Mời ngân hàng Việt Nam mở chi nhánh tại các tỉnh biên giới

CÁC NGỌC thực hiện| 20/05/2010 09:39

Dù tình hình kinh tế thế giới khó khăn nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Campuchia năm 2009 vẫn đạt trên 1,4 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2008...

Mời ngân hàng Việt Nam mở chi nhánh tại các tỉnh biên giới

Dù tình hình kinh tế thế giới khó khăn nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Campuchia năm 2009 vẫn đạt trên 1,4 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2008; trong ba tháng đầu năm 2010, đạt 432,47 triệu USD, tăng trên 127% so cùng kỳ năm 2009 (190 triệu USD).

Đánh giá khả năng tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa hai nước, ông Cham Prasidh - Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia, nhận định:

- Sau Hội nghị Hợp tác Phát triển Thương mại biên giới Việt Nam – Campuchia lần thứ hai được tổ chức ở Phnôm Pênh năm ngoái, chính phủ, các bộ, chính quyền các tỉnh giáp biên giới và các cơ quan hữu quan, doanh nghiệp của hai nước đã tích cực thúc đẩy các hoạt động đầu tư, thương mại.

Vì vậy, trong năm nay kim ngạch thương mại giữa hai nước chắc chắn đạt được 2 tỷ USD. Lý do đạt được là do xu hướng thương nhân Campuchia đang chuyển dần kinh doanh với Việt Nam thay vì Thái Lan. Kim ngạch thương mại Campuchia - Thái Lan khoảng 1,5 tỷ USD mỗi năm, tôi nghĩ khoảng 50% kim ngạch này sẽ được chuyển sang Việt Nam.

Mặt khác, việc xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại giữa hai nước, nhất là ở các tỉnh biên giới nhanh hơn nữa sẽ thúc đẩy thương mại ngày càng phát triển. Do vậy, Chính phủ Việt Nam nên nhìn thấy việc phối hợp với Campuchia làm đường giao thông là lợi ích cho Việt Nam. Một điểm nữa, là khách du lịch Việt Nam sang Campuchia ngày càng đông, thương nhân Việt Nam sẽ khai thác được các cơ hội kinh doanh tại Campuchia. Vì những lý do đó có thể nhận định quan hệ thương mại Việt Nam - Campuchia thời gian tới sẽ phát triển mạnh.

Tuy nhiên, xuất khẩu của Campuchia vẫn còn thấp, trong tương lai tôi tin tưởng cán cân thương mại sẽ được điều chỉnh. Ủy ban hỗn hợp thương mại đã được thành lập để chia sẻ những kinh nghiệm liên quan đến thương mại, tăng cường chợ bán sỉ và những khu kinh tế đặc biệt, tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp. Tôi mong rằng những bước hợp tác tiến triển sẽ giúp giảm nghèo cho người dân biên giới.

*Tại Hội nghị Hợp tác Phát triển Thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ ba được tổ chức ở Long An, hai nước nhấn mạnh đến tăng cường phát triển thương mại và đầu tư, theo ông, cần quan tâm những vấn đề gì?

- Thống kê về kim ngạch thương mại hai chiều chưa đầy đủ, chỉ mới thu thập những số liệu chính ngạch, còn buôn bán tiểu ngạch qua các chợ biên giới rất lớn mà chưa thống kê được. Tôi rất ủng hộ việc xây dựng chợ ở biên giới Việt Nam - Campuchia. Dự án Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới đến năm 2020 được đưa ra từ tháng 12/2009, phía Campuchia sẽ tạo mọi điều kiện cho Ban Quản lý dự án cùng phía Việt Nam nghiên cứu để trình cho Thủ tướng hai nước, đồng thời, nghiên cứu xây dựng chợ thí điểm tại xã Đa, huyện Mê Mót, tỉnh Kongpong Cham.

Tôi cũng đề nghị các cơ quan hai nước nghiên cứu quy chế quản lý chợ biên giới chung Việt Nam - Campuchia, giải quyết thủ tục về thanh toán, kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các thỏa thuận. Hiện nay, người dân trao đổi hàng hóa gặp khó khăn trong thanh toán vì chưa có ngân hàng ở các vùng biên giới.

Trước đây, chỉ mua bán với số tiền nhỏ, nhưng bây giờ nhu cầu trao đổi hàng hóa với số tiền trên 10.000 USD, có thể 20.000 USD hay nhiều hơn nữa, nếu không có ngân hàng thì người dân, thương nhân phải cầm tiền mặt qua biên giới, điều này không được phép. Đây là vấn đề mà chính phủ hai nước phải suy nghĩ giải quyết sớm. Chúng tôi mời các ngân hàng Việt Nam mở chi nhánh tại các tỉnh biên giới, góp phần làm lạnh mạnh hoạt động thanh toán biên mậu giữa doanh nghiệp hai nước.

Một điều cần phải suy nghĩ kỹ nữa là việc đặt các khu kinh tế cửa khẩu. Nếu đầu tư sản xuất nhắm vào xuất khẩu sang các nước thứ ba thì doanh nghiệp Việt Nam nên đầu tư tại các khu kinh tế cửa khẩu trên đất Campuchia, nhất là khi xuất sang châu Âu, Campuchia được hưởng ưu đãi về thuế hơn. Còn nếu nhắm vào cung cấp cho thị trường Campuchia thì sản xuất tại Việt Nam.

Về khai thác gỗ, thời gian qua, Việt Nam đã cho nhập khẩu gỗ mà không cần có giấy phép xuất khẩu từ Campuchia. Tuy nhiên, vì thuận lợi quá nên xảy ra tình trạng gỗ Việt Nam bị khai thác trái phép rồi được nói là gỗ nhập từ Campuchia. Vì vậy, nên có chứng từ chứng minh nguồn gốc gỗ từ Campuchia, nếu không thì rừng Việt Nam sẽ bị khai thác trắng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mời ngân hàng Việt Nam mở chi nhánh tại các tỉnh biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO