Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, thời gian qua, TP.HCM đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa - bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, công khai, minh bạch, đúng quy trình pháp luật và đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình giải quyết thủ tục hành chính nhằm nâng cao khả năng thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như sự quá tải về cơ sở hạ tầng, hạ tầng giao thông lạc hậu, ngập nước, áp lực về quá tải bệnh viện, trường học, nhà ở do dân số tăng nhanh.
Năm 2018 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM của Quốc hội, triển khai đề án "Xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh trong giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025". TP sẽ đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo, huy động vốn để thiết kế, xây dựng một khu đô thị sáng tạo, tích hợp ba quận (quận 2, 9 và Thủ Đức) với 12 trường đại học, trên 1.500 giảng viên có trình độ tiến sĩ, 70.000 sinh viên.
Khu đô thị sáng tạo với dân số gần 1 triệu người sẽ là hạt nhân cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và là nơi đẩy mạnh việc khởi nghiệp sáng tạo. Để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân mong các DN nước ngoài chia sẻ, đồng hành và hỗ trợ TP triển khai thành công các dự án trọng điểm thông qua việc tư vấn, đầu tư vốn, giải pháp công nghệ đã được áp dụng thành công tại nước mình.
Các DN nước ngoài đánh giá TP.HCM là TP năng động, có tốc độ phát triển nhanh và là địa điểm thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để thu hút được nguồn vốn cho các mục tiêu phát triển nhanh, bền vững và xây dựng thành công đô thị thông minh, TP.HCM phải tháo gỡ các vấn đề về chính sách cũng như nguồn nhân lực.
Trong đó, DN châu Âu mong muốn TP.HCM hoạch định chính sách minh bạch hơn để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, hệ thống pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư cần được thống nhất cả về lý thuyết lẫn hiệu quả thực tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, không chỉ tay nghề của lao động phổ thông mà còn cả năng lực quản lý của nhân sự cấp trung, cao nhằm đáp ứng nhu cầu của các DN nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh.
Trong khi đó, các DN Singapore đề nghị TP có chính sách cởi mở hơn với các lĩnh vực đầu tư vào dịch vụ công nghệ. Cần xem xét, bãi bỏ các quy định cũng như yêu cầu DN nước ngoài cung cấp dịch vụ internet tại Việt Nam phải khai báo thông tin người sử dụng hay bắt buộc DN nước ngoài phải thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, năm 2018 và những năm tiếp theo, TP sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Cụ thể, phấn đấu tỷ lệ kê khai nộp thuế điện tử đạt 98%, tỷ lệ DN nộp thuế điện tử đạt 90%. Giảm 50% thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan và thời gian tiếp nhận kiểm tra hàng hóa thực tế, rút ngắn 57 ngày xuống còn 14 ngày giải quyết thủ tục liên quan đến đăng ký quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất...
Người đứng đầu UBND TP kỳ vọng các DN nước ngoài sẽ cùng TP đẩy mạnh đầu tư các dự án để xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh, khu đô thị sáng tạo phía Đông, bảy chương trình đột phá và 127 dự án trọng điểm của thành phố. "Thành phố trân trọng và chào đón các DN nước ngoài khởi nghiệp tại TP nhưng không hoan nghênh những hoạt động làm ăn không chân chính, không quan tâm đến trách nhiệm môi trường", Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nêu quan điểm.