Những bất lợi khi nuôi cá rô phi

THÀNH CÔNG| 12/10/2016 08:24

Việc sản xuất cá rô phi đang phải đối mặt với một số khó khăn mà cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nông dân cần phải nỗ lực vượt qua.

Những bất lợi khi nuôi cá rô phi

Những năm gần đây, cá rô phi được ngành nông nghiệp xác định là một trong bốn đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản do có ưu thế về điều kiện tự nhiên, chế biến, thị trường, kể cả xuất khẩu. Tuy nhiên, việc sản xuất cá rô phi đang phải đối mặt với một số khó khăn mà cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp (DN) và nông dân cần phải nỗ lực vượt qua.  

Đọc E-paper

Trong các loài cá thịt trắng nước ngọt thì cá rô phi được đánh giá có chất lượng thơm ngon, ít xương, dễ chế biến, giá phù hợp nên được sử dụng phổ biến trong bữa ăn của người dân. Nhu cầu tiêu thụ cá rô phi của một số nước cũng ngày càng tăng.

Trong 10 năm qua, sản lượng cá rô phi của thế giới tăng từ 15 - 20%, trong đó Mỹ là một trong những thị trường tiêu thụ cá rô phi lớn nhất với giá trị nhập khẩu năm 2014 đạt 1,1 tỷ USD. Bên cạnh đó, giá cá rô phi cũng tăng qua từng năm, từ mức 3,5 USD/kg năm 2009 tăng lên 4,5 USD/kg năm 2014.

Qua 10 năm phát triển, DN và nông dân Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm nuôi cá rô phi. Các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu hoàn toàn có thể chuyển sang chế biến cá rô phi mà không cần phải đầu tư nhiều. Hơn nữa, nước ta có thể nuôi cá rô phi không những ở ao hồ, lồng bè nước ngọt mà còn có thể nuôi ở các vùng nước lợ với chất lượng thịt cao hơn.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cá rô phi là một trong những đối tượng chủ lực trong kế hoạch tái cơ cấu của ngành thủy sản.

Năm 2015, cả nước có 25.748 ha và trên 1,2 triệu m3 lồng nuôi cá rô phi, đạt 187.800 tấn, trị giá khoảng 4.200 tỷ đồng, tương đương 200 triệu USD, chiếm khoảng 3% giá trị nuôi trồng thủy sản. Năm 2015, xuất khẩu cá rô phi đạt hơn 27,5 triệu USD, chủ yếu là philê đông lạnh.

Mặc dù Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển cá rô phi phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu nhưng đang gặp không ít khó khăn. Theo Hội Nghề cá tỉnh Tiền Giang, hiện nay hệ số nuôi cá rô phi trong bè bình quân 1,7 - 2,0 (cần 1,7 - 1,8kg thức ăn để có 1kg cá thành phẩm). Với giá thức ăn khoảng 11.000đ/kg như hiện nay thì chi phí thức ăn đã gần 20.000đ/kg cá.

Nếu cộng với tiền giống, tỷ lệ hao hụt, vật tư, phòng trừ bệnh, xử lý nước thì giá cá đội lên tới 33.000đ/kg tương đương 1,5USD/kg). Trong khi đó, để có 1kg cá rô phi philê cần 3kg cá nguyên liệu, tức phải tốn từ 4,5 USD cho mỗi kg cá rô phi philê. Nếu cộng cả chi phí chế biến, cấp đông, vận chuyển thì phải bán trên 6 USD/kg philê mới có lãi, trong khi thị trường cá rô phi philê trên thế giới hiện chỉ xoay quanh 4 - 5 USD/kg.

>>Đồng bằng sông Cửu Long thu hẹp dần diện tích nuôi cá tra

Thức ăn chăn nuôi nói chung, trong đó có thức ăn cho cá của Việt Nam hiện nay thuộc vào loại đắt nhất thế giới. Thức ăn cho cá rô phi cũng như các loại cá thông thường khác chủ yếu là đậu tương, ngô, một ít bột cá nên các nhà máy thức ăn chăn nuôi trong nước đều có thể sản xuất tốt, nhưng do họ có mức lãi quá cao, cộng với nguyên liệu phải nhập khẩu tới 60 - 70% nên giá bán càng bị đội lên.

Mặt khác, đa số các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam lại là của các công ty nước ngoài trong khi cơ chế để kiểm soát giá chưa phát huy hiệu quả.

Việt Nam sản xuất cá rô phi sau nhiều nước nên các thị trường nhập khẩu cá rô phi lớn trên thế giới hiện đã có nhà cung cấp, do đó việc xuất khẩu vấp phải sự cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của việc sản xuất cá rô phi hiện nay là nguồn giống, bởi phải phụ thuộc vào nhập khẩu.

Để việc sản xuất và tiêu thụ cá rô phi phát triển bền vững, theo TS. Lê Thanh Lựu - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1, cần phải lai tạo nhằm chủ động được con giống, khuyến khích DN trong nước sản xuất thức ăn chăn nuôi để hạ giá thành và tổ chức lại sản xuất để giảm chi phí, đồng thời chia sẻ lợi nhuận giữa các bên tham gia chuỗi sản xuất loại cá này.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt quy hoạch phát triển cá rô phi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trước mắt cấp 5 tỷ đồng kinh phí để nhập khẩu giống cá rô phi bố mẹ chất lượng cao về sản xuất giống F1, tiến tới tự sản xuất con giống chất lượng cao phục vụ cho nuôi thương phẩm.

Mới đây, Tổng cục Thủy sản có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện tốt việc quản lý chất lượng giống cá rô phi tại địa phương theo quy định hiện hành, như kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh, kiểm dịch trước khi xuất bán.

Đồng thời chỉ đạo phát triển nuôi cá rô phi theo quy hoạch của từng địa phương phù hợp với quy hoạch kinh tế - xã hội. Không phát triển nuôi lồng bè tràn lan, phát triển gắn với tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm...

>>Hồng Kông: Nuôi cá, trồng rau trên… nóc nhà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những bất lợi khi nuôi cá rô phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO