Thời sự

Tháng tư, thăm địa chỉ đỏ số 5 Châu Văn Liêm

Hưng Khánh - Minh Tèo. Ảnh: Quỳnh Lâm 28/04/2025 14:02

Trong không khí cả nước hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Chi bộ, Ban biên tập và Công đoàn Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã tổ chức chuyến thăm ý nghĩa đến căn nhà số 5 đường Châu Văn Liêm (quận 5). Căn nhà nhỏ, giản dị nhưng chất chứa những dấu mốc thiêng liêng của lịch sử dân tộc: nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh - lúc bấy giờ là người thanh niên Nguyễn Tất Thành - đã lưu lại 9 tháng trước khi ra đi tìm đường cứu nước.

Giữa lòng Chợ Lớn sầm uất, ngôi nhà nhỏ nằm nép mình trong phố xá nhộn nhịp. Nhưng khi bước chân qua ngưỡng cửa ấy, mọi xô bồ dường như lắng lại, nhường chỗ cho những cảm xúc thiêng liêng và trầm mặc. Cách đây hơn một thế kỷ, nơi đây từng đón bước chân của người thanh niên Nguyễn Tất Thành, mang trong mình khát vọng cháy bỏng: tìm con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam.

Không chỉ là điểm dừng chân, căn nhà số 5 còn là nơi kết nối ý chí của những con người cùng chí hướng. Thời điểm đó, Công ty Liên Thành - một tổ chức kinh doanh do các sĩ phu yêu nước tỉnh Bình Thuận sáng lập - đã đặt trụ sở phân cuộc tại số 1-3-5 Quai Testard (nay là đường Châu Văn Liêm). Những nhà sáng lập như Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh, Ngô Văn Nhượng, Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Lệ Chất đã dựng nên một mô hình kinh doanh đặc biệt: kinh doanh để gây quỹ ủng hộ phong trào yêu nước, đồng thời xây dựng trường Dục Thanh để giáo dục thế hệ trẻ tinh thần tự lực, tự cường.

5j0a5027_001.jpg
Căn nhà số 5 Châu Văn Liêm còn là nơi kết nối ý chí của những con người cùng chí hướng

Chính trong môi trường ấy, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã được các vị chí sĩ cưu mang, giúp đỡ, nuôi dưỡng cả về vật chất lẫn tinh thần, tạo điều kiện để Người vững bước trên hành trình ra đi tìm đường cứu nước. Sự kết nối ấy cho thấy ngay từ những ngày đầu của phong trào yêu nước, vai trò của doanh nhân dân tộc đã không thể tách rời khỏi vận mệnh đất nước. Hoạt động kinh doanh không chỉ đơn thuần là tìm kiếm lợi nhuận, mà còn là một hình thức đóng góp thiết thực cho sự nghiệp lớn của dân tộc.

Nửa thế kỷ sau Ngày Giải phóng miền Nam, căn nhà số 5 Châu Văn Liêm vẫn lặng lẽ đứng đó như một chứng nhân lịch sử. Hơi thở của một thời khát vọng dường như vẫn còn vấn vít trong từng góc nhỏ. Nơi đây không chỉ gợi nhắc về những ngày đầu gian khó, mà còn thấm đượm tâm tình sâu nặng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho miền Nam - mảnh đất mà Người từng nói: "Miền Nam trong trái tim tôi". Bao năm xa quê hương, đi khắp năm châu bốn biển, trái tim Bác lúc nào cũng đau đáu hướng về đồng bào miền Nam ruột thịt.

5j0a9057.jpg
Đoàn dâng hương, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chính từ nỗi đau đáu ấy mà sau này, khi đã trở thành lãnh tụ của dân tộc, Người luôn nhấn mạnh nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để thể hiện ý chí và tình cảm sắt son ấy, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Một cái tên vừa thiêng liêng, vừa là nguồn động viên to lớn, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho quân dân cả nước bước vào trận quyết chiến lịch sử. Và cũng từ đó, chỉ trong vòng ít ngày, cánh cửa tự do đã mở ra, lá cờ chiến thắng tung bay trên Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975 - khép lại hơn 20 năm chiến tranh, mở đầu cho kỷ nguyên độc lập, thống nhất và phát triển của dân tộc.

Địa chỉ "đỏ" cho giới doanh nhân

Thăm số 5 Châu Văn Liêm khiến mỗi người cảm nhận sâu sắc hơn sợi dây liên kết bền chặt giữa tinh thần yêu nước và vai trò của doanh nhân trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. Từ những doanh nhân yêu nước đầu thế kỷ XX đến đội ngũ doanh nhân thời đại mới, tinh thần ấy chưa từng phai nhạt.

Nếu Công ty Liên Thành ngày xưa lấy thương mại làm phương tiện để phục vụ mục tiêu dân tộc, thì ngày nay, doanh nhân Việt Nam đang đóng vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Họ không chỉ tạo ra của cải, công ăn việc làm, mà còn góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu sâu rộng, vai trò và trách nhiệm của doanh nhân càng trở nên nặng nề và quan trọng hơn bao giờ hết.

Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhìn lại chặng đường đã qua, ta càng thêm trân trọng những đóng góp âm thầm nhưng bền bỉ của doanh nhân tư nhân. Họ không chỉ tiếp nối tinh thần tự lực, tự cường mà còn thổi bùng lên khát vọng phát triển, vươn ra biển lớn. Những doanh nhân thế hệ mới với ý chí đổi mới, sáng tạo, dấn thân và kiên định đang là lực lượng nòng cốt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hướng tới mục tiêu xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Hành trình 50 năm sau ngày đất nước thống nhất vẫn đang tiếp diễn. Trên con đường đó, doanh nhân Việt Nam với tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, với khát vọng vì cộng đồng, vì dân tộc sẽ tiếp tục là những người bạn đồng hành quan trọng, như những người đã từng chở che, nâng bước cho Bác Hồ năm nào tại căn nhà nhỏ trên đường Châu Văn Liêm.

5j0a9041.jpg
Căn nhà số 5 Châu Văn Liêm trở thành một địa chỉ "đỏ" để cộng đồng doanh nhân TP.HCM và cả nước tìm về tham quan, chiêm nghiệm và học hỏi

Ngày nay, căn nhà số 5 Châu Văn Liêm trở thành một địa chỉ "đỏ" để cộng đồng doanh nhân TP.HCM và cả nước tìm về tham quan, chiêm nghiệm và học hỏi. Đó cũng là cách để mỗi doanh nhân hôm nay tìm thấy cho mình những giá trị nền tảng bền vững, từ đó thắp sáng thêm khát vọng vươn cao, vươn xa, góp phần xây dựng một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng, tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình.

Nhân chuyến thăm, nhà báo Trần Hoàng - Bí thư Chi bộ, Tổng Biên tập Tạp chí đã trân trọng trao tặng cho di tích một bức tranh lưu niệm, trên đó khắc ghi lời nhắn đầy tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết nước nhà." Đây là trích dẫn từ bức thư Người gửi giới công thương Việt Nam ngày 13/10/1945, thể hiện sự tin tưởng sâu sắc của Bác đối với vai trò của doanh giới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

5j0a9096.jpg
Tổng Biên tập Tạp chí (thứ ba từ trái qua) đã trân trọng trao tặng cho di tích một bức tranh lưu niệm

Đáp lời, bà Vương Khánh Giang - Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận 5, bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, Tạp chí sẽ phối hợp cùng Trung tâm và Ban Quản lý di tích số 5 Châu Văn Liêm để từng bước xây dựng nơi đây thành một địa chỉ "đỏ" dành cho giới doanh nhân. Tại không gian ý nghĩa này, thế hệ doanh nhân ngày nay sẽ có cơ hội tìm hiểu, học tập không chỉ tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn tri ân và noi gương những doanh nhân yêu nước thuở trước - những người đã hết lòng hỗ trợ Người trong những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước.

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng 50 năm Ngày thống nhất đất nước, trưa cùng ngày, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ, viên chức người lao động. Ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí chia sẻ rằng: "Chiến thắng 30/4/1975 là biểu tượng bất diệt của tinh thần quật cường, khát vọng độc lập và ý chí vươn lên của dân tộc. Tôi mong, toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động của Tạp chí sẽ phát huy tinh thần ấy, biến hào khí lịch sử thành những hành động cụ thể, gắn liền với trách nhiệm của người công dân và người làm báo hôm nay."

Ông Trần Hoàng cũng kỳ vọng, các phóng viên, biên tập viên tiếp tục nỗ lực, sáng tạo để cho ra đời nhiều bài viết sâu sắc, giá trị hơn nữa, phản ánh chân thực, sinh động về cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp, góp phần lan tỏa những hình mẫu, câu chuyện truyền cảm hứng cho xã hội.

z6549862373615_1455bdc711e2cd8390015974a6af3d5e.jpg
Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức buổi gặp mặt cán bộ, viên chức người lao động

Dịp này, bà Nguyễn Thị Kim Dung - nguyên Tổng Biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn (nay là Tạp chí), xúc động cho biết: "Doanh Nhân Sài Gòn chính là tuổi trẻ của chúng tôi! Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, tập thể viên chức và người lao động của Tạp chí luôn mang trong mình tinh thần vượt khó. Ban lãnh đạo Tạp chí không chỉ lo 'nuôi quân', làm kinh tế, thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhưng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với Thành phố".

Bà Dung nhấn mạnh: "Cộng đồng doanh nghiệp Thành phố còn lớn mạnh thì thương hiệu Doanh Nhân Sài Gòn còn hiện diện và phát triển, dù tới đây có những thay đổi theo tinh thần sáp nhập của Đảng và Nhà nước”.

Thay mặt viên chức, người lao động, ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch Công đoàn Tạp chí cho biết viên chức và người lao động rất vinh dự phục vụ trong công tác truyền thông với tinh thần tự hào và mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa.

“Tự do không đến từ may mắn, mà đến từ trả giá. Và điều thiêng liêng nhất mà 30/4 nhắc nhớ, chính là: Hãy sống xứng đáng với quá khứ, với máu xương đã đổ, với những người đã ngã xuống mà không thấy được ngày thống nhất. Từng bài chúng ta viết, mỗi chương trình, sự kiện mà chúng ta xây dựng, giá trị chúng ta lan tỏa đều là cách tiếp nối những gì cha ông đã khởi dựng”, ông Hùng chia sẻ và khẳng định Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn - gồm người tiền nhiệm và hiện tại - chính là những người tiếp nối ngọn lửa tinh thần 30/4: dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân vì một Việt Nam phồn vinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tháng tư, thăm địa chỉ đỏ số 5 Châu Văn Liêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO