Cho mỡ vào máu làm chi?

BS. LƯƠNG LỄ HOÀNG - Trung tâm Điều trị Oxy cao áp TP.HCM| 29/07/2011 04:02

Nhờ nhiều công trình nghiên cứu trong thập niên gần đây nên thầy thuốc nào cũng rõ hiện tượng xơ vữa mạch máu không nhiều thì ít, không trực tiếp thì gián tiếp, là thủ phạm phá hoại trong tất cả các căn bệnh thuộc nhóm “bệnh thời đại”.

Cho mỡ vào máu làm chi?

Nhờ nhiều công trình nghiên cứu trong thập niên gần đây nên thầy thuốc nào cũng rõ hiện tượng xơ vữa mạch máu không nhiều thì ít, không trực tiếp thì gián tiếp, là thủ phạm phá hoại trong tất cả các căn bệnh thuộc nhóm “bệnh thời đại”.

“Căn bệnh thời đại”, theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới là từ cao huyết áp bước qua tiểu đường, cườm mắt... cho đến trầm cảm.

Tình trạng thiếu dưỡng khí nội bào vì thành mạch chai cứng và lòng mạch thu hẹp vì chất mỡ dán chặt vào mặt trong mạch máu là đòn bẩy dẫn đến đủ loại hậu quả nghiêm trọng, như: nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, thoái hóa võng mạc, hoại tử mô mềm...

Máu càng thừa mỡ càng đậm đặc, dòng máu càng khó luân chuyển. Lượng mỡ trong máu càng cao, áp lực trên thành mạch càng bội tăng.

Nguy cơ tắc hay vỡ mạch chỉ còn là chuyện sớm muộn. Tất cả bắt đầu từ một điểm khởi phát đáng tiếc: tình trạng chất mỡ tăng cao và tích lũy trong máu.

Nhưng nói thế không có nghĩa thiếu mỡ trong máu là tốt. Trái lại là khác, thiếu mỡ trong máu thậm chí cũng tai hại như thừa mỡ. Cơ thể không thể tái tạo nhu mô, bảo vệ cấu trúc của dây thần kinh, tổng hợp kháng thể, sản xuất huyết cầu... nếu thiếu chất béo!

Đừng quên là phụ nữ trẻ khó tránh rối loạn kinh nguyệt, đàn bà ngấp nghé tuổi trung niên dễ mãn kinh sớm, nam giới chưa quá 50 đã tranh về vườn... nếu thiếu mỡ trong máu. Nên nhớ tỷ lệ người lao phổi, viêm gan, thoái hóa khớp, dị ứng... ở nhóm thiếu mỡ máu cao hơn số đối tượng có mỡ trong máu ở sát ngưỡng bệnh lý.

Vấn đề là làm sao vẫn có mỡ trong cơ thể nhưng đừng thừa. Cholesterol không tự nhiên có mặt trong máu. Chất béo trong thực phẩm phải được hấp thu trước đó qua đường tiêu hóa rồi mới được gan tổng hợp thành mỡ trong máu.

Do đó, siết kín đầu vào bằng chế độ kiêng khem thái quá đến độ mất chất lượng cuộc sống, vì phải ăn toàn món nuốt không vô, là biện pháp vừa không cần thiết, vừa trái ngược với quy luật sinh học.

Hơn nữa, đừng quên chất “tích cực” làm tăng mỡ máu lại không là mỡ trong thực phẩm, mà là tinh bột, đường. Kiêng cữ mỡ làm gì rồi lại ăn quá ngọt. Thêm vào đó, có nhịn mỡ đến phát thèm thì cơ thể vẫn tổng hợp chất béo. Đã vậy, cơ thể lại dễ phản ứng sai lệch nên tổng hợp toàn thứ chất béo tai hại như triglyceride, LDL...

Thế nên, thay vì sợ món béo hơn sợ... ma, nếu có cách nào khiến một phần đáng kể của chất béo trong thực phẩm không thẩm thấu quá nhiều, quá nhanh qua màng ruột, mà được giữ lại trong lòng ruột rồi sau đó theo đường bài tiết ra ngoài, thì gia chủ vẫn có thể yên tâm thưởng thức món ngon, không sợ lượng mỡ trong máu bội tăng ngoài vòng kiểm soát.

Đáng tiếc cho nhiều người đang là miếng mồi ngon của tình trạng tăng mỡ trong máu, như người bệnh cao huyết áp, viêm gan, tiểu đường..., vì chưa được thông tin về tác dụng tương tranh của các nhóm hoạt chất sinh học có tác dụng kéo mỡ xuống ruột như chất xơ, hay khéo hơn nữa vì vừa cản mỡ không cho thâm nhập, vừa tải mỡ theo đường bài tiết như phytosterol.

Nhờ có cấu trúc tương tự cholesterol nhưng linh hoạt hơn về khả năng dung nạp, nên nhóm hoạt chất này đành mất chuyến xe tải chất béo từ đường tiêu hóa vào máu.

Kết quả là người biết kết hợp phytosterol trong chế độ dinh dưỡng vẫn có bữa ăn đậm đà hương vị với thịt, cá mà không sợ tăng mỡ trong máu; khỏi cần uống thuốc, khỏi sợ mỡ hơn sợ ma vì không dưới 40% chất béo trong thực phẩm không vào máu, mà theo đường ruột trở về với thiên nhiên cho cây xanh thêm tươi tốt.

Có một điều chắc hơn đinh đóng cột: Dùng thuốc đặc hiệu trong trường hợp chẳng đặng đừng vì chất mỡ trong máu tăng cao đến độ đe dọa sinh mệnh người bệnh là chuyện tất nhiên. Nhưng chỉ trông mong vào thuốc đặc hiệu khi mỡ máu đã tăng cao chắc chắn là giải pháp hạ sách, vì không nhà sản xuất nào dám quả quyết thuốc dùng lâu không có phản ứng phụ.

Thuốc hạ mỡ máu, ngay cả trong trường hợp chẳng đặng đừng, vẫn là rủi ro cho người bệnh vì thuốc hóa chất bao giờ cũng là gánh nặng của lá gan, trái thận, khung ruột... đã mệt nhoài trước đó của người bệnh. Giá phải trả cho viên thuốc đã cao, giá phải trả cho phản ứng phụ, cho độc tính của thuốc càng cao hơn nhiều.

Kết hợp hoạt chất sinh học chống mỡ máu trong chế độ dinh dưỡng thường ngày chính là phương án an toàn và tiện dụng để phòng chống xơ vữa mạch máu và rối loạn biến dưỡng chất béo. Phòng bệnh bao giờ cũng đơn giản và hiệu quả hơn chữa cháy cầm canh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cho mỡ vào máu làm chi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO