Nhật Bản không còn là biểu tượng của chất lượng?

16/02/2010 09:33

Những cú vấp ngã của Sony, Japan Airlines và gần đây là Toyota khiến người tiêu dùng tự hỏi: Phải chăng các doanh nghiệp Nhật Bản không còn là biểu tượng của chất lượng?

Nhật Bản không còn là biểu tượng của chất lượng?

Những cú vấp ngã của Sony, Japan Airlines và gần đây là Toyota khiến người tiêu dùng tự hỏi: Phải chăng các doanh nghiệp Nhật Bản không còn là biểu tượng của chất lượng?

Theo tờ Yomiuri, các doanh nghiệp Nhật Bản đã học được một bài học: An toàn và chất lượng là nền tảng cho lòng tin của người tiêu dùng đối với cách thức sản xuất của người Nhật.

Sony đã đánh mất vị trí dẫn đầu về thiết bị tiêu dùng vào tay Apple (Mỹ) và gánh chịu búa rìu dư luận về sự sa sút chất lượng của Hãng. Còn Japan Airlines (JAL), một thời là niềm tự hào của ngành hàng không Nhật Bản, đã đệ đơn xin phá sản vào ngày 19/1 với món nợ 25,6 tỉ USD. Sau đó vài ngày, tin tức về các vụ thu hồi ôtô liên tiếp của Toyota đã tràn ngập các mặt báo.

Đầu tiên là tại thị trường Mỹ, sau đó là Trung Quốc và châu Âu, tổng số xe Toyota bị thu hồi xấp xỉ 8 triệu chiếc. Mới đây, Honda, hãng xe lớn thứ 2 Nhật Bản, cũng cho biết sẽ thu hồi gần 650.000 ôtô trên toàn thế giới do hệ thống điều khiển cửa xe bị lỗi, có thể gây chập điện khi dính nước.

Với các đợt “dội bom” dồn dập này, thương hiệu “chất lượng và uy tín” của các doanh nghiệp Nhật đã bị giáng một đòn nặng nề. Nhất là khi khi Trung Quốc được dự báo sẽ qua mặt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và đối thủ Hàn Quốc cũng đang tăng tốc để thu hẹp khoảng cách.

Điều gì đã xảy ra với “gã khổng lồ” Nhật Bản, từng vươn lên mạnh mẽ từ đống tro tàn của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai?

Cú sốc Toyota

Những vấn đề mà Toyota, Sony và JAL đang đương đầu không giống nhau, nhưng có một số điểm chung. Đó là tất cả đều đối mặt với rủi ro trong quá trình bành trướng ra toàn cầu. Sự chậm đổi mới và tâm lý tự mãn của các doanh nghiệp Nhật Bản đã hình thành sau những thập niên thành công mỹ mãn và từ lối suy nghĩ rằng, quy mô doanh nghiệp quá lớn nên không thể bị sụp đổ.

Kirby Daley, trưởng chiến lược gia tại Newedge Group, công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại Hồng Kông, nhận định: “Sự ngạo mạn và tự mãn xuất phát từ tư tưởng rằng vị trí nhà sản xuất chất lượng số 1 thế giới của họ sẽ không bị lung lay. Và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã góp phần làm bộc lộ những yếu kém của các công ty Nhật Bản”.

Vấn đề ở Toyota và Sony càng trở nên trầm trọng hơn trước sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ Hàn Quốc, Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác. “Họ (các đối thủ châu Á) có thể tung ra sản phẩm có chất lượng không thua kém các công ty Nhật Bản với chi phí thấp hơn rất nhiều”, Shinichi Ichikawa, trưởng chiến lược gia tại Ngân hàng Đầu tư Credit Suisse (Mỹ), nhận xét.

Nhằm cắt giảm chi phí để duy trì khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu đang tăng, Toyota, Sony và các doanh nghiệp Nhật Bản khác đã giảm sự tập trung vào khâu kiểm soát chất lượng. Chẳng hạn, Toyota đã sử dụng cùng một linh kiện cho một loạt các mẫu xe nhằm tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc Toyota đã tự đặt mình vào tình thế rủi ro. Bởi lẽ, sự không tương thích giữa các linh kiện hay bất cứ một sai sót nhỏ nào cũng có thể gây ra “cơn ác mộng” cho thương hiệu.

Toyota gặp khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng khi doanh số toàn cầu tăng quá nhanh, đạt tới 8,9 triệu chiếc vào năm 2008. Với lượng xe bán ra này, Toyota đã qua mặt General Motors (Mỹ) trở thành hãng xe lớn nhất thế giới. Giới chuyên gia cho rằng, chính tốc độ tăng trưởng quá nhanh đã khiến ban lãnh đạo của Hãng không thể theo kịp để lường trước những rủi ro tiềm ẩn, từ đó có biện pháp phòng ngừa.

