Sầu riêng trái mùa được giá: Nhà vườn đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch

Quỳnh Trâm| 10/11/2022 00:18

Các nhà vườn tại Tiền Giang khấp khởi mừng khi sầu riêng trái vụ được giá. Theo đó, họ tập trung chuyên canh và đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cùng các thị trường tiềm năng khác.

Sầu riêng trái vụ được giá

Tiền Giang đã xây dựng được vùng chuyên canh sầu riêng xuất khẩu trên 16.000 hecta, tập trung tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây là Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy, trong đó có trên 11.000 hecta đang cho thu hoạch với năng suất bình quân trên 28 tấn/hecta. Được thương lái thu mua giá bình quân từ 78.000-80.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân, sầu riêng được xác định là một trong những loại trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Nhờ vậy, nông dân đạt lợi nhuận cao trên mỗi hecta sầu riêng thu hoạch trái vụ. 

Ông Nguyễn Văn Hai - chủ vườn sầu riêng tại xã Long Tiên, huyện Cai Lậy vừa thu hoạch khoảng 5 tấn quả, bán với giá 78.000 đồng/kg, thu gần 400 triệu đồng. Gia đình ông có 5.000m2 đất trồng chuyên canh giống sầu riêng Ri6 và Monthong chất lượng cao, hằng năm thu hoạch từ 12-15 tấn quả. 

Do sầu riêng có giá nhưng sản lượng không nhiều, nguồn cung còn hạn chế, thương lái tỏa đi lùng sục tìm nguồn hàng tạo ra sự náo nhiệt ở làng quê vùng chuyên canh cây đặc sản này. Theo ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, sầu riêng Việt Nam được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp giá sầu riêng tăng mạnh thời gian gần đây, mang lại niềm vui chung cho bà con vùng chuyên canh.

Nâng cao giá trị sầu riêng xuất khẩu

Nhằm tạo thuận lợi trong việc tiêu thụ trái sầu riêng đặc sản cũng như dễ dàng được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đang phối hợp với chính quyền các địa phương tập huấn thủ tục lập hồ sơ xuất khẩu chính ngạch cho các doanh nghiệp và hợp tác xã; đăng ký và thẩm định, cấp mã số vùng trồng cho vùng chuyên canh và các công việc cần thiết khác. Đồng thời, ngành nông nghiệp tập trung tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác cho người dân theo hướng an toàn, bảo vệ sức khỏe và môi trường, phát triển mô hình kinh tế hợp tác liên kết chuỗi giá trị cũng như đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc và các thị trường tiềm năng khác.

Tiền Giang đang triển khai chương trình xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng năm 2022. Địa bàn triển khai tại 4 huyện, thị chuyên canh sầu riêng trọng điểm, gồm Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành và thị xã Cai Lậy. Mục tiêu của chương trình nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và vị thế của thương hiệu trái sầu riêng Tiền Giang, đủ năng lực cạnh tranh với các thương hiệu sầu riêng từ các địa phương khác; tạo lập môi trường hợp tác, phát triển, tiến tới hình thành các tổ chức sản xuất áp dụng kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao nhằm đảm bảo nguồn thu nhập ổn định và phát triển cho người dân. Đồng thời, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững thích ứng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và hạn hán.

Nông dân vùng chuyên canh sầu riêng Tiền Giang đang kỳ vọng sẽ nâng cao sức cạnh tranh của cây trồng đặc sản này. Khi ấy, trái sầu riêng Tiền Giang chắc chắc sẽ tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường, thiết thực giúp bà con làm giàu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sầu riêng trái mùa được giá: Nhà vườn đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO