![]() |
Hiện nay, Điều 15 Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định, hợp đồng lao động là "sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền, nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động".
Tuy nhiên, theo Điều 13 Bộ Luật Lao động năm 2019, khái niệm về hợp đồng lao động đã sửa đổi cụ thể như sau: "Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được xem là hợp đồng lao động".
Như vậy, từ ngày 1/1/2021, khi Bộ Luật Lao động 2019 chính thức được áp dụng, các thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng bao gồm nội dung việc làm có trả công, tiền lương, quản lý, điều hành, giám sát của một bên đều được xem là hợp đồng lao động. Đồng nghĩa, sắp tới đây, không còn phụ thuộc vào tên gọi loại hợp đồng hai bên ký kết để xác định hợp đồng lao động mà khái niệm này đã được mở rộng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và người sử dụng lao động.
Cũng theo Bộ Luật Lao động 2019 thì từ ngày 1/1/2021, hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong hai loại sau: hợp đồng lao động không xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng; hợp đồng lao động xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.