10 hiểm họa với kinh tế thế giới năm 2013

08/02/2013 08:53

Các nước mới nổi không còn trong thời kỳ bùng nổ, mâu thuẫn trong điều hành kinh tế Mỹ và những căng thẳng địa chính trị tại châu Á có thể kéo tụt tăng trưởng toàn cầu năm nay.

10 hiểm họa với kinh tế thế giới năm 2013

Các nước mới nổi không còn trong thời kỳ bùng nổ, mâu thuẫn trong điều hành kinh tế Mỹ và những căng thẳng địa chính trị tại châu Á có thể kéo tụt tăng trưởng toàn cầu năm nay.

>>Dự đoán kinh tế thế giới năm 2013

Hàng năm, Ian Bremmer, Giám đốc Công ty tư vấn và nghiên cứu rủi ro toàn cầu - Eurasia Group đều đưa ra danh sách 10 nguy cơ đối mà kinh tế thế giới phải đối mặt. Năm nay, Bremmer nhấn mạnh vào rủi ro chính trị, đặc biệt sau sự kiện vách đá tài khóa tại Mỹ, khủng hoảng eurozone và bạo loạn ở Trung Đông.

1. Rủi ro tại các thị trường mới nổi

Những nền kinh tế này sẽ biến động mạnh hơn các quốc gia công nghiệp phát triển. Một số nước sẽ vẫn là địa điểm đầu tư tốt do tiềm năng tăng trưởng mạnh trong quá khứ. Tuy nhiên, thời kỳ bùng nổ của các thị trường này đã chấm dứt.

Năm 2013, Bremmer cho rằng thế giới cần hiểu rõ sự chững lại tại các quốc gia này là khác nhau. Vì vậy, ông chia các nước mới nổi thành ba nhóm: đang tiến tới nước phát triển, vẫn thuộc dạng mới nổi và lại trượt dốc.

2. Hiểm họa thông tin tại Trung Quốc

Trong những tháng qua, tốc độ lan truyền của thông tin trên thế giới đã tăng với tốc độ chóng mặt. Tại các nước phát triển, kiểm soát việc này đã là vấn đề đau đầu. Nhưng tại Trung Quốc, tình hình này còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Nền kinh tế Trung Quốc ngày càng dựa nhiều vào thông tin. Nhu cầu tiếp cận tin tức của tầng lớp trung lưu học thức cao tại đây cũng tăng rất mạnh. Tuy nhiên, một số tin tức có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh của các lãnh đạo nước này và gây bất ổn trong xã hội.

3. Căng thẳng tại Trung Đông

Những căng thẳng về sự đối đầu của Iran với Israel và phương Tây là quá đủ để khiến thế giới gặp nhiều rủi ro. Ngoài Iran, Trung Đông cũng phải giải quyết hàng loạt vấn đề, như xung đột sắc tộc, chủ nghĩa cực đoan, căng thẳng quyền lực và kinh tế tăng trưởng yếu.

4. Điều hành kinh tế Mỹ

Việc các nghị sĩ của 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa thường xuyên khó thống nhất với nhau trong nhiều vấn đề quốc gia đã khiến Bremmer rất lo ngại.

Ông cho biết: "Chúng tôi còn không nghĩ là Mỹ sẽ suy thoái vì chính trị, chứ đừng nói gì đến khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, sự bất đồng của các nhà làm luật về thuế doanh nghiệp, kéo theo hàng loạt cuộc đàm phán chính sách gay cấn vẫn có thể khiến tăng trưởng tại Mỹ giảm sút".

5. Nhóm JIBs (Nhật Bản, Israel và Anh) đứng ngoài các thay đổi chính trị

Các quốc gia này đều có tình trạng giống nhau. Thứ nhất, mối quan hệ đặc biệt của họ với Mỹ không còn quan trọng như trước nữa.

Họ vẫn đứng ngoài các thay đổi về địa chính trị và có rất ít biện pháp để tham gia tích cực vào việc này. Sự ràng buộc nội địa của các quốc gia này (như chính trị, lịch sử, xã hội) khiến họ khó có thể phản ứng hiệu quả với các thay đổi địa chính trị trên thế giới.

6. Khủng hoảng tại châu Âu thêm trầm trọng

Triển vọng kinh tế yếu kém và bất đồng giữa các nước về cách thức giải quyết khủng hoảng là những rủi ro lớn với kinh tế thế giới năm 2013. Bên cạnh đó, giới phân tích cũng đang nghi ngờ khả năng tồn tại của đồng euro.

Các chính sách thắt lưng buộc bụng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiềm năng phát triển của khu vực này. Vì vậy, các nước eurozone sẽ phải nhượng bộ nhiều hơn để tiến xa trong thỏa thuận liên minh ngân hàng, liên minh tài khóa và khung chính sách chung.

7. Địa chính trị ở châu Á diễn biến phức tạp

Trung Quốc đang tranh chấp lãnh thổ với hàng loạt quốc gia ở Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Bên cạnh đó, Mỹ lại muốn tăng cường quan hệ kinh tế chiến lược với các nước khu vực này. Việc đó đã khiến quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới "căng như dây đàn" và ảnh hưởng đến thương mại chung của khu vực châu Á.

8. Iran tiếp tục đối đầu với phương Tây

Cuộc chiến giữa Iran, Israel và Mỹ đã kéo dài nhiều năm nay, trên nhiều lĩnh vực như quân sự hay tấn công hệ thống mạng. Việc này thường xuyên gây áp lực tăng lên giá dầu thế giới. Thậm chí, nó có thể khiến Iran có nhiều hành động hiếu chiến và ăn miếng trả miếng hơn.

9. Ấn Độ khó thay thế Trung Quốc làm đầu tàu tăng trưởng

Ấn Độ năm 2013 sẽ là một trong những ví dụ điển hình nhất cho việc chính trị ảnh hưởng đến cái được gọi là sự thành công dài hạn của nền kinh tế. Gần đây, thế giới đề cập nhiều đến việc Trung Quốc đang phát triển chậm chạp, và Ấn Độ sẽ là "cỗ máy tăng trưởng" mới của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo Bremmer, việc này sẽ không diễn ra nhanh như vậy.

10. Kinh tế Nam Phi không tươi sáng như mong đợi

Khu vực châu Phi cận Sahara là minh chứng rõ ràng nhất cho nghịch lý thế giới chuyển dần về các kinh tế mới nổi và rủi ro chính trị. Xét về tăng trưởng, châu Phi được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển mạnh khi tầng lớp trung lưu đang tăng lên và nhiều quốc gia có đà tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định triển vọng tại hai nền kinh tế hàng đầu khu vực này là Nam Phi và Nigeria không tươi sáng như mong đợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
10 hiểm họa với kinh tế thế giới năm 2013
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO