Diễn đàn thu hút nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM và khoảng 40 doanh nghiệp Thái Lan tham dự. |
Thêm cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phan Chí Thành – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Thái Lan cho biết: “Thái Lan hiện là đối tác kinh tế lớn của Việt Nam, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 tại nước ta với hơn 600 dự án với tổng giá trị đạt trên 13 tỷ USD. Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, với kim ngạch hai chiều năm 2021 đạt 19,5 tỷ USD, riêng quý I/2022 đạt 5 tỷ USD”.
Theo ông Thành, hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 25 tỷ USD vào năm 2025, và dư địa hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch giữa hai nước vẫn còn rất lớn.
Chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn, bà Phạm Thị Ái Hoa – Chủ tịch HĐQT Công ty V&T Kitcharoen.Co.Ld, cho biết tại Thái Lan các mặt hàng may mặc có nguồn gốc từ Việt Nam rất được người dân ưa chuộng. “Dịp này chúng tôi về, bên cạnh kết nối lại các đối tác trong hoạt động xuất nhập khẩu trước đây, cũng là cơ hội để tìm kiếm đối tác cùng hợp tác cung cấp sản phẩm về thời trang, mỹ phẩm, làm đẹp…”, bà Hoa nói.
Thái Lan là một trong những điểm đến trong khu vực Đông Nam Á được nhiều người Việt Nam lựa chọn. |
Ông Nguyễn Phi Hà – Giám đốc một công ty du lịch tại Thái Lan đánh giá, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng luôn là nguồn thị trường tiềm năng đối với du lịch Thái Lan. “Mỗi năm, hàng chục triệu lượt du khách tới Thái Lan là người Việt Nam, người miền Nam”, ông Hà nói và cho biết, chính sách nhập cảnh vào Thái Lan đã thông thoáng đối với khách du lịch. Vì thế, ông kỳ vọng sẽ kết nối được với nhiều doanh nghiệp lữ hành tại TP.HCM để phục vụ khách du lịch khi tới tham quan đất nước Chùa Vàng.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng cho biết, trong nhiều năm qua, TP.HCM là đối tác quan trọng của các nhà đầu tư Thái Lan. Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa TP.HCM và Thái Lan năm 2021 đạt hơn 2,8 tỷ USD. Về đầu tư, tính đến hết năm 2021, Thái Lan có 235 dự án với tổng vốn hơn 482 triệu USD, xếp thứ 12/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào TP.HCM.
“Hàng năm, TP.HCM đón nhiều đoàn doanh nhân Thái Lan đến tìm hiểu cơ hội làm ăn và tiềm năng hợp tác trên địa bàn thành phố”, Phó chủ tịch Võ Văn Hoan nói và cho biết, các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư nhiều vào các ngành cơ khí, hóa chất, thực phẩm, vật liệu xây dựng, du lịch, dịch vụ kho bãi, logistics…
Cơ chế và chính sách thuế là yếu tố quan tâm hàng đầu
Để chương trình kết nối đầu tư, thương mại giữa doanh nghiệp Thái Lan và TP.HCM đạt kết quả thiết thực, đáp ứng kỳ vọng, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã đề xuất một số vấn đề. Theo đó, mong TP.HCM có cơ chế, chính sách cụ thể tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp về đầu tư và làm ăn; cung cấp thông tin về chính sách xúc tiến, khuyến khích đầu tư, thương mại, du lịch cho các doanh nghiệp Thái Lan; các doanh nghiệp hai bên cũng cần tích cực trao đổi cụ thể về tiềm năng và thế mạnh của doanh nghiệp, nhu cầu hợp tác… để thiết lập quan hệ làm ăn lâu dài.
Ngoài ra, ông Thành cũng mong muốn các hiệp hội doanh nghiệp của TP.HCM và Hiệp hội doanh nhân Thái Lan - Việt Nam là cầu nối để kết nối, cung cấp thông tin, hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp hai bên trong thời gian tới.
Đại diện lãnh đạo UBND TP.HCM và các doanh nghiệp Việt Nam, Thái Lan tại diễn đàn kết nối chiều 8/7. Ảnh: Hồng Phúc |
Trao đổi thêm với Doanh Nhân Sài Gòn, ông Phạm Công Nghi – Việt kiều Thái, là chủ một doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực chế biến thực phẩm tại Thái Lan cho biết, một trong những vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp Thái Lan quan tâm khi đầu tư, thương mại vào TP.HCM là chính sách thuế. Ông nói: "Chính sách thuế cụ thể, có mức trần thì doanh nghiệp Thái Lan mới tính toán được biên lợi nhuận để quyết định đầu tư".
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, TP.HCM đặt mục tiêu phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững; đồng thời xác định trọng tâm thực thi và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các các hiệp định của ASEAN với các đối tác.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp và đề xuất của đại diện các doanh nghiệp Thái, Phó chủ tịch Võ Văn Hoan khẳng định: "TP.HCM đang hướng tới xây dựng môi trường đầu tư ngày càng hoàn thiện. Vì thế, Diễn đàn là sự kiện quan trọng mà thành phố mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ với cộng đồng doanh nghiệp Thái Lan, đồng thời tạo cơ hội để doanh nghiệp hai bên kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác”.
Đây là lần đầu tiên Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan tổ chức đưa các doanh nhân Thái Lan gốc Việt về Việt Nam nhằm kết nối đầu tư, thương mại và du lịch với các doanh nghiệp Việt Nam. TP.HCM là điểm dừng chân thứ 4 trong hành trình đi qua 5 tỉnh, thành phố là trung tâm kinh tế lớn của ba miền Bắc, Trung, Nam gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Kiên Giang, TP.HCM và Hà Nội. |