Kết quả là Toyota đã công bố thu hồi gần 8 triệu ôtô tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc do lỗi tấm thảm sàn kẹt vào chân ga, gây tăng tốc đột ngột. Kéo theo đó là việc Toyota buộc phải tạm ngưng bán và sản xuất 8 mẫu xe (trong đó có các mẫu xe bán chạy là Camry, Corolla) vào cuối tháng 1 vừa qua để khắc phục lỗi.

Một vấn đề khác, theo Giáo sư Kenneth Grossberg, chuyên ngành marketing tại Đại học Waseda (Nhật Bản), là Toyota dường như đã rất chậm chạp trong việc nhận ra vấn đề của mình. Thực tế, từ tháng 3/2007, Hãng đã nhận được các báo cáo phản hồi về việc bàn đạp bật lên rất chậm sau khi nhấn ga. Các kỹ sư đã khắc phục được vấn đề này ở mẫu xe tải hạng nhẹ Tundra vào đầu năm 2008, nhưng lỗi này vẫn tồn tại ở các mẫu xe khác. Và kết cục thì đã quá rõ!

Nỗi đau Sony và JAL

Còn mớ hỗn độn tại Sony là kết quả của những lần dự báo sai xu hướng thị trường. Hãng đã quá chậm trong việc dự báo sự chuyển hướng tiêu dùng sang tivi màn hình tinh thể lỏng (LCD) và kết quả là đã bị Samsung Electronics qua mặt. Hiện nay, đại gia Hàn Quốc này đã chiếm lĩnh được thị trường LCD thế giới.

Tâm lý tự mãn cũng là yếu tố dẫn đến thất bại của Sony. Quá hài lòng với sự thành công của thiết bị nghe nhạc cầm tay Walkman, từng trở thành cú “hit” trên toàn thế giới vào thập niên 1980, Sony trở nên tự mãn, sinh ra ù lỳ trong việc tiến quân vào thị trường thiết bị kỹ thuật số. Do đó, mọi mũi tấn công sau đó của Sony vào thị trường này đều bị bẻ gãy do vấp phải bức tường quá lớn là iPod của Apple và các sản phẩm điện tử tiêu dùng giá rẻ hơn của các đối thủ châu Á.

Và cú sốc thương hiệu đã xảy ra với Sony vào năm 2006 khi Hãng phải thu hồi gần 10 triệu pin máy tính xách tay sau khi xuất hiện một số trường hợp pin bị bắt lửa. Điều này khiến nỗ lực quay trở lại thị trường của Sony càng thêm khó khăn.

Mặc dù gần đây, những nỗ lực của CEO Howard Stringer nhằm đưa Sony quay trở lại các lĩnh vực kinh doanh chính được đánh giá cao, nhưng Tập đoàn vẫn tiếp tục bị thua lỗ.

Trong khi đó, những vấn đề của JAL đã kéo dài hàng thập kỷ nhưng bị lấp liếm vì Chính phủ Nhật Bản không “cam tâm” để các công ty lớn vỡ nợ.

JAL đã trở thành nạn nhân tham vọng của chính mình khi các khoản đầu tư rủi ro vào các khu resort và khách sạn ở nước ngoài thua lỗ do bong bóng bất động sản và chứng khoán bị xì hơi vào đầu thập niên 1990. Chi phí lương và lương hưu tăng cao cùng các đường bay không sinh lợi đã buộc Hãng phải tìm đến sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ. Theo Peter Harbison thuộc Trung tâm Hàng không châu Á Thái Bình Dương (trụ sở tại Úc), JAL có tiếng là mang đến trải nghiệm bay dễ chịu cho hành khách nhưng chi phí điều hành lại quá cao.

Chất lượng cũng là một vấn đề của JAL. Một loạt thiếu sót về an toàn bay đã hủy hoại hình ảnh của Hãng và đối thủ All Nippon Airways (cũng của Nhật Bản) đã chớp thời cơ này để nhanh chóng vượt lên.

Những vấn đề nội tại không được giải quyết rốt ráo cùng tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã buộc JAL phải tuyên bố phá sản với món nợ 25,6 tỉ USD.

Mặc dù hầu hết các chuyên gia đều kỳ vọng vào sự phục hồi của Sony, Toyota và JAL, nhưng rõ ràng, cú vấp ngã của họ đã tạo thời cơ cho các đối thủ vượt lên. Và chắc chắn, sự quay trở lại đường đua của các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Thách thức lớn nhất là làm thế nào để lấy lại hình ảnh chất lượng vốn dĩ phải mất hàng thập niên mới xây dựng được.

Vượt trên tất cả những điều này, doanh nghiệp Nhật đã học được một bài học đắt giá. Nói như Tờ Yomiuri (Nhật), “vấn đề không chỉ là của Toyota mà còn là của các nhà sản xuất khác. Các doanh nghiệp nên nhớ rằng, an toàn và chất lượng là nền tảng cho lòng tin của người tiêu dùng đối với cách thức sản xuất của người Nhật Bản”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhật Bản không còn là biểu tượng của chất lượng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO