Cắt giảm tiết kiệm chi tiêu công gần 900 tỉ đồng

P.V| 04/04/2011 06:23

Tại chương trình Nói và làm do HĐND TP.HCM và Đài truyền hình TP tổ chức sáng 3/4, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho biết năm nay TP dự kiến bố trí vốn đợt 1 là 10.000 tỉ đổng.

Cắt giảm tiết kiệm chi tiêu công gần 900 tỉ đồng

Tại chương trình Nói và làm do HĐND TP.HCM và Đài truyền hình TP tổ chức sáng 3/4, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho biết năm nay TP dự kiến bố trí vốn đợt 1 là 10.000 tỉ đổng.

Hầu hết đây là những dự án chuyển tiếp đã bắt đầu từ những năm trước, dự án trọng điểm. Tuy nhiên trước yêu cầu cấp bách cần rà soát, TP cho dừng các dự án xây trụ sở, mua sắm tài sản đắt tiền. Qua rà soát đợt này đã dừng 83 dự án với tổng vốn 440 tỉ đồng. Ngoài ra, tiết kiệm ngân sách không mua sắm các loại thiết bị như ôtô, máy lạnh... được 202 tỉ đồng; tiết kiệm 10% chi thường xuyên của năm 2011 khoảng 179 tỉ đồng. Tổng cộng các khoản này gần 900 tỉ đồng.

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch - Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TP - cho biết việc không ứng vốn thi công cho các dự án của năm 2012 và không ứng vốn cho những dự án từ năm 2010 kéo dài, cả nước thực hiện cắt giảm hai nhóm này khoảng 50.000 - 60.000 tỉ đồng. “Ở TP.HCM hai nhóm này xử lý như thế nào?” - ông Lịch hỏi, ông Lê Hoàng Quân trả lời: TP đã rà soát kỹ các dự án hai nhóm này.

Với những dự án làm được 60-70%, TP dồn sức để hoàn thành đưa vào sử dụng vì nếu dừng lại công trình sẽ xuống cấp. Ông Quân khẳng định những dự án sắp hoàn thành có thể đưa vào sử dụng trong năm 2011 sẽ dồn sức để làm dứt điểm, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Ông Trần Du Lịch trao đổi thêm có những dự án thật sự đã bố trí vốn từ những năm trước nhưng làm kéo dài nên cần rà soát kỹ loại này. Ông Quân đồng tình đây là loại dự án dễ gây lãng phí, quan điểm là rà soát kỹ và kiên quyết xử lý những trường hợp này.

Những dự án không tập trung, không mang lại hiệu quả thì kiên quyết dừng. Theo ông Quân, những năm qua TP dồn sức đầu tư cho những dự án hạ tầng, có sinh lợi, giải quyết được nhiều nhu cầu. “Những dự án gây lãng phí nhiều, tuy đã giảm rất nhiều nhưng cũng còn, không phải là hết” - ông Quân nói. Ông Trần Du Lịch nói thêm: “Chúng tôi mong muốn TP cần đi thêm một bước mạnh mẽ hơn trong quản lý đầu tư công là cần thực hiện tái cấu trúc đầu tư công để tránh tình trạng dàn trải quá nhiều dự án”.

Cũng tại buổi đối thoại, chính sách quản lý tiền tệ, nhất là ngoại tệ và vàng, được các nhà quản lý, các chuyên gia bàn luận khá sôi nổi. Ông Lê Hoàng Quân nói một trong những việc TP phải làm quyết liệt là ổn định tâm lý người dân để thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chẳng hạn như quản lý ngoại tệ, kinh doanh vàng miếng. Ông Quân cũng nhấn mạnh TP tích cực tìm kiếm các giải pháp gỡ khó về vốn cho doanh nghiệp để ổn định sản xuất.

Ông Trần Du Lịch tính toán tổng dư nợ tín dụng năm 2010 ở TP là 700.000 tỉ đồng, nếu năm nay cho phép tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 20%, tức sẽ có thêm 140.000 tỉ đồng nữa để đáp ứng nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp. “Đây không phải là một khoản vốn nhỏ, vấn đề là làm sao để khoản vốn này chảy đúng chỗ TP cần như các lĩnh vực sản xuất, không để chảy vào bất động sản, chứng khoán...” - ông Lịch phân tích.

Ngừng 83 dự án chưa cấp bách

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, TP đã ngừng 83 dự án chưa thật cần thiết có sử dụng vốn ngân sách với số tiền 440 tỉ đồng. “TP cũng tạm dừng trang bị mới ôtô công, máy lạnh… với 212 tỉ đồng. Chưa kể TP còn tiết kiệm 10% chi thường xuyên của chín tháng còn lại năm 2011 được 709 tỉ đồng nữa. Tuy nhiên, với những dự án gần hoàn thành thì phải dồn sức làm cho xong để tránh lãng phí. Đơn cử, dự án xây KTX sinh viên TP đã đạt 50%-60%, nếu ngừng qua mùa mưa sẽ lãng phí, xuống cấp nên TP dồn sức làm dứt điểm” - ông Quân nói.

Giám đốc Sở Tài chính Đào Thị Hương Lan cho biết thêm, phần tiền tiết kiệm chi thường xuyên 10% này sẽ do Kho bạc Nhà nước TP quản lý, chờ đến quý III/2011, Bộ Tài chính hướng dẫn rồi mới giải ngân sử dụng. “Còn trong 212 tỉ đồng tiết kiệm, có 40 tỉ đồng tạm dừng trang bị mới ôtô công và 172 tỉ đồng không mua sắm máy lạnh, thiết bị văn phòng… Tuy nhiên, không phải cái nào cũng tạm dừng. Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, hợp đồng mua sắm nào ký trước ngày 24/2 (ngày ban hành Nghị quyết 11) thì vẫn mua bình thường” - bà Lan nhấn mạnh. 

Việc kêu gọi chủ nhà trọ cam kết không tăng giá là một sáng kiến của TP trong bảo đảm an sinh xã hội. Ảnh: HTD

140.000 tỉ đồng phải “chảy” đúng chỗ

Cũng theo Nghị quyết 11, phải thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát; điều hành và kiểm soát để bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%.

Chủ tịch Lê Hoàng Quân cho biết con số 20% vốn tín dụng cho doanh nghiệp vay chiếm khoảng 140.000 tỉ đồng. “Đây là vốn vay ưu tiên cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Sáng 4/4, UBND TP sẽ họp cùng thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và hơn 100 doanh nghiệp để chia sẻ khó khăn, tìm giải pháp để cho doanh nghiệp sử dụng vốn vay hiệu quả” - ông Quân nói.

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, băn khoăn việc làm sao để 140.000 tỉ đồng này “chảy” vào đúng kênh sản xuất, kinh doanh chứ không “chảy” vào đầu tư bất động sản, chứng khoán… “Phải có kế hoạch cụ thể để sử dụng hiệu quả số tiền không hề nhỏ này. Cạnh đó, hiện chúng ta quản lý việc mua bán ngoại tệ như… mua rau ngoài chợ. Bây giờ chống việc mua bán ngoại tệ ngoài “chợ đen” đã tốt rồi nhưng “chống thì phải xây” chứ người dân đi du lịch, chữa bệnh, học tập ở nước ngoài… thì mua ngoại tệ ở đâu khi ngân hàng không bán” - ông Lịch lưu ý.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích người dân dùng thẻ thanh toán quốc tế (visa card) vì có nhiều tiện ích. “Tuy nhiên, đúng là đa số người dân chưa thể tiếp cận được dịch vụ thẻ visa card. Hiện Ngân hàng Đông Á và một số ngân hàng khác có dành ra 1-2 triệu USD để đáp ứng nhu cầu mua ngoại tệ của người dân vào những nhu cầu chính đáng như đi du lịch, chữa bệnh…” - ông Dũng nói.

Không tăng giá phòng trọ đến hết năm 2011

Theo ông Nguyễn Tấn Phước, Phó ban Quản lý các KCX-KCN TP (Hepza), nhằm giúp công nhân vượt cơn “bão giá”, TP sẽ tạo thêm 14.000 chỗ ở cho công nhân bằng cách xây nhà lưu trú. “Hiện KCX Linh Trung đã có nhà lưu trú công nhân và chỉ lấy tượng trưng 20.000-30.000 đồng/người/tháng. Đồng thời, 13 KCX-KCN trên địa bàn TP đều phủ sóng các tuyến xe buýt đến tận nơi, thuận tiện đưa đón công nhân” - ông Phước cho biết.

Ông Trương Văn Thống, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cho biết quận Thủ Đức có 200.000 sinh viên và 3.500 doanh nghiệp, đồng thời có 6.351 hộ kinh doanh nhà trọ. “Quận đã vận động các chủ nhà trọ cam kết không tăng giá cho thuê nhà đến hết năm 2011. Kết quả, hơn 93% đồng ý ký cam kết, chỉ còn gần 7% chủ nhà trọ ở nơi khác nên chưa gặp được” - ông Thống nói.

Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo kết luận: Qua hơn một tháng thực hiện Nghị quyết 11 đã góp phần kiềm chế lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng của TP tăng 4,8% trong khi cả nước tăng hơn 6%. “Bảo đảm an sinh xã hội bằng cách vận động chủ nhà trọ cam kết không tăng giá là một sáng kiến của TP. Từ những kết quả đạt được, TP phải tăng cường kiểm soát tốt hơn nữa thị trường tiền tệ, không để tăng giá do tâm lý dây chuyền. Đồng thời, thực hiện tiết kiệm chi tiêu công, chăm lo đời sống công nhân nhiều hơn nữa…” - bà Thảo nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cắt giảm tiết kiệm chi tiêu công gần 900 tỉ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO