Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường một lần về quê nhà, anh viết: “Đất Quảng Trị mình cơ cực, khô cằn, cũng cây trái đó thôi, nhưng không mỡ màng như miệt Nam Bộ, không điệu đà như cây trái quê Bắc, nhưng mà chất lượng ít đâu bằng. Trái chanh Quảng Trị đã chua là “chua re đái”, ớt đã cay thì “cay điếc lỗ mũi”. Chua, cay mặn nồng ấy nó làm nên cái bản sắc riêng”.
Mỗi lần từ Cà Mau trở lại Sài Gòn, bạn bè thường hỏi tôi: “Quà Cà Mau đâu?”. Tôi hiểu đó là câu hỏi không phải vòi vĩnh mà để sống lại một kỷ niệm, một mong ước.
Quà Cà Mau không còn là quà đơn thuần nữa mà là một cái gì hơn thế. Vì quanh đi quẩn lại chỉ khô khoai, khô bổi, tôm khô, rượu đế, sang hơn một chút là mật ong bông tràm... Những thứ đó, anh đi thăm quê về, bạn bè đến hỏi chuyện “nông thôn ta dạo này thế nào” còn có cái đưa cay cho câu chuyện thêm đậm đà. Sau đó “gởi về cho bà nhà và mấy đứa nhỏ vài con khô Đất Mũi”.
Gần Tết vừa rồi, một đứa cháu ở An Giang lên Sài Gòn thăm người cậu ruột mà hẹn đi hẹn lại mãi mới đi được. Người cậu trách tại sao thất hứa hoài, làm cậu trông đỏ mắt. Đứa cháu trả lời làm cậu muốn xuống nước mắt: “Cháu chờ mùa gió chướng về, mùa của bông so đũa trổ rộ, hái biếu cậu dùng cho đỡ nhớ nhà”.
Người cậu nhìn rổ bông so đũa tươi nguyên đứa cháu mang lên mà nhớ tới bao kỷ niệm của tuổi thơ. Ông nhớ hồi nhỏ, trong ngọn gió chướng se se lạnh ấy, những cánh bông so đũa bum búp, uốn cong hình lưỡi liềm, đong đưa trước gió. Ông hái xuống, lanh tay tước bỏ đài xanh, tách bầu nhụy hoa còn đọng một thứ nước mật ngọt, rồi đưa lên miệng hút ngon lành.
Trong cuộc phi nước đại của công nghệ ẩm thực nặng mùi và màu sắc hóa chất bảo quản, thì quà nhà quê từ bánh trái đến rau quả còn giữ được sự trinh nguyên của nó. Vừa rồi, bớt con virus nCoV, tôi ra Thái Bình, được dùng bữa bánh đúc ở gần chùa Keo, ngon lạ ngon lùng, nhất là trong đoàn có vài anh em người Nam Bộ lần đầu được nếm món bánh này. Nói là món ăn đậm vị đồng quê chứ rất xa xưa, từ quán làng đến chợ thị thành đâu đâu cũng có món bánh bình dân này. Bánh đúc làm từ bột gạo, đậu phộng rang rắc lên trên lớp dầu đậu phộng. Chỉ có vậy thôi mà món tận cùng của hương vị đồng quê Bắc Bộ nhớ hoài, đến nỗi anh bạn tôi người Mỹ Tho phải thốt lên: “Đáng cho một chuyến đi!”.
Ở làng quê Nam Bộ có những món bánh vừa sang trọng vừa bình dân, muốn nghĩ sao cũng được. Đó là bánh xèo và bánh hỏi. Ngày nay, quán bánh xèo có nhiều trên phố lớn, hẻm nhỏ. Bánh xèo còn sang tận châu Mỹ, châu Âu để cho thiên hạ ăn ghiền chơi. Còn bánh hỏi chỉ âm thầm bày bán ở chợ. Không ít người đã ăn bánh hỏi nhiều lần, nhưng bỗng ai cắc cớ hỏi: "Tại sao gọi là bánh hỏi" thì ngớ ra, trả lời... cà lăm.
Mấy bà già cho biết, bánh hỏi là một loại bánh ngày trước thường dùng cho lễ hỏi vợ. Trong đám hỏi, nhà trai thường đi cho nhà gái một xiển (mâm quả đan bằng tre) bánh hỏi, thịt heo quay. Sau lễ hỏi, nhà gái gói phần bánh hỏi, thịt heo quay biếu bà con gần xa, báo tin con gái đã đính hôn. Bánh hỏi còn là món quà sáng thông thường ở nhiều vùng quê. Bánh hỏi ăn kèm với lòng heo luộc, mắm nêm thì “ngon hết sảy”.
Nói đến món ăn ngon ở quê Bắc hay quê Nam là trăm nhớ ngàn thèm, làm sao kể ra hết được. Tôi nghĩ, trên đời này, cái gì mất thì mất, nhưng món ngon quê nhà không bao giờ mất.