Thổ cẩm Cơ Tu xuống núi

VĂN NGHĨA| 22/11/2009 01:08

Từ đầu năm nay, một nhóm phụ nữ Cơ Tu ở thôn Zơ Ra, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đã thiết lập được hệ thống phân phối sản phẩm thổ cẩm tại nhiều thành phố lớn.

Thổ cẩm Cơ Tu xuống núi

Từ đầu năm nay, một nhóm phụ nữ Cơ Tu ở thôn Zơ Ra, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đã thiết lập được hệ thống phân phối sản phẩm thổ cẩm tại nhiều thành phố lớn. Sau một thời gian ngắn, sản phẩm do những người thợ dệt Cơ Tu làm ra đã được khách hàng đặt mua, đặc biệt là du khách nước ngoài. Đơn đặt hàng ngày một nhiều thêm, làng dệt thổ cẩm nơi núi rừng Trường Sơn nay trở nên nhộn nhịp như một xưởng thủ công.

Thôn Zơ Ra là một trong những vùng nổi tiếng về nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu, ở phía tây tỉnh Quảng Nam. Nghề dệt thổ cẩm ở đây được hình thành và phát triển chủ yếu đáp ứng nhu cầu sử dụng trong gia đình, trao đổi trong cộng đồng người Cơ Tu. Đầu những năm 2000, nghề dệt thổ cẩm ở đây đứng trước thách thức bị mai một vì nhu cầu sử dụng thổ cẩm trong các gia đình người Cơ Tu không còn nhiều như trước, thay vào đó, họ sử dụng đồ may mặc bán trên thị trường, rẻ hơn và không phải mất nhiều thời gian để dệt. Mặc dù nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống vẫn được duy trì trong các gia đình, nhưng số phụ nữ biết nghề ngày một ít đi.

Nhóm thợ dệt thổ cẩm thôn Zơ Ra

Với sự hỗ trợ của Quỹ Phát triển và Cứu trợ Quốc tế (FIDR), một tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản, năm 2003, một nhóm dệt thổ cẩm đã được thành lập tại thôn Zơ Ra. Nhóm thợ ban đầu có 20 phụ nữ, nhưng vì bận lo việc gia đình, nên hoạt động của nhóm chủ yếu tận dụng thời gian nhàn rỗi. Những người thợ dệt thổ cẩm ở đây đã được các chuyên gia tập huấn kiến thức về thiết kế, phối màu, học may, các kỹ năng quản lý, lập kế hoạch cho việc tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm.

Chị Nguyễn Thị Kim Lan - trưởng nhóm thợ dệt nhớ lại: “Chúng tôi đã làm việc thật nghiêm túc trong nhiều năm với không ít khó khăn phải vượt qua. Cho đến giờ thì tất cả chị em đã thành thục các công đoạn và tự hoàn thiện sản phẩm từ khâu quay sợi đến khâu may, đóng gói sản phẩm”. Từ đó, ngoài các sản phẩm, mẫu mã truyền thống, các chị còn làm ra hàng chục loại sản phẩm như túi xách, ba lô, áo, khăn... mang đặc trưng thổ cẩm đính cườm của người Cơ Tu. Các sản phẩm của nhóm dệt Cơ Tu ở thôn Zơ Ra bắt đầu được biết đến tại các hội chợ, triển lãm ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM...

Nhiều sản phẩm được khách mua ngay tại triển lãm. Chị Hới Thị Hà, một thành viên trong nhóm vui mừng nói: “Trước đây mình chỉ biết dệt đồ dùng cho gia đình thôi, giờ vào nhóm rồi được học làm nhiều cái hơn, vừa giữ được truyền thống nghề dệt ông bà để lại, vừa dệt và làm được nhiều sản phẩm thổ cẩm để bán, có thêm tiền cho gia đình”.

Thời gian đầu, sản phẩm do nhóm dệt thôn Zơ Ra làm ra dù được quảng bá rộng rãi, nhưng vẫn ít được chú ý. Thu nhập của chị em trong nhóm cũng không nhiều, cuộc sống vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Đầu năm 2009, nhóm đưa ra quyết định đột phá: Tự mang sản phẩm đi tiếp thị, gửi bán tại các điểm du lịch ở một số thành phố hay trung tâm du lịch như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hội An. Sau 6 tháng, doanh số bán hàng tăng lên một cách bất ngờ.

Chị Lan trưởng nhóm đồng thời là người được cử mang thổ cẩm Cơ Tu “xuống núi”, cho biết: “Tôi đã mang mẫu hàng xuống cho các chủ tiệm bán hàng lưu niệm tại các khu du lịch xem. Ban đầu, họ chỉ nhận ít thôi, bán thử thấy được, họ gọi điện lên bảo mang xuống tiếp, cả nhóm vui lắm”. Thực ra, lúc đầu gửi bán, một số món hàng không bắt mắt, nhóm dệt phải thay đổi mẫu mã cho phù hợp với thị hiếu của khách hàng.

Bây giờ, trong ngôi nhà gươl ở thôn Zơ Ra đã có gần 40 chị cùng tham gia làm các công đoạn khác nhau như se tơ, dệt vải, cắt, may, đóng gói, giao hàng... Hàng bán chạy, thu nhập của các chị cũng tăng theo, góp phần cải thiện đời sống gia đình. Chị Ría Thị Têm - một thợ dệt có nghề trong nhóm, chia sẻ: “Mình tham gia nhóm từ những ngày đầu tiên, chỉ tranh thủ đến làm mỗi tuần ba ngày thôi. Ban đầu thì cũng khó khăn, nhưng từ đầu năm đến giờ thu nhập cũng được, có tiền đi chợ và mua sắm một vài thứ trong nhà. Điều làm mình vui nhất là giữ được nghề của đồng bào Cơ Tu”.

Đầu ra bắt đầu có chiều hướng phát triển tốt, nhóm dệt thổ cẩm truyền thống của các chị theo đó cũng hoạt động thường xuyên hơn. Tuy nhiên, chị Lan vẫn suy tư: “Hiện tại thì đầu ra cũng có, nhưng chưa ổn định lắm. Chị em chúng tôi đang vừa làm, vừa ngóng tin đặt hàng, chứ không dám tập trung làm nhiều theo năng lực, trung bình mỗi tháng xuất được từ 150 - 200 sản phẩm”. Mặc dù vậy, các chị vẫn tin tưởng sản phẩm gửi được nhiều chỗ hơn, quảng bá rộng rãi hơn, qua đó góp phần tăng thêm thu nhập cho các gia đình và tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ trong toàn thôn, đồng thời bảo tồn được nghề dệt vải truyền thống của người Cơ Tu.

Sản phẩm dệt cườm là một trong những nét đặc sắc trong nghề dệt vải truyền thống của người Cơ Tu. Những hạt cườm được dệt lồng vào sợi vải, tạo các hoa văn rất độc đáo. Trước khi dệt, người thợ phải xâu cườm vào một thanh tre nhỏ, khi dệt người thợ xỏ từng hạt cườm vào sợi vải để tạo hình. Dệt cườm đòi hỏi người thợ phải có kỹ năng rất tinh xảo, mất nhiều thời gian mới tạo được một mô-típ cườm mang đặc trưng văn hóa truyền thống người Cơ Tu.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thổ cẩm Cơ Tu xuống núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO