Financial Times đưa tin Unilever vừa từ chối lời chào mua trị giá 143 tỷ USD từ phía Kraft Heinz - tập đoàn thực phẩm được hậu thuẫn bởi quỹ đầu tư 3G (Brazil) và tỷ phú Warren Buffett, khơi mào cho “trận chiến” giữa hai trong số các tập đoàn chuyên về hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới.
Công ty đứng sau các thương hiệu nổi tiếng quá quen thuộc với người tiêu dùng trên toàn thế giới như dầu gội sữa tắm Dove hay kem Ben & Kerry cho biết đã đề nghị mua lại mỗi cổ phiếu Unilever với giá 50 USD (cả tiền mặt và cổ phiếu), cao hơn 18% so với mức giá đóng cửa gần nhất nhưng vẫn là mức giá khá thấp.
Kraft Heinz cho biết, “Unilever đã từ chối lời đề nghị vì cho rằng đây là mức giá không tương xứng cả về mặt tài chính và chiến lược đối với các cổ đông của hãng. Unilever không thấy có cơ sở nào để thảo luận thêm”.
Lời đề nghị của Kraft Heinz được đưa ra ở thời điểm nhạy cảm đối với nước Anh, trong bối cảnh các chính trị gia và doanh nghiệp lớn cố gắng vượt qua những nỗi bất ổn do sự kiện Brexit gây ra. Sự kiện Anh rời EU đã khiến đồng bảng giảm mạnh, tài sản Anh rẻ hơn đáng kể đối với những công ty nước ngoài đang dồi dào tiền mặt.
Tim Farron - người đứng đầu đảng Dân chủ tự do (vốn ủng hộ châu Âu và là đảng lớn thứ 4 trong nghị viện Anh với 9 ghế), nói: “Thương vụ này sẽ không thể nào xảy ra nếu như không có Brexit. Chiến lược phát triển công nghiệp của Chính phủ đã bị xói mòn nặng nề bởi quyết định rời thị trường chung”.
Nếu được thông qua, đây sẽ là vụ M&A lớn thứ 2 trong lịch sử nước Anh, sau vụ tập đoàn Mannesmann chi 183 tỷ USD mua Vodafone năm 2000, theo số liệu của Dealogic.
Cổ phiếu Unilever tăng 12%, lên mức 37,5 bảng trong phiên giao dịch ngày 17/2. Với giá trị vốn hóa 113 tỷ bảng, đây là công ty hàng tiêu dùng lớn thứ 4 thế giới. Năm 2016, Unilever đạt doanh thu 52,7 tỷ EUR. Niêm yết ở cả sàn chứng khoán London và Amsterdam, Unilever có cấu trúc cổ đông khá phức tạp.
Giống như nhiều công ty khác cùng ngành, Unilever đang gặp khó khăn khi người tiêu dùng ở các thị trường bão hòa không còn hào hứng với sản phẩm của hãng mà có xu hướng chuyển sang những sản phẩm mang lại sự tươi mới của các công ty khởi nghiệp. Hiện 58% doanh thu của Unilever đến từ các thị trường mới nổi.
Tăng trưởng doanh thu của Unilever trong các năm gần đây (%). Nguồn: Financial Times. |
Trong khi đó cổ phiếu của Kraft Heinz trên sàn New York cũng tăng gần 8%, lên 93,93 USD. Trước đó, cổ phiếu này đang trên đà giảm mạnh nhất kể từ năm 2015 sau khi thông báo doanh thu quý IV sụt giảm và công bố dự định cắt giảm chi phí sâu hơn nữa. Năm 2015, Kraft và Heinz “về chung một nhà” sau thương vụ 100 tỷ USD được chỉ đạo bởi Buffett và quỹ 3G Capital.
Giới phân tích dự báo ngành này sẽ còn chứng kiến nhiều vụ M&A hơn nữa trong tương lai và 3G có thể nổi lên một lần nữa. Mondelz International có thể là mục tiêu thâu tóm.
>Heinz bắt tay Craft trở thành công ty thực phẩm lớn thứ 5 thế giới