Ý gặp phải sự phản đối từ phía Mỹ lẫn đồng minh châu Âu.

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte vừa ký kết biên bản ghi nhớ về việc ủng hộ sáng kiến ​​“Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc - một dự án cơ sở hạ tầng và thương mại xuyên lục địa trị giá hàng nghìn tỷ USD. Biên bản này được xem là trọng tâm trong chuyến viếng thăm 3 ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến châu Âu.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, động thái này đã gặp phải sự phản đối từ Hoa Kỳ, đồng thời khiến một số đồng minh của Rome ở Liên minh châu Âu (EU) e ngại. Cụ thể, Mỹ lên tiếng chỉ trích BRI và cảnh báo về những rủi ro bẫy nợ cũng như sự bành trướng của Bắc Kinh. Còn các đồng minh châu Âu lại nhận thấy mối đe dọa tới chủ quyền và lo lắng dự án hàng nghìn tỷ USD này có thể khiến mối quan hệ một số nước ngày càng căng thẳng hơn.

Hiện, cả Mỹ lẫn EU vẫn bày tỏ quan ngại về khả năng Trung Quốc có thể dùng BRI cũng như các khoản đầu tư nói chung để tiếp cận công nghệ và các dự án hạ tầng nhạy cảm của phương Tây. Bên cạnh đó, một nửa chính phủ Ý cũng bày tỏ sự phản đối với quyết định nói trên, đến mức Phó Thủ tướng Matteo Salvini không có mặt tại buổi lễ ký kết cũng như không tham gia vào buổi dạ tiệc theo lịch trình sau đó.

Theo nhiều chuyên gia phân tích, BRI sẽ cho phép Bắc Kinh sử dụng các khoản đầu tư ở thời điểm hiện tại để làm đòn bẩy trong tương lai. Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc có thể sẽ “bật đèn xanh” cho các ngân hàng trung ương Ý phát hành trái phiếu bằng đồng CNY, qua đó khiến sự ràng buộc càng trở nên sâu sắc.

Tuy nhiên, biên bản ghi nhớ vừa ký kết lại được xem là chiến thắng đối với một số quan chức từ lâu đã ủng hộ Trung Quốc như Bộ trưởng Tài chính Giovanni Tria và người lãnh đạo Phong trào Năm sao Luigi Di Maio. Cả hai đều xem thoả thuận này là một cơ hội lớn để thu hút dòng vốn đầu tư thiết yếu cho nền kinh tế trì trệ của Ý.

Link bài viết

Trả lời Bloomberg, ông Michele Geraci - thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Ý - phát biểu: “Con đường Tơ lụa đã có mặt ở châu Âu. Tôi tin rằng, việc Ý dẫn đầu các quốc gia châu Âu còn lại nằm dọc theo Con đường Tơ lụa sẽ thu hút sự tham gia từ những nước khác”.

Dẫu vậy, không phải ai cũng đồng tình với nhận định trên. Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, mặc dù các tác động về mặt kinh tế xuất phát từ vai trò của Ý trong BRI sẽ bị hạn chế, song việc một quốc gia G7 tham gia vào sáng kiến này cũng gây ra sự ồn ào ở Washington. Đặc biệt khi chuyến viếng thăm của ông Tập diễn ra vào đúng thời điểm Washington đang thất bại trong việc thuyết phục các đồng minh cấm cửa Huawei khỏi các kế hoạch phát triển mạng 5G. Mỹ lo ngại rằng, việc sẵn sàng tiếp nhận cơ sở hạ tầng Trung Quốc của Ý là một dấu hiệu khác cho thấy các đồng minh của họ đang mềm mỏng hơn với Bắc Kinh.

Trước búa rìu chỉ trích từ Washington và các đồng minh châu Âu, Thủ tướng Conte đã bị buộc phải đưa ra những lời đảm bảo rằng, Ý sẽ không trở thành một “con ngựa thành Troy” của Trung Quốc tại châu Âu. Tuy nhiên, lời đảm bảo này vẫn chưa đủ sức thuyết phục đối với những đồng minh như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Mặc dù ông Tập sẽ đến Pháp sau khi rời Ý, và cũng sẽ dùng bữa tối với ông Macron, song tổng thống Pháp gần đây vẫn đưa ra những cảnh báo chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.

Trả lời báo chí, ông Macron nói: “Châu Âu đã và đang có sự tỉnh thức trước Trung Quốc. Kể từ khi nhậm chức, tôi đã kêu gọi các nước phải bảo vệ chủ quyền của châu Âu".

Bloomberg dẫn lời một quan chức Pháp cho biết, hiệp định Rome - Bắc Kinh được Paris xem là một sự phá hoại trong phòng tuyến chống lại tham vọng thống trị kinh tế của Trung Quốc. Trong một nỗ lực nhằm gắn kết các đồng minh chủ chốt ở châu Âu đối với vấn đề này, ông Macron đã mời Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker cùng tới gặp ông Tập tại Paris vào sáng thứ Ba vừa qua.

Và, có thể chắc chắn rằng, chuyến viếng thăm Paris lần này của ông Tập sẽ không mang về thêm một biên bản ghi nhớ nào khác về BRI cả; dù chính phủ Pháp đang xem xét các dự án mà hai nước có thể sẽ ký kết.

Theo nghiên cứu của công ty luật đa quốc gia Baker McKenzie, vào năm ngoái, tổng giá trị từ các thương vụ nhà đầu tư Trung Quốc thâu tóm công ty Pháp lên đến 1,83 tỷ USD, tăng 86% so với năm 2017. Con số này tại Đức là 2,52 tỷ USD, tăng 34%. Trong khi đó, dòng vốn đầu tư vào Ý lại giảm 21%, đạt 800 triệu USD. Và, đó không phải là tin vui dành cho Rome. 

Một quan chức chính phủ nước này đã cho biết, việc các đối tác châu Âu ký kết hàng loạt thương vụ hàng triệu USD với Trung Quốc trong khi lại phản đối một biên bản ghi nhớ là điều hết sức vô lý. Ấy là chưa kể việc Ý đã thuyết phục Trung Quốc đưa vào bản ghi nhớ các nguyên tắc của EU, bao gồm sự minh bạch và tương hỗ giữa hai bên, một quan chức cấp cao khác cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tham gia “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, Ý khiến một nửa thế giới lo ngại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO