Hàn Quốc: Tấn công chaebol?

THỤY KHA| 23/10/2012 03:44

Cả ba ứng viên trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc vào tháng 12 tới đều chọn chaebol làm mục tiêu tấn công để lấy lòng cử tri với chủ đề “Dân chủ trong kinh tế”.

Hàn Quốc: Tấn công chaebol?

Cả ba ứng viên trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc vào tháng 12 tới đều chọn chaebol làm mục tiêu tấn công để lấy lòng cử tri với chủ đề “Dân chủ trong kinh tế”.

Đọc E-paper

Từ thời cựu Tổng thống Park Chung-hee, các tập đoàn tư nhân chaebol (“chae” là “sở hữu”; “mumbol” là “gia đình quyền quý”) có điều kiện phát triển và trở thành xương sống của cuộc cách mạng công nghiệp, đưa Hàn Quốc vượt lên, dẫn đến sự hình thành những tên tuổi lớn của thế giới như Samsung, Hyundai, LG hay Daewoo... Sự hợp tác chính phủ - chaebol đã đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và những thành công đáng kinh ngạc của Hàn Quốc đầu những năm 1960.

Dù đã được cải cách khá nhiều, cho đến nay, các chaebol vẫn đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế Hàn Quốc. Theo số liệu mới nhất, các chaebol đang tham gia vào 2/3 trong số 76 ngành kinh doanh ở Hàn Quốc. Các lĩnh vực mới rất đa dạng, từ sản xuất, điện tử, đóng tàu, ô tô cho đến túi xách hay da thú.

Trong thập kỷ vừa qua, số lượng các công ty có liên quan đến 10 chaebol lớn nhất Hàn Quốc đã tăng gần gấp đôi, lên gần 600 doanh nghiệp. Từ tháng 1 đến tháng 6, lợi nhuận của 10 tập đoàn này chiếm tới hơn 70% tổng lợi nhuận của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Hàn Quốc.

Tuy nhiên, mô hình chaebol ngày càng bộc lộ nhiều khiếm khuyết, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 mà những tập đoàn lớn góp phần gây ra. Trong đó, nguyên nhân là do mối quan hệ gần gũi giữa các lãnh đạo chaebol với chính phủ đã khiến hệ thống giám sát ngày càng trở nên lỏng lẻo, dẫn đến sự cho vay tràn lan, bao gồm cả khoản vay cho các dự án lợi nhuận kém.

Các chaebol cũng vươn ra đầu tư đa ngành khiến nguồn vốn bị dàn trải, dẫn đến thiệt hại lớn ở những ngành thiếu kinh nghiệm. Tỷ lệ dư nợ của 30 chaebol lớn nhất lên đến 400% tổng giá trị vốn sở hữu trong những năm 1990 đã biến các tập đoàn này thành gánh nặng của kinh tế Hàn Quốc.

Vì thế, sau năm 1997 đến nay, Hàn Quốc đã phải tiến hành những cải cách triệt để đối với các chaebol bằng nhiều quy định khắt khe, để các chaebol yếu kém phá sản, cấm sở hữu công ty tài chính phi ngân hàng, minh bạch hóa quản lý, tập trung vào ngành nghề chính, và trừng phạt các hình thức hối lộ...

Ngày nay, hàng chục chaebol vẫn còn tồn tại ở Hàn Quốc. Các tập đoàn này có cấu trúc rất phức tạp và thường áp dụng kiểu sở hữu vòng tròn. Trong đó, các thành viên gia đình nắm cổ phần của một công ty trong tập đoàn. Sau đó, công ty này lại nắm cổ phần của đơn vị khác cùng “một mẹ”. Vì thế, tất cả các công ty trong chaebol đều có mối liên hệ rất chặt chẽ.

Dư luận cho rằng các chaebol hiện nay đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đến nỗi tấn công vào chaebol cũng có nghĩa là tấn công vào nền kinh tế Hàn Quốc. Tuy nhiên, sức mạnh khổng lồ của các chaebol cũng đã cho các tập đoàn này đủ quyền lực để gây sức ép với nhà cầm quyền, đặt tầm ảnh hưởng lên các chính sách kinh tế, xã hội nhằm phục vụ cho các nhóm lợi ích.

Hoạt động kinh doanh mập mờ của các ông chủ chaebol cũng là điều đáng lo ngại. Hồi đầu tháng, Ủy ban Công bằng thương mại Hàn Quốc đã phạt ba công ty có liên quan đến tập đoàn bán lẻ Shinsegae với số tiền phạt lên đến 4 tỷ won (tương đương 3,7 triệu USD). Shinsegae là một tập đoàn bán lẻ có liên quan đến Samsung.

Chính vì thế, chaebol trở thành đề tài và công cụ cho cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc vào tháng 12 tới. Điều đáng nói là cả ba ứng cử viên đều chọn chaebol làm mục tiêu tấn công để lấy lòng cử tri với chủ đề “Dân chủ trong kinh tế”.

Trong đó, người gây nhiều bất ngờ nhất chính là Park Geun-hye - con gái của nhà độc tài Park Chung-hee. Thậm chí, các thành viên trong đảng Saenuri của bà đã đưa ra những điều luật chặt chẽ trừng trị những ông chủ phạm tội và cả gia đình của họ.

Đối thủ Moon Jae-in, Đảng Dân chủ thống nhất, 59 tuổi, từng bị ngồi tù năm 1975 vì tội tham gia các cuộc biểu tình chống lại chế độ của Tổng thống Park Chung-hee, không có ý định phá vỡ những tập đoàn này, nhưng mong muốn ngăn chặn những hành động gây nguy hại đến các doanh nghiệp nhỏ. Ứng viên còn lại là Ahn Cheol-soo cũng tuyên bố sẽ bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ trước các chaebol.

Tuy nhiên, ông Shaun Cochran - trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc tại CLSA Châu Á - Thái Bình Dương lại cho rằng, những điều luật này khó có thể tiến xa vì “các tập đoàn này chắc chắn sẽ làm mọi cách để bảo toàn vị thế. Vì vậy, hiệu quả của những việc này cần phải xem xét kỹ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàn Quốc: Tấn công chaebol?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO