Nóng trên "non cao"

LAM HỒNG| 06/02/2010 08:04

Ba năm trước, Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos chính là biểu tượng của nền kinh tế bong bóng. Diễn đàn năm ngoái giống như để chứng kiến cảnh dọn dẹp đống đổ nát của kinh tế thế giới.

Nóng trên

Ba năm trước, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos chính là biểu tượng của nền kinh tế bong bóng. Diễn đàn năm ngoái giống như để chứng kiến cảnh dọn dẹp đống đổ nát của kinh tế thế giới. Người bi quan tràn ngập các sảnh của trung tâm hội nghị Davos, trong khi số người lạc quan rất hiếm hoi.

Chính trị đối đầu ngân hàng

Từ trái qua, ông Kofi Annan, nguyên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Ceslso Amorim, Ngoại trưởng Brazil và ông Klaws Shwab, người sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2009

Vì vậy, có gì được mong đợi từ Davos 2010, cũng là hội nghị thứ 40 của diễn đàn này? Có tới 2.500 ông chủ doanh nghiệp và chính trị gia hàng đầu đại diện cho hơn 55 chính phủ tụ tập ở dãy Alps của Thụy Sỹ. Ngay cả giới lãnh đạo ngân hàng Mỹ cũng quay trở lại, một năm sau khi họ phải trốn sau bàn làm việc ở Wall Street.

Chủ đề chính của diễn đàn Davos năm nay là "suy nghĩ lại, thiết kế lại, xây dựng lại". Đó là một nghị trình cải cách, và sẽ có nhiều chuyện cần cải cách - từ các lĩnh vực dịch vụ tài chính và theo dõi chính phủ đến chuyện làm thế nào giải quyết đói nghèo và môi trường toàn cầu. Tuy nhiên, diễn đàn Davos lần này diễn ra trong bầu không khí đối đầu giữa một bên là giới ngân hàng và bên kia là giới lãnh đạo chính trị các nước.

Bài diễn văn trước quốc dân của Tổng thống Mỹ Barack Obama đề nghị phải cải cách toàn bộ ngành ngân hàng lại là chủ đề được tranh luận chính tại các cuộc thảo luận Davos. Tại hội nghị WEF năm nay, hầu hết các ngân hàng lớn đều có mặt, khác với năm ngoái, ngay giữa thời kỳ đen tối của khủng hoảng, rất nhiều ngân hàng lớn đã từ chối đến với WEF ở Davos.

Theo Thời báo Financial Times, lãnh đạo các tập đoàn muốn tận dụng hội nghị để vận động hành lang chống lại kế hoạch cải cách ngân hàng được Tổng thống Barack Obama quyết liệt đưa ra mới đây như một “lời tuyên chiến”, trong đó hạn chế quy mô và hoạt động đầu tư rủi ro của các ngân hàng. Vẫn theo Financial Times, có thể đây là thời điểm không dễ dàng gì cho các chủ ngân hàng khi dư luận đang bất bình với những khoản thưởng khổng lồ của họ - chỉ tính riêng số tiền thưởng của các lãnh đạo ngân hàng Mỹ trong năm 2009 đã lên tới 150 tỷ USD.

Nắn lại chủ nghĩa tư bản

Theo giới chủ ngân hàng, những đề nghị nhằm đưa các hoạt động tài chính ngân hàng vào quy củ đều mang tính chất ''mị dân'' và có nguy cơ cản trở sự hồi phục của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy không ngần ngại tố cáo những hoạt động “lệch hướng” của chủ nghĩa tư bản, cụ thể là của giới ngân hàng tài chính quốc tế.

Tổng thống Pháp nhấn mạnh, công luận các nước không thể tiếp tục chấp nhận các cách hành xử không hay của giới ngân hàng. Không thể chấp nhận việc chạy kiếm lợi nhuận quá mức vì việc này không thể tạo ra của cải cho xã hội và việc làm cho người dân. Theo ông, Tổng thống Obama có lý khi nói rằng cần phải ngăn chặn các ngân hàng sử dụng tiền gửi của người dân để đầu cơ địa ốc, hoặc đầu tư vào những quỹ có nhiều rủi ro. Nếu cứ chấp nhận là thị trường luôn luôn đúng, thì tiến trình toàn cầu hóa sẽ vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

Thế nhưng, ông Jacob Frenkel, Chủ tịch Ngân hàng JP Morgan Chase International nêu ra nguy cơ can thiệp của nhà nước dẫn tới bảo hộ mậu dịch. Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Anh Barclays Robert Diamont tỏ ra bi quan, nói rằng không có bằng chứng cho thấy giảm quy mô các ngân hàng là một giải pháp ngăn chặn khủng hoảng tái diễn. Theo giới chuyên gia, sự can thiệp của nhà nước trong thời gian qua đã cứu được nhiều cơ sở tài chính, nhưng điều mà các ngân hàng lo ngại là nguy cơ can thiệp, phản ứng quá mức của chính phủ.

Mặc dù chỉ là một diễn đàn thảo luận, hay nói cách khác, sẽ chẳng có kết quả cụ thể nào sau hội nghị của những nhân vật lớn tại Davos. Tuy nhiên, Davos năm nay phơi bày một thực tế là thế giới đã rơi vào cuộc khủng hoảng toàn diện với tâm chấn từ các ngân hàng. Bây giờ là thời điểm để các nước lựa chọn quyền lợi của các ông chủ hay lợi ích của số đông.

Kinh tế gia Nouriel Roubini, người đã có những dự đoán nổi tiếng về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đã bảo vệ việc áp dụng các quy định mạnh mẽ hơn đối với ngành ngân hàng và cảnh báo việc các ngân hàng quay trở lại với “hoạt động kinh doanh như thường lệ”. Nếu không, ông nói trên Bloomberg rằng: "Cuối cùng, không phải năm nay, thì hai năm nữa chúng ta sẽ thấy hệ thống tiền tệ sụp đổ".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nóng trên "non cao"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO