SPI có thay thế được GDP?

HÀ CÚC| 09/04/2014 08:09

Rõ ràng là một chính sách đơn giản chỉ dựa vào tăng trưởng kinh tế không tạo ra sự hòa hợp xã hội".

SPI có thay thế được GDP?

Hành trình tìm những thước đo đánh giá thành công của một quốc gia đã đi từ GDP qua nhiều chỉ số khác nhau và chưa hề dừng lại.

Đọc E-Paper

Tăng trưởng kinh tế tại Ấn Độ vẫn chưa mang lại cuộc sống tốt hơn cho đa số người dân trong nước

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là thước đo giá trị hàng hóa và dịch vụ của một quốc gia và có lẽ là chỉ tiêu thống kê mạnh mẽ nhất trong lịch sử, có ảnh hưởng rất lớn về chính sách kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, năm 1930, Simon Kuznets, một nhà tiên phong nghiên cứu GDP, đã cảnh báo rằng "lợi ích của một quốc gia khó có thể được suy ra từ thu nhập quốc dân".

Đã có nhiều nỗ lực bổ sung hoặc thay thế GDP bằng những chỉ số hài hoà hơn. Liên Hiệp Quốc thực hiện các Chỉ số phát triển con người, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) có Chỉ số cuộc sống tốt hơn và thậm chí Văn phòng Thống kê Vương quốc Anh có Chỉ số đo lường phúc lợi quốc gia.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế gần đây đã nói nhiều đến Chỉ số tiến bộ xã hội (Social Progress Imperative - SPI) như công cụ đánh giá tổng quát nhất của một quốc gia. Các nhà kinh tế học hậu thuẫn chỉ số này cho rằng SPI là chỉ số có nhiều ưu điểm hơn so với GDP.

Theo Michael Green, người đứng đầu Social Progress Imperative, tổ chức phi lợi nhuận thành lập Chỉ số SPI, GDP là chỉ số mang tính chất một chiều và khó có thể đánh giá đầy đủ sự phát triển của một quốc gia. Trong khi đó, SPI đánh giá 132 quốc gia trên 50 tiêu chí gồm: sức khỏe, vệ sinh, chỗ ở, an toàn cá nhân, tiếp cận thông tin, tính ổn định, khoan dung, hòa nhập, tiếp cận với giáo dục...

Vào tháng 7 năm ngoái, Paraguay đã trở thành quốc gia đầu tiên sử dụng SPI là cơ sở để quyết định chính sách kinh tế, xã hội. Costa Rica cũng sẽ thực hiện điều tương tự.

SPI đặt ra những câu hỏi như liệu một quốc gia có thể đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân; cơ sở hạ tầng và khả năng cung cấp cho công dân cuộc sống tốt, đạt được tiềm năng đầy đủ của họ.

Kết quả năm 2013 cho thấy, các quốc gia có mặt trong Top 10 là Thụy Sĩ, Iceland, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Canada, Phần Lan, Đan Mạch và Úc. Một số nền kinh tế lớn nhất đã không đạt được chỉ số cao, như Đức (12), Anh (13), Nhật Bản (14), Mỹ (16) và Pháp (20).

Trừ Đức, các cường quốc này đều bị đánh giá thấp về tính bền vững môi trường. Mặc dù là một quốc gia hàng đầu về dịch vụ y tế nhưng Mỹ cũng bị xếp hạng kém về sức khỏe, giữ gìn và kiến thức cơ bản vì chỉ có 92% trẻ em được đến trường.

Sức mạnh của Nhật Bản là đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người, nhưng cơ hội và đặc biệt khoan dung còn thấp. Vị trí 90 của Trung Quốc và 102 của Ấn Độ cho thấy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của hai quốc gia này vẫn chưa mang lại cuộc sống tốt hơn cho công dân trong nước.

SPI cho thấy một số bài học thú vị về sự khác biệt giữa cơ cấu kinh tế và xã hội. Theo nghiên cứu, khi các nước giàu tăng trưởng, các chỉ số xã hội thường suy giảm. Nhiều "căn bệnh của thịnh vượng" như béo phì, ô nhiễm môi trường... xuất hiện.

Có một loạt quốc gia Bắc Phi đã có những tiến bộ về tăng trưởng kinh tế nhưng xã hội nhanh chóng sụp đổ khi trải qua mùa Xuân Ả rập. "Rõ ràng là một chính sách đơn giản chỉ dựa vào tăng trưởng kinh tế không tạo ra sự hòa hợp xã hội", Michael Green cho biết.

Song bất chấp nhiều chỉ trích và phản biện, cho đến nay, GDP vẫn là chỉ số cơ bản để đánh giá sự thành công của một quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
SPI có thay thế được GDP?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO