Thanh Mai trở thành nghệ sĩ Việt đương đại xuất sắc nhất

Hồng Như| 13/08/2021 06:00

Nguyễn Thị Thanh Mai - nghệ sĩ thị giác đang sinh sống và làm việc tại Huế được The Factory vinh danh là "Nghệ sĩ đương đại Việt Nam xuất sắc nhất" trong lần đầu tiên giải thưởng khởi động.

Biến chất liệu không thể thành có thể

So với tác phẩm và phong cách sáng tác của những họa sĩ trong danh sách đề cử, Zoe Butt - Giám đốc nghệ thuật The Factory, thành viên Hội đồng nghệ thuật của Giải thưởng cho rẳng điểm khác biệt và thu hút lớn nhất trong tác phẩm của Thanh Mai là sự đa dạng trong chất liệu sáng tác

"Cô không chỉ làm việc với các chất liệu có thể cầm nắm được mà còn phục dựng lại những hình ảnh trong ký ức, trong quá khứ của một cộng đồng, thể hiện sự đau đáu, quan tâm của cô về vấn đề mà cộng đồng đó đang gặp phải" - Zoe Butt chia sẻ.

Thanh Mai đã và đang làm việc với hầu hết các hình thức nghệ thuật, các chất liệu đa dạng gồm: hội hoạ, điêu khắc, nhiếp ảnh, trình diễn, sắp đặt và video… Với mỗi vấn đề, bằng sự tìm tòi, tâm huyết với nghệ thuật và cuộc sống, cô luôn tìm được cách thức phù hợp nhất để diễn giải và thực hành, sao cho tác phẩm dễ dàng tiếp cận, đi sâu vào tâm thức người xem.

thanh-mai-artist-jpeg-6946-1628772253.jp

Nghệ sĩ Thanh Mai trong quá trình thực hành nghệ thuật

Đầu năm 2014, khi đang lưu trú lại chương trình Pisaot của Sa Sa Art Projects - một không gian thử nghiệm do nghệ sĩ sáng lập tại Phnom Penh, Campuchia, Thanh Mai giới thiệu dự án Ngày qua ngày với những bức ảnh chân thật đến trần trụi về cuộc sống của những người lưu vong từ Việt Nam, Thái Lan trên đất Campuchia. 

Thanh Mai chia sẻ: “Từ các thông tin thu thập được trong quá trình phỏng vấn, trò chuyện cùng các di dân, tôi đã tạo ra 348 thẻ căn cước cho những người di dân không quốc tịch. Thẻ được in trên quần áo cũ của họ với các vết ố dầu mỡ, vết sờn và khâu vá. Đặc biệt, những tấm thẻ này không có con dấu, không có lãnh thổ hay quốc gia. Nhằm khẳng định tầm quan trọng và ảnh hưởng của danh tính khi được chính phủ thừa nhận”.

Dự án Ngày qua ngày nói riêng và tác phẩm Thẻ căn cước nhận được sự đánh giá cao về chất liệu sáng tác và cả ý nghĩa xã hội phía sau mỗi tác phẩm.

Trong triển lãm Vết sẹo (2012), Thanh Mai đã dùng rất nhiều chất liệu tưởng như không thể để tạo thành nghệ thuật như Tác phẩm Không tên 1 được làm từ cà chua, mủ cao su, chỉ khâu, hộp kính; Không tên 3 là nước đá, gai bồ kết, hộp gỗ. Đơn giản hơn, trong tác phẩm Thế hệ của chiến thắng, chỉ bằng giấy học sinh cũ, mực than và keo, cô vẽ nên cả một hành trình lịch sử với những tượng đài chiến thắng khắp Việt Nam. 

“Với tôi, chất liệu luôn có tiếng nói, xúc cảm và đời sống riêng. Tôi yêu thích được làm việc với các chất liệu tự nhiên. Sự biến đổi theo thời gian của chúng luôn đem lại cho tôi những xúc cảm mạnh mẽ về sự úa tàn, tính ‘không vĩnh cửu’ của thời gian và những thứ chứa đựng bên trong nó như hồi ức, sự trải nghiệm…” - Thanh Mai bộc bạch.

Chi-tiet-mot-tac-pham-trong-se-7069-5972

Một tác phẩm trong series "Thế hệ của chiến thắng"

Dành mối quan tâm đến cộng đồng yếm thế

“Thanh Mai là một nghệ sĩ đương đại hơn bất kỳ nghệ sĩ đương đại nào. Từ cách quan sát, sáng tác đến thái độ, tư tưởng đều cho thấy cô quan tâm đến chi tiết, đi sâu vào các vùng khuất, nhìn lại lịch sử theo cách nhìn riêng và quan tâm đến các cộng đồng, rất nhỏ. Ưu điểm lớn nhất của cô là một nghệ sĩ và cả người phát triển xã hội” - ông Trần Lương - nghệ sĩ thị giác, thành viên Hội đồng nghệ thuật của giải thưởng nhận xét.

Trong quá trình sáng tác, Thanh Mai thường thường hướng đến các nhóm cộng đồng yếu thế trong xã hội như: phụ nữ, người lao động di cư, người tị nạn, người chuyển giới… Cô đi sâu vào từng cung bậc cảm xúc, niềm vui, nỗi buồn và thấu cảm với những mong ước bình dị của những nhóm người này. Từ đó, dùng các chất liệu nghệ thuật và khả năng sáng tạo vốn có, Thanh Mai đặt vấn đề, chất vấn những định kiến xã hội đang tác động trực diện tới cuộc sống của họ.

Ông Trần Lương chia sẻ: “Tác phẩm của Thanh Mai nói lên được những vấn đề rất cụ thể với điểm nhấn là những câu hỏi, hôm nay, ngày mai và tương lai của những con người, những cộng đồng đó sẽ như thế nào”.

Tac-pham-The-can-cuoc-6668-1628772253.jp

Tác phẩm "Thẻ căn cước"

Với riêng Thanh Mai, cô quan niệm nghệ thuật là hành trình đặt câu hỏi và khám phá thế giới. Giai đoạn khi tiếp xúc với nghệ thuật, cô tập trung khám phá những vấn đề về trải nghiệm của phụ nữ trong bối cảnh xã hội châu Á. Dần dần, mở rộng ra các mối quan hệ phức tạp của cá nhân và xã hội, những quan niệm của con người về sự tồn tại. Gần đây, cô tập trung hướng đến các vấn đề liên quan đến căn tính cá nhân và tập thể cùng những trải nghiệm của người di cư. 

Song dù theo đuổi chủ đề nào, Thanh Mai cũng luôn có tinh thần hòa nhập vào đời sống cộng đồng, hòa tác phẩm vào cuộc sống để mỗi sáng tạo là tự nhiên và chân thực nhất.

Roger Nelson - Nhà sử học nghệ thuật, Giám tuyển tại National Gallery Singapore nhận định: “Thực hành nghệ thuật của cô không chỉ nổi bật với những chất liệu đa dạng, không ranh giới. Mà quan trọng là năng lượng, là niềm đam mê và tâm huyết khi tìm hiểu về xã hội, lịch sử cùng các cộng đồng trên thế giới. Thanh Mai là một trong những nghệ sĩ đương đại sáng giá nhất Châu Á”.

Giải thưởng Nghệ sĩ đương đại xuất sắc do Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory tổ chức, nhằm vinh danh các nghệ sĩ có thực hành sáng tạo không chỉ giới hạn tại xưởng làm việc mà còn có nỗ lực đóng góp cho cộng đồng địa phương và bối cảnh xã hội hiện tại. "Nghệ sĩ xuất sắc" do thành viên trong Ban đề cử - những người uy tín, kiến thức chuyên môn và kết nối sâu rộng giới thiệu và do Hội đồng nghệ thuật đánh giá, trao giải. 

Nghệ sĩ được vinh danh nhận phần thưởng 160 triệu đồng tiền mặt, được tài trợ tổ chức một triển lãm cá nhân tại The Factory. Dự kiến, giải sẽ tổ chức 2 năm một lần.

(*) Bài viết có sử dụng tư liệu của The Factory

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thanh Mai trở thành nghệ sĩ Việt đương đại xuất sắc nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO