Ám ảnh đình lạm

THỤY KHA| 10/06/2009 02:52

Giá dầu lại rục rịch tăng, đem lại những dấu hiệu khả quan cho sự phục hồi của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, biến chuyển này cũng mang lại những rủi ro-dù vẫn là những rủi ro thường trực.

Ám ảnh đình lạm

Giá dầu lại rục rịch tăng, đem lại những dấu hiệu khả quan cho sự phục hồi của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, biến chuyển này cũng mang lại những rủi ro-dù vẫn là những rủi ro thường trực.

Theo The Economist, MSNBC

Giá dầu đã vượt mốc 68USD/thùng, cao nhất trong vòng 7 tháng qua. Mặc dù hiện tại mới chỉ bằng một nửa mức đỉnh của tháng 7 năm ngoái, nhưng giá dầu đã cao hơn so với mức trung bình trong vài thập kỷ trở lại đây. Với diễn biến mới trên thị trường dầu mỏ, một số chuyên gia kinh tế bắt đầu đề cập khả năng “giá dầu 3 chữ số”.

Nhận định này được đưa ra một phần do những nền kinh tế đang nổi hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil đang thoát khỏi đáy của suy thoái kinh. Trong dài hạn, giá dầu có thể được đẩy cao bởi nhu cầu từ các nền kinh tế đang nổi lên và sự thiếu hụt nguồn cung dầu của thế giới.

Vào tháng 7/2008, giá dầu thế giới lập “kỷ lục thời đại” khi vượt mốc 147USD/thùng. Kỷ lục này trực tiếp đẩy chi phí giao thông, lương thực và năng lượng leo thang, gây ra tình trạng lạm phát gia tăng khắp thế giới. Đà phục hồi của giá dầu khiến nhiều nhà kinh tế lo ngại khả năng trở lại của tình trạng đình lạm (stagflation) - sự kết hợp giữa lạm phát cao và giảm sút sản lượng kinh tế - từng khiến kinh tế thế giới tê liệt trong thập niên 1970 sau hai cú sốc dầu lửa vào các năm 1973 và 1979.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, đình lạm khó có khả năng xảy ra, nếu xét tới những lo ngại lớn hơn về tình trạng giảm phát (deflation) ở các nước giàu. Bên cạnh đó, tại châu Âu và Mỹ, chính sách tiền lương và tiền công lao động hiện nay đã trở nên linh hoạt hơn so với thời điểm 1970, nên khả năng điều chỉnh để thích nghi với sự đi lên của giá dầu là lớn hơn.

Nhưng với giá dầu cao, nền kinh tế thế giới trong thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất từ Chiến tranh Thế giới thứ hai tới nay sẽ mất thêm nhiều thời gian để phục hồi hoàn toàn. Do đó, động thái duy trì sản lượng mà Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đồng thuận vào cuối tháng 5 qua có thể xem là một đường hướng khôn ngoan. Nếu OPEC cắt giảm thêm sản lượng, giá dầu tăng nhanh hơn, niềm tin của người tiêu dùng bị sứt mẻ nhiều hơn, sự phục hồi của kinh tế vì thế sẽ gặp nhiều trở lực hơn.

Cùng thời gian này năm ngoái, thị trường dầu sôi sục với dự báo rằng giá dầu thô có thể lên tới 200USD/thùng. Mặc dù thị trường không đi theo hướng như vậy, nhưng giá dầu cũng đã lên tới 144USD/thùng vào đầu tháng Tư. Giờ đây, sau đúng một năm, giá dầu đang quay đầu tăng giá mạnh, nhưng thị trường thế giới đã có một khác biệt rất lớn. Đó là sự điều chỉnh từ thị trường Mỹ với chính sách “buộc phải can thiệp để giữ sự ổn định kinh tế” của chính quyền Obama.

Trên thực tế, những cam kết của Nhà Trắng nhằm ổn định nền kinh tế đã nói lên khả năng ngăn được giá dầu tăng vọt. Và theo các chuyên gia, giá dầu khó có thể tăng cao hơn nhiều so với mức 60USD/thùng. Bởi nếu vượt quá xa ngưỡng này, giá xăng cũng sẽ tăng rất mạnh và làm ngưng trệ tiêu dùng. Nhà Trắng cũng trấn an rằng sẽ mở kho Dự trữ xăng dầu chiến lược (Strategic Petroleum Reserve - SPR) nếu giá dầu “vượt tầm kiểm soát”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ám ảnh đình lạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO