Không chỉ CGV, cả Lotte Cinema và những nhà đầu tư (NĐT) còn lại trong "phim trường" đều có kế hoạch bành trướng hệ thống rạp.
Trước khi cụm rạp hiện đại của CGV có mặt ở Trung tâm Thương mại (TTTM) Aeon Mall Bình Dương vào quý IV/2014, Lotte Cinema đã nhanh chân thâm nhập thị trường khu vực vùng ven TP.HCM song song với sự xuất hiện của TTTM Lotte ở TX. Thuận An.
Lợi thế của Lotte Cinema là hệ thống TTTM Lotte đi đâu, hệ thống rạp chiếu phim sẽ có mặt ở đó. Họ không bị áp lực nhiều trong vấn đề tìm kiếm mặt bằng để phát triển cụm rạp mới, đặc biệt là ở những thành phố thành ngoài Hà Nội, TP.HCM.
Tính đến thời điểm cuối năm 2014, Lotte Cinema sở hữu khoảng 16 cụm rạp tại các thành phố như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang... Hơn 70% trong số đó nằm trong TTTM Lotte Mart, phần còn lại, Lotte Cinema thuê diện tích sàn của các đơn vị bán lẻ khác như BigC, Maximart...
Theo như kế hoạch mở rộng hệ thống TTTM Lotte Mart mà đại diện nhà bán lẻ này chia sẻ với Báo Doanh Nhân Sài Gòn, đến năm 2020, Lotte sẽ mở rộng 60 trung tâm tại thị trường Việt Nam; đồng thời phấn đấu đạt con số 100 trung tâm theo lộ trình mà Tập đoàn Lotte đã đề ra. Như vậy, trong tương lai, dự kiến, Lotte Cinema sẽ có hệ thống hơn 70 cụm rạp tại Việt Nam.
Tiêu chuẩn đầu tư một phòng chiếu phim của CGV 500-1,5 triệu USD. Còn ở Việt Nam mức đầu tư khoảng 2-12 tỷ đồng, trung bình một rạp có 5 phòng chiếu. Sau khi mua lại MegaStar, CGV nắm tới hơn 60% doanh thu phòng vé ở Việt Nam, khoảng 20 - 23 triệu USD một năm. |
Về phía CGV, việc xuất hiện ở Aeon Mall Celadon Tân Phú và Aeon Mall Bình Dương phần nào cho thấy, NĐT này sẽ đi cùng với tập đoàn bán lẻ Nhật Bản khi Aeon phát triển những TTTM mới. Theo kế hoạch của Aeon, đến năm 2020, Aeon sẽ đầu tư tổng cộng 10 TTTM ở Việt Nam.
Điều này chứng tỏ, trong cuộc chiến tìm kiếm mặt bằng thích hợp để mở cụm rạp mới, các NĐT đều chọn đối tác chiến lược phù hợp, chủ yếu là đi kèm những TTTM, do tiết giảm được chi phí đầu tư và tận dụng lợi thế thu hút khách của TTTM, khu vui chơi giải trí tập trung.
Được biết, chi phí đầu tư cho cụm rạp (gồm 3 rạp nhỏ) dao động từ 1,8 - 2 triệu USD. Song, khi đứng riêng, chi phí đầu tư có thể lớn hơn và thời gian thu hồi vốn cũng sẽ vượt quá thời gian 5 - 6 năm.
Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn cung mặt bằng TTTM cũng khá khan hiếm trong tương lai gần. Theo thống kê của Savills Việt Nam, tại TP.HCM, từ năm 2015 trở đi, khoảng 1,3 triệu m2 bán lẻ từ 62 dự án dự kiến sẽ gia nhập thị trường. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 25% tổng số dự án đang xây dựng hoặc trong giai đoạn hoàn thiện.
Đồng thời, trong vòng 2 năm tới, 362.000m2 bán lẻ sẽ gia nhập thị trường, riêng Q.7 chiếm đến 65% thị phần. Đặc biệt, phân khúc TTTM được nhìn nhận sẽ dẫn dắt thị trường bán lẻ trong tương lai. Riêng ở khu vực Hà Nội, trong năm nay sẽ có thêm 19 dự án mới, với tổng diện tích bán lẻ khoảng 397.000 m2. Trong đó, 2 dự án đã hoàn thành và 9 dự án đang trong quá trình hoàn thiện.
Một người chuyên tìm kiếm mặt bằng cho các doanh nghiệp đầu tư hệ thống rạp chiếu phim chia sẻ, tiêu chí để chọn khu vực phát triển cụm rạp chủ yếu dựa trên 3 yếu tố: triển vọng về dân số, mức độ quan tâm, tiêu thụ của thị trường và yếu tố cạnh tranh so với các đối thủ trong cùng khu vực.
Cũng theo người này, các NĐT lĩnh vực phim ảnh (đầu tư phim, phát hành phim và phát triển hệ thống rạp) đang "Bắc tiến" mạnh mẽ, song song đó là chiến lược lan tỏa về các TP khác tại Việt Nam. Trong đó, một tên tuổi lớn trong ngành cũng đang tiếp xúc với đối tác ngoại để tăng tiềm lực tài chính nhằm mở rộng hệ thống rạp, tăng khả năng cạnh tranh trong những năm sắp tới.
Tuy giữ thị phần khiêm tốn nhưng BHD cũng thể hiện động thái mở rộng đầu tư ngay từ đầu năm 2015. Điển hình, cụm rạp BHD Star Phạm Hùng (lầu 4, TTTM Satra Phạm Hùng, Bình Chánh, TP.HCM) đã đi vào hoạt động từ ngày 17/1/2015. Cụm rạp có 6 phòng chiếu kỹ thuật số, bao gồm phòng chiếu 2D và 3D với 1.050 ghế.
Đây là dự án BHD đã lên kế hoạch từ cuối 2013 nhưng mãi đến nay với hiện thực hóa. Theo đại diện BHD, đây là cụm rạp BHD hướng đến khán giả có thu nhập trung bình. Trong năm 2014, BHD Star Cineplex tuy chỉ có 3 cụm rạp nhưng đã đón tiếp gần 2 triệu lượt khán giả đến rạp.
Ngay sau khi hoàn thành cụm rạp Galaxy Kinh Dương Vương tại Q. 6, TP.HCM, năm nay, Galaxy Studio đã tiếp tục chuẩn bị khai trương cụm rạp mới tại khu phức hợp giải trí Co.opmart Quang Trung, quận Gò Vấp. Đây sẽ là cụm rạp thứ 5 của Galaxy tại TP.HCM, với đối tác là Saigon Co.op.
Cụm rạp thứ 5 của Galaxy Cinema sẽ chiếm trọn lầu 3 của khu phức hợp với diện tích gần 2.500m2, dự kiến có 6 phòng chiếu với 1.200 chỗ ngồi. Cụm rạp này sẽ sử dụng các thiết bị và công nghệ tân tiến nhất trên thế giới hiện nay như công nghệ âm thanh Dolby 7.1, công nghệ hình ảnh Digital, chiếu cả phim 2D và 3D.
Cụm rạp này nằm trong chiến lược mở rộng thị phần rạp chiếu tại những khu cư dân đông đúc nhưng xa trung tâm của Galaxy Studio. Cùng với định hướng giá rẻ và các chương trình khuyến mãi lớn, các cụm rạp của Galaxy Studio hiện luôn chiếm ưu thế về lượng vé bán ra.
Thị trường còn có sự tham gia của Platinum Cineplex. Được thành lập bởi tập đoàn Multivision từ Indonesia - nhà sản xuất, phân phối phim Hollywood, Bollywood có tiếng tại thị trường Đông Nam Á và châu Á, đã và đang hoạt động tại Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan, Hồng Kông, Ấn Độ.
Từ khi thành lập (tháng 1/2011) cho đến nay, Platinum đã có 5 cụm rạp tại Việt Nam, bao gồm Platinum The Garden - Mễ Trì, Platinum Long Biên - Vincom Center Long Biên, Platinum Nha Trang - Nha Trang Center, Platinum Royal City - Vincom Mega Mall Royal City, Platinum Times City - Vincom Mega Mall Times City, Minh Khai, Hà Nội.
Tuy năm 2014 vừa qua, đơn vị này khá im ắng trong việc mở thêm cụm rạp nhưng tiết lộ từ Platinum cho thấy, kế hoạch tới 2016, họ sẽ có 10 cụm rạp..
Nói về thị trường điện ảnh năm 2015, ông Seo Jung, CGV dự báo sẽ rất sôi động với phim Hollywood, còn phim Việt sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của khán giả nước nhà với nhiều bộ phim mới. Sự xuất hiện của các cụm rạp chiếu phim mới cũng góp phần không nhỏ vào sự phát triển của thị trường.