Ngành than muốn mua mỏ ở nước ngoài

24/02/2012 05:30

Việc mua mỏ ở nước ngoài của ngành than đang đến gần khi nhu cầu nhập khẩu than cho sử dụng trong nước ngày càng tăng, đặc biệt là từ năm 2015.

Ngành than muốn mua mỏ ở nước ngoài

Việc mua mỏ ở nước ngoài của ngành than đang đến gần khi nhu cầu nhập khẩu than cho sử dụng trong nước ngày càng tăng, đặc biệt là từ năm 2015.

Nhu cầu nhập khẩu than của VN ngày càng tăng - Ảnh minh họa

Quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, có tính đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt tháng 1-2012 cho thấy nhu cầu nhập khẩu than từ năm 2015 trở đi ngày một tăng và lượng than nhập về hằng năm ngày càng vượt xa lượng than sản xuất trong nuớc.

Trao đổi với báo giới khi công bố quy hoạch ngành than ngày 23/2 tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục năng lượng Phạm Mạnh Thắng cho biết, từ nay đến năm 2020, các nhà máy điện chạy than có nhu cầu sử dụng than ngày càng lớn nên việc mất cân đối cung và cầu than cũng lớn theo.

Việc nhập khẩu than, theo dự kiến, sẽ diễn ra trên diện rộng từ năm 2015 (khoảng 15 triệu tấn/năm), sau việc nhập khẩu thí điểm được khởi động từ năm 2010.

Theo ông Vũ Thành Lâm, Phó tổng giám đốc TKV, việc tăng giá bán than cho điện ngày càng trở nên cần thiết vì mức giá này được điều chỉnh từ tháng 3/2011 mới chỉ bằng 57% giá thành sản xuất năm 2010 theo số liệu của kiểm toán công bố. Còn nếu so với giá thành năm 2011 dự kiến thực hiện thì giá than bán cho điện hiện mới chỉ bằng 51% đến 55% tùy theo chủng loại. Ngày 22/2, TKV đã tiếp tục gửi đề xuất tăng giá bán than đến Bộ Công Thương và Chính phủ.

Ông Lâm nói tại buổi công bố quy hoạch ngành than rằng, tính riêng năm 2010, chênh lệch giữa than sản xuất và giá bán than cho điện lên đến 3.000 tỉ đồng. Năm 2011, con số này khoảng 5.000 tỉ đồng.

Đến năm 2020, cả nước sẽ có 46 nhà máy điện chạy than cần 77 triệu tấn than, trong đó chỉ có 25 nhà máy sử dụng than nội, 21 nhà máy khác sử dụng than ngoại nhập (khoảng 48 triệu tấn/năm).

Trong khi đó, thực tế năm 2012, ngành than lên kế hoạch sản xuất được 48 triệu tấn than nguyên khai, tương đương với 43 triệu tấn than sạch, với 17-18 triệu tấn trong số này bán cho ngành điện.

Đến năm 2015 sẽ sản xuất được 55-58 triệu tấn, tương đương 53 triệu tấn than sạch cung cấp cho cả nền kinh tế, trong đó có ngành điện nên cung không đủ cầu.

Hiện nay, việc khai thác bể than Đông Bắc ngày càng trở nên cạn kiệt vì đã thăm dò ở độ sâu dưới 300 mét và bể than đồng bằng sông Hồng chỉ dự kiến bắt đầu khai thác khoảng 1 triệu tấn từ năm 2020.

Xác định được thực trạng ngày càng khó khăn cho cả ngành than lẫn ngành điện, Bộ Công Thương, Tổng cục năng lượng và Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) đã lên kế hoạch trình Chính phủ chuẩn bị cơ chế điều hành xuất nhập khẩu than, trong đó có hướng khuyến khích doanh nghiệp mua mỏ ở nước ngoài.

Tổng cục trưởng Tổng cục năng lượng Phạm Mạnh Thắng cho biết là Bộ Công Thương đang làm đầu mối chuẩn bị cơ chế này, chủ yếu hướng đến hai thị trường là Úc và Indonesia. Ngoài ra, bộ cũng khuyến khích các dự án nhà máy điện do tư nhân và nước ngoài đầu tư tự tìm đầu mối nhập khẩu than.

Từ nay đến năm 2030, ngành than cần mỗi năm 35 tỉ đồng vốn đầu tư để khai mỏ, chế biến, hướng vào các dự án đầu tư sau khai mỏ. Tuy nhiên, lợi nhuận ngành than ngày càng giảm do xuất khẩu giảm và tiếp tục bù lỗ cho điện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành than muốn mua mỏ ở nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO