EC thu thập bằng chứng chống 2 công ty Trung Quốc

18/04/2013 00:19

Ủy ban Thương mại của Liên minh châu Âu sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của các nước thành viên EU để tiến hành điều tra đối với hai công ty chuyên sản xuất thiết bị viễn thông Huawei và ZTE của Trung Quốc.

EC thu thập bằng chứng chống 2 công ty Trung Quốc

Ủy ban Thương mại của Liên minh châu Âu sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của các nước thành viên EU để tiến hành điều tra đối với hai công ty chuyên sản xuất thiết bị viễn thông Huawei và ZTE của Trung Quốc.

Cuộc điều tra có thể được mở ngay cả khi không có đơn kiện của các nhà sản xuất châu Âu.

Một nguồn tin ngoại giao của EU ngày 16/4 đã tiết lộ thông tin trên, cho biết Ủy ban châu Âu (EC) hiện đã thu thập bằng chứng chuẩn bị cho khả năng kiện Huawei và ZTE, cho rằng nhờ được nhà nước trợ cấp nên hai công ty này đã hạ giá khiến sản phẩm của họ rẻ hơn so với sản phẩm do các công ty châu Âu sản xuất.

Thông thường, các vụ điều tra thương mại của EU được bắt đầu từ đơn kiện của một hay nhiều công ty, nhưng trong trường hợp này, các nhà sản xuất châu Âu gồm Ericsson, Alcatel-Lucent và Nokia Siemens Networks đã từ chối cộng tác với EC do lo ngại bị trả đũa bằng cách hạn chế thâm nhập thị trường viễn thông đang nổi của Trung Quốc.

Điều này đã buộc Ủy viên châu Âu phụ trách Thương mại Karel De Gucht phải lựa chọn hoặc để vụ việc chìm xuống hoặc theo đuổi điều tra trên cơ sở ý kiến của EC.

Theo nguồn tin trên, ông De Gucht, người vốn ủng hộ lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc trong các vấn đề thương mại, có thể sẽ áp dụng biện pháp đặc biệt trong trường hợp này, trên cơ sở nội dung cuộc họp các Bộ trưởng Thương mại EU tại Dublin, Ireland vừa qua.

Một báo nội bộ của EU hồi năm ngoái đã khuyến cáo cần hành động chống lại các công ty sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc khi mà sự thống trị các mạng lưới di động của những công ty này đang ngày một tăng, tạo ra mối đe dọa đối với an ninh và ngành sản xuất trong nước của EU.

Tuy nhiên, EU hiện vẫn chia rẽ về quan điểm trên khi Anh và Hà Lan đánh giá Huawei tạo ra nhiều việc làm, còn một số nước khác tỏ ra thận trọng vì viễn thông là ngành khá nhạy cảm, không chỉ với an ninh quốc gia mà cả với hàng triệu khách hàng sử dụng dịch vụ, cả tư nhân lẫn nhà nước.

Năm ngoái, Đức đã quyết định loại Huawei ra khỏi danh sách nhà cung cấp thiết bị hạ tầng cho một viện nghiên cứu quốc gia của nước này.

Huawei đã bác bỏ các cáo buộc về trợ giá, khẳng định công ty này vẫn tuân thủ nghiêm luật pháp quốc tế và lý giải rằng việc giá bán sản phẩm của họ rẻ hơn nhờ có chi phí sản xuất thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
EC thu thập bằng chứng chống 2 công ty Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO