Giáo sư gốc Việt với Giải thưởng Thành tựu trọn đời tại Mỹ

30/12/2009 07:08

Là người đã có nhiều thành công ở Mỹ những năm qua, Giáo sư Charles Cường Nguyễn đã và đang làm được nhiều việc tốt đẹp cho quê hương.

Giáo sư gốc Việt với Giải thưởng Thành tựu trọn đời tại Mỹ

Đầu năm 2009, Đại học Catholic University of America đã ra thông cáo báo chí cho biết: Giáo Sư Charles Cường Nguyễn, một học giả người Việt của trường, đã giành được Giải thưởng Thành tựu trọn đời của Liên hội Kỹ sư và Kiến trúc sư tại thủ đô Washington.

Giáo Sư Charles Cường Nguyễn

Là người đã có nhiều thành công ở Mỹ những năm qua, Giáo sư Charles Cường Nguyễn đã và đang làm được nhiều việc tốt đẹp cho quê hương.

Mời các bạn theo dõi bản tin audio Giáo Sư Charles Cường Nguyễn, một học giả người Việt đã giành được Giải thưởng Thành tựu trọn đời của Liên hội Kỹ sư và Kiến trúc sư tại thủ đô Washington do Bảo Chiêu trình bày.

Giáo sư Charles Cường Nguyễn sinh ra tại Đà Nẵng. Từ nhỏ, cậu bé Cường đã được bạn bè rất "nể" vì những thành tích học tập xuất sắc. Sau khi tốt nghiệp trung học tại Việt Nam lúc mới 16 tuổi, năm 1972, Charles Cường Nguyễn sang du học ở CHLB Đức rồi tốt nghiệp kỹ sư. Năm 1978, anh sang Mỹ định cư và theo học tiếp tại Đại học George Washington. Tại đây, Charles Cường Nguyễn đã bảo vệ xuất sắc Luận án Tiến sĩ và ra trường với tấm bằng Tiến sĩ hạng ưu của Đại học George Washington vào năm 1982.

Cũng như nhiều người Việt khác, thời gian khó khăn nhất đối với Charles Cường Nguyễn là những thời kỳ anh bắt đầu cuộc sống ở hai quốc gia mới là Đức và Mỹ. Từ vị thế một người nhập cư, anh đã nỗ lực rất nhiều để có thể trở thành người thành đạt ở một đất nước đa chủng tộc như nước Mỹ. Không chỉ sự bất đồng ngôn ngữ và văn hoá, khó khăn còn là sự kỳ thị của người bản xứ. Điều này đã làm Charles Cường Nguyễn vất vả rất nhiều trong việc tạo dựng lòng tin của các đồng nghiệp để thể hiện tài năng của mình cũng như được bầu lên vị trí lãnh đạo.

Charles Cường Nguyễn và chị Kim Bằng

Giáo Sư Charles Cường Nguyễn đã tham gia giảng dạy ở nhiều đại học ở Mỹ. Anh là Trưởng Phân khoa kỹ thuật và điện toán của Đại học Catholic University of America từ tháng 9 năm 1997 đến tháng 6 năm 2001, trước khi trở thành Trưởng khoa của trường đào tạo kỹ sư. Ông là người Mỹ gốc Việt đầu tiên và duy nhất hiện nay làm lãnh đạo khoa của một trong những đại học lớn ở Mỹ.

Giáo Sư Charles Cường Nguyễn đã có nhiều công trình nghiên cứu đóng góp xuất sắc trong các ngành như vũ trụ, toán học, y khoa... mà một trong các công trình quan trọng là kiểm soát người máy trong công nghệ chế tạo robot. Anh còn là người sáng lập Tạp chí Intelligent Automation And Soft Computing và cũng là tác giả của hơn 100 nghiên cứu khoa học, bài báo, hiệu đính sách... Ngoài ra Giáo sư gốc Việt này còn phụ trách nhiều ủy ban và hội nghị quan trọng. Ông từng được nhận nhiều giải thưởng quốc tế liên quan đến nghiên cứu về công nghệ kỹ thuật.

Với những thành tích nổi bật trong công việc và nghiên cứu, năm 2004, Giáo sư Charles Cường Nguyễn đã được Tổng thống Mỹ George W. Bush bổ nhiệm vào Ban Giám đốc Quỹ giáo dục Việt Nam. Trong vai trò là cầu nối giáo dục giữa Mỹ và Việt Nam, Giáo sư Charles Cường Nguyễn đã tích cực thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa hai quốc gia, trong đó có việc trao đổi giảng dạy giữa các trường đại học Mỹ, trong đó có trường Catholic University of America của ông với các trường đại học tại Việt Nam. 

Với uy tín và sự nhiệt tình của Giáo sư Charles Cường Nguyễn, số lượng sinh viên Việt Nam theo học tại Đại học Catholic University of America ngày càng đông. Các sinh viên sau khi hoàn tất 2-3 năm học ở một đại học Việt Nam và được tuyển chọn sẽ đến trường Catholic University of America để hoàn thành hai năm cuối cùng của bằng kỹ sư. Hiện nay, trường Đại học Catholic University of America, mà Giáo sư Charles Cường Nguyễn là một trong những lãnh đạo, đã dành cho Việt Nam 30 suất học bổng bán phần (50%) và các chương trình thạc sĩ và tiến sĩ. Hai sinh viên của Đại học Bách khoa Đà Nẵng đang làm tiến sĩ tại đây. Ngoài ra, Giáo sư Charles Cường Nguyễn đã vận động để có thêm nhiều chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật của trường với các đại học tại Việt Nam như đưa các giáo sư Việt Nam sang Mỹ nghiên cứu.

Với tài năng và những cống hiến không mệt mỏi cho nghiên cứu khoa học, phát triển giáo dục, Giáo sư Charles Cường Nguyễn đã được Liên hội Kỹ sư và Kiến trúc sư tại thủ đô Washington trao tặng Giải Thành tựu trọn đời 2009 (Lifetime Achievement Award) . Đây là giải thưởng cao quý nhất dành cho những nhà khoa học có những đóng góp quan trọng và ý nghĩa trong cuộc đời của họ.

Mỗi năm, Liên hội Kỹ sư và Kiến trúc sư tại thủ đô Washington bầu chọn ra những nhà nghiên cứu trong số những kỹ sư và kiến trúc sư xuất sắc trong ngành để trao Giải thưởng Thành tựu trọn đời để vinh danh thành tích mà họ đã đóng góp.

Phát biểu tại lễ nhận Giải Thành tựu trọn đời 2009 ở Silver Spring, Maryland, Giáo sư Charles Cường Nguyễn cho biết: "Tôi rất hãnh diện khi biết mình được nhận giải thưởng cao quý này. Đây là niềm tự hào cho cá nhân tôi, cho gia đình tôi và cho đại học chúng tôi. Điều bất ngờ, chính người học trò cách đây 25 năm của tôi đã đề cử tôi cho giải thưởng này cùng với rất nhiều nhân vật tên tuổi khác". Giáo sư cũng khiêm tốn cho rằng những thành công của mình có phần đóng góp quan trọng của vợ anh, chị Kim Bằng.

Charles Cường Nguyễn cho biết, chị Kim Bằng làm ở Bộ Thương mại Mỹ, dù công việc không kém phần bận rộn so với anh, nhưng trong suốt 26 năm qua, chị vẫn lo chu toàn trọng trách của người vợ Việt Nam đảm đang, tháo vát, người mẹ tần tảo của bốn đứa con. Không chỉ vậy, chị Kim Bằng hiện còn làm Giám đốc một chương trình du học của Bộ Thương mại Mỹ.

Theo Giáo Sư Charles Cường Nguyễn, mục tiêu mà anh muốn thúc đẩy trong thời gian tới là mở rộng hợp tác quốc tế của trường Đại học Catholic University of America với các trường đại học Việt Nam. "Trong những năm tới, tôi sẽ chú trọng vào những chương trình giáo dục quốc tế của trường, đặc biệt là quan hệ với Việt Nam", anh cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giáo sư gốc Việt với Giải thưởng Thành tựu trọn đời tại Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO