Mồi lửa đốt hòa bình

LAM HỒNG| 27/05/2010 04:15

Bản tường trình do các chuyên gia Mỹ, Anh, Úc, Thụy Điển thực hiện kết luận ngư lôi của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã đánh chìm tàu Cheonan.

Mồi lửa đốt hòa bình

Bản tường trình do các chuyên gia Mỹ, Anh, Úc, Thụy Điển thực hiện kết luận ngư lôi của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên đã đánh chìm tàu Cheonan. Kết luận này được công bố mặc nhiên đẩy bán đảo Triều Tiên đứng trước nguy cơ một cuộc chiến, khơi mào bằng những tuyên bố cứng rắn giữa hai bên.

Thoại chiến

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak tuyên bố Seoul sẽ đề ra những biện pháp mà ông mô tả là “quyết liệt chống lại hành động khiêu khích”. Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc không ngần ngại dùng từ “xâm lược” để công kích Bình Nhưỡng: "Hội đồng Bảo an sẽ xem xét các biện pháp phù hợp để trả lời hành động xâm lược của Bắc Hàn”.

Khoáng cách giữa hai miền Triều Tiên ngày càng khoét sâu trong những xung đốt mới

Trước các kết luận của nhóm chuyên gia quốc tế, đặc trách chính sách đối ngoại của Liên hiệp châu Âu, bà Catherine Ashton, đã lên án Bắc Triều Tiên và gọi những hành động của Bình Nhưỡng là “hết sức vô trách nhiệm”. Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama nói các hành động của Bắc Triều Tiên “không thể được tha thứ”...

Trong khi đó, Bình Nhưỡng gọi cáo buộc này là "bịa đặt" và đe dọa khởi chiến nếu Nam Hàn áp đặt cấm vận kinh tế.

Với những tuyên bố trên, có vẻ như bán đảo Triền Tiên cận kề một cuộc chiến “ăn miếng trả miếng”. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy Hàn Quốc và ngay cả Hoa Kỳ đều không có những lựa chọn dễ dàng gì về mặt quân sự, vì Triều Tiên có thể trả đũa và thậm chí có bước đi riêng để đối phó. Triều Tiên có lực lượng quân đội hùng hậu hàng triệu người, với 18 ngàn khẩu pháo và rất có thể cả khả năng huy động vũ khí hạt nhân.

Vụ tàu Cheonan bị chìm không phải là sự cố đầu tiên trong vấn đề tranh cãi biên giới trên biển ở vùng duyên hải phía tây. Chưa có vụ nào dẫn tới chiến tranh. Lần này, có những lý do khiến người ta tin rằng Hàn Quốc sẽ đành phải chấp nhận “thua thiệt”, trừ phi dám chấp nhận khả năng nổ ra xung đột nghiêm trọng.

"Vì đây là một sự việc vô cùng nghiêm trọng, cho nên tôi không muốn chúng ta để xảy ra bất cứ sai sót nào trong việc đưa ra các biện pháp đáp trả của mình", Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak dù chịu nhiều sức ép , nhưng vẫn phải thận trọng trong tuyên bố mới nhất.

Trong Đối thoại An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung mới đây thì vấn đề Triều Tiên đứng đầu nghị trình. Hoa Kỳ bày tỏ thái độ hậu thuẫn cho Hàn Quốc và xúc tiến họp Hội đồng Bảo an.

"Tôi nghĩ, phải gửi một thông điệp rõ ràng cho Triều Tiên rằng những hành động khiêu khích luôn có hậu quả xấu", phát ngôn này được đưa ra sau cuộc gặp của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Katsuya Okada tại Tokyo. Tokyo cho biết sẽ hậu thuẫn Seoul trừng phạt hành động tấn công “không thể tha thứ được” của Bình Nhưỡng.

Luẩn quẩn

Tuy nhiên, nếu cuộc gặp đó được nhiều bên quan tâm thì nó sẽ cũng nhận được sự ủng hộ từ phía Trung Quốc. Các nhà quan sát cho rằng, hiện nay, Trung Quốc đang ở trong tình thế khó xử. Một mặt Bắc Kinh lo ngại là các biện pháp trừng phạt sẽ làm dấy lên một làn sóng người Triều Tiên ồ ạt chạy vào Trung Quốc tỵ nạn.

Mặt khác, trước phản ứng mạnh mẽ của Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu và NATO, Trung Quốc có nguy cơ bị quốc tế cô lập nếu tiếp tục chính sách ủng hộ chế độ Kim Jong Il như trước đây. Ông Chu Phong, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, phân tích: lợi ích lớn nhất của Trung Quốc là duy trì sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên, nhưng Bình Nhưỡng lại muốn thách thức quyết tâm của cộng đồng quốc tế. Do vậy, về lâu dài, Bắc Kinh khó có thể tiếp tục thái độ cầm chừng như hiện nay.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak nhấn mạnh, Bình Nhưỡng đã vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc, hiệp định đình chiến và thỏa thuận khung 1991. Còn các nghị sĩ Mỹ kêu gọi phải trừng phạt Triều Tiên. Nhưng rõ ràng, các bên vẫn chỉ có thể “trừng phạt” Triều Tiên về mặt kinh tế như bấy lâu nay vẫn áp dụng.

Ngay lập tức, Hàn Quốc đã loan báo đình chỉ thương mại giữa hai bên. Nếu tình hình không cải thiện, các dự án đầu tư xuyên biên giới chắc sẽ bị đình chỉ. Theo thẩm định của Diễn đàn Nam - Bắc, nếu giao thương giữa hai miền bị đình chỉ hoàn toàn, Triều Tiên sẽ bị thiệt hại mỗi năm 370 triệu USD và sẽ bị mất 80 ngàn việc làm.

Ngược lại, CHDCND Triều Tiên cũng dọa sẽ đáp lại các biện pháp trả đũa của Hàn Quốc, chẳng hạn như ngăn chặn đi lại qua biên giới và từ khu công nghiệp Kaesong ở miền Bắc, thậm chí có thể đóng cửa luôn khu công nghiệp này, nơi có khoảng 42 ngàn công nhân đang làm việc. Bình Nhưỡng cũng có thể rút lại những bảo đảm về an ninh cho những chuyến bay của các hãng hàng không Hàn Quốc ngang qua lãnh thổ CHDCND Triều Tiên, như họ đã làm trong một thời gian ngắn vào tháng Ba năm ngoái.

Ngoài những hành động gây hấn quân sự dọc theo biên giới trên bộ và trên biển, Bình Nhưỡng cũng có thể tiến hành các cuộc bắn thử tên lửa mới hoặc một vụ thử nghiệm hạt nhân thứ ba. Trong trường hợp này, tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ lại quay về điểm ban đầu: bế tắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mồi lửa đốt hòa bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO