Mở cửa dịch vụ ăn uống tại chỗ: Ý thức người dân là trên hết

Hồng Như| 30/10/2021 02:34

Đó là thông điệp được các khách mời nhấn mạnh xuyên suốt chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” với chủ đề “Kiểm soát dịch trong kinh doanh ăn uống - Những điều cần biết” diễn ra tối ngày 29/10.

Mở cửa dịch vụ ăn uống tại chỗ: Ý thức người dân là trên hết

Sau 2 ngày, kể từ 28/10, khi UBND TP.HCM cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm được phục vụ tại chỗ, hầu hết cơ sở tại các quận, huyện và TP. Thủ Đức đều bắt đầu hoạt động. Tính riêng quận 3, trong hôm 29/10 đã có hơn 500 cơ sở hoạt động trở lại. 

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết: “Không phải ngẫu nhiên mà trong giai đoạn giãn cách, chính quyền thành phố lại siết chặt hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, tất cả vì sự an toàn của người dân và hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm. Chúng tôi phải mở cửa từng bước, từ việc bán mang về rồi hiện tại là phục vụ tại chỗ. Nguy cơ về dịch bệnh vẫn còn, vì vậy điều quan trọng nhất là sự nhất quán của người dân trong việc ý thức bảo vệ sức khỏe”.

Để mở cửa hoạt động trở lại, các cơ sở kinh doanh bắt buộc tuân thủ các tiêu chí được quy định theo Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, trong giai đoạn đặc biệt này, các khách mời nhận định, cơ sở kinh doanh phải thực hiện tiêu chí kép, vừa là quy định phòng chống dịch Covid-19 vừa là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xoay quanh vấn đề này, bà Lan lo ngại: “Trong giai đoạn giãn cách xã hội, các chợ và nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm đóng cửa. Đầu tháng 10, khi thành phố thực hiện “bình thường mới” nhiều điểm bán tự phát