Thị trường boxing Việt Nam cần tạo ra những người hùng?

ĐÔNG SANG| 21/11/2017 08:34

Trong khi ngành công nghiệp thể thao đối kháng giải trí thế giới, cụ thể như các giải đấu boxing, võ tự do đang ngày càng hái ra tiền thì ở Việt Nam, doanh thu từ các chương trình này lại rất ảm đạm, chủ yếu sống nhờ vào nguồn tài trợ của doanh nghiệp.

Thị trường boxing Việt Nam cần tạo ra những người hùng?

Đứng trước bối cảnh đó, những người có thẩm quyền đang từng bước thực hiện một kế hoạch táo bạo nhất từ trước đến nay: Để thay đổi bộ mặt boxing Việt Nam, cần phải tạo ra những ngôi sao trên sàn đấu - những người có cả tiền tài và danh vọng.

Bài học từ Thái Lan

Thái Lan là quốc gia rất thành công trong việc tạo nên những võ sĩ tên tuổi. Một trong những ngôi sao đầu tiên của họ trong môn boxing là Somluck Khamsing.

Giống như bao đứa trẻ ở các vùng quê nghèo khó ở Thái Lan, Somluck đã sớm tiếp xúc với muay Thai - môn võ cổ truyền nổi tiếng về cận chiến. Năm 19 tuổi, Somluck đại diện cho Thái Lan dự thi môn boxing ở Olympic 1992 (Barcelona) và trở thành vận động viên đầu tiên của Thái Lan đoạt huy chương vàng bộ môn này 4 năm sau đó ở Olympic Bắc Kinh.

Cuộc sống Somluck thay đổi hoàn toàn từ đó, anh trở về như người hùng của dân tộc, từng được diện kiến Đức vua Bhumibol Adulyadej, nhận được 1 triệu USD tiền thưởng từ chính phủ và các nhà tài trợ. Sau đó Somluck còn tham gia đóng phim và phát hành album ca nhạc.

“Boxing Việt Nam cần tạo ra những hình tượng như vậy để thu hút sự chú ý của xã hội”, ông Trần Minh Tiến - Giám đốc Công ty Lasta kiêm Chủ tịch Liên đoàn Boxing Việt Nam gợi ý. Lời gợi ý này được đưa ra trong bối cảnh võ sĩ Trần Văn Thảo của Việt Nam đã đăng ký thi đấu trận tranh đai Interim WBC châu Á trước đối thủ Trung Quốc Su Yinhuan (hạng cân Super Flyweight 52kg). Trận đấu này sẽ được diễn ra vào ngày 30/11/2017 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan.

Có lẽ không ai hiểu boxing Việt Nam đang ở đâu hơn ông Tiến. Phát sóng các chương trình võ thuật là Công ty Lasta. Đây cũng là đơn vị duy nhất đồng hành cùng các chương trình tương tự hiện nay thông qua kênh Let’s Viet.

Gần đây, giới quyền anh trong nước sôi sục bởi trận đấu bán kết cuối cùng của giải Boxing Đấu trường Thép 2017. Sau 10 tuần thi đấu, giải đã tìm được các đấu thủ mạnh nhất cho 2 đêm chung kết diễn ra vào ngày 11 và 12. Hằng năm, Lasta chi hơn 10 tỷ đồng để phát sóng các chương trình võ thuật. Nhưng có một sự thật mà đơn vị này phải thừa nhận rằng số lượng người xem không nhiều.

Càng buồn hơn khi giải Boxing Đấu trường Thép 2017 đã bước vào năm thứ 4 mà số lượng người xem cũng không tăng đáng kể. Trước đó, một giải đấu khác do Lasta đồng tổ chức cùng Liên đoàn Võ thuật Việt Nam là Giải Vovinam cũng có kết quả tương tự.

Chính vì lượng người xem thấp như thế, nên giải đấu Boxing Đấu trường Thép và nhiều giải võ thuật khác cho đến nay vẫn sống nhờ vào sự tài trợ của các doanh nghiệp là chính.

Còn nhớ, trận quyền anh giữa Floyd Mayweather và Manny Pacquaio diễn ra tại sàn đấu MGM Grand Garden Arena ở Las Vegas, Mỹ đã phá vỡ mọi kỷ lục trong lịch sử quyền anh thế giới, có doanh thu lên tới 500 triệu USD. Hay sau khi thắng võ sĩ tự do McGregor, tay đấm “độc cô cầu bại” Mayweather kiếm được 1 tỷ USD...

Tất nhiên, những giải đấu quyền anh IBF, WBA, WBC và WBO luôn là tâm điểm của thể thao thế giới. Những con số này cho thấy boxing có sức hấp dẫn mạnh mẽ trên toàn cầu. Đồng thời cũng cho thấy sự èo uột khó chấp nhận của boxing trong nước.

Tìm đường ra thế giới

Lý giải điều này, có nhiều ý kiến cho rằng, người Việt Nam không quen với những môn thể thao có mục đích gây tổn thương cho người chơi như boxing chuyên nghiệp, hay nói cách khác, những môn thể thao gây đổ máu là không được chấp nhận.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, có 2 yếu tố ảnh hưởng đến sức hút của các chương trình boxing tại Việt Nam:

Thứ nhất là boxing chưa nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp vì chưa rõ ràng trong việc đem lại quyền lợi cụ thể cho họ, nhất là khi luật Việt Nam cấm việc "cá độ" trong thể thao. Hiện nay chỉ có môn bóng đá, tennis, bóng chuyền và gần đây nhất là bóng rổ được khu vực tư nhân đầu tư nhiều nhất.

Thứ hai, luật thi đấu Việt Nam hiện nay quy định rất kỹ để bảo vệ các đấu thủ tối đa và việc thắng thua dựa nhiều vào cách tính điểm kỹ thuật trong thi đấu hơn nhưng vô tình làm mất đi tính “máu lửa” của môn thể thao đối kháng này. Đây cũng là một trong những lý do giải ONE Championship phải sớm nói lời tạm biệt với thị trường Việt Nam.

Để thay đổi cục diện hiện nay, boxing trong nước buộc phải tạo ra những Somluck Khamsing phiên bản Việt Nam. Hiện tại boxing Việt Nam chưa có một cuộc đấu hay võ sĩ chuyên nghiệp nào, gắn với bó buộc về cả cách làm lẫn kinh phí. Tuy nhiên, xu hướng chuyên nghiệp đã khai mở với giải toàn quốc tranh đai vô địch Let’s Viet - nơi các võ sĩ xuất sắc thi đấu với nhau. Hy vọng, qua giải đấu này, truyền thông cũng thấy rõ boxing có tiềm năng để chuyên nghiệp hóa.

Nói như thế nhưng chính ông Tiến cũng biết rằng việc thực hiện không thể hoàn thành một sớm một chiều vì boxing thiếu rất nhiều thứ để trở thành chuyên nghiệp. Có thể kể đến như thiếu các trọng tài đạt chuẩn quốc tế nên việc phổ cập luật còn hạn chế, thiếu các huấn luyện viên giỏi, thiếu mạng lưới các nhà tuyển chọn có kinh nghiệm và quan trọng nhất là thiếu nơi để các vận động viên cọ xát nâng cao trình độ.

Trước đây, trung bình một năm, các vận động viên boxing Việt Nam có vài trận đấu cọ xát. Kể từ khi có các giải đấu do Lasta tổ chức, mức độ thi đấu của họ được tăng lên đáng kể.

Mặt khác, đây cũng là hình thức tăng thêm thu nhập cho các vận động viên. Do boxing Việt Nam là môn thuộc quy chế Nhà nước nên lương của họ không cao, theo một nguồn tin là khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng. Còn tham gia các giải đấu thắng vòng loại giải Let’s Viet, các vận động viên được thưởng 5 triệu đồng, thua 3 triệu đồng. Thắng chung kết được 25 triệu đồng, thua 12 triệu đồng. Một số tiền không phải là quá lớn nhưng "có còn hơn không".

Ông Tiến cho biết trong thời gian tới, Liên đoàn sẽ mở các lớp tập huấn trọng tài quốc tế, song song đó là tạo ra nhiều giải đấu để cọ xát các câu lạc bộ trên toàn quốc. Mục tiêu sắp tới là phải đạt được thành tích cao ở các kỳ Olympic. “Vẫn biết là khó nhưng phải làm, phải thay đổi, nếu không boxing Việt Nam 10 năm nữa cũng chỉ là giải đấu nghiệp dư”, ông Tiến nói.

(NCĐT - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường boxing Việt Nam cần tạo ra những người hùng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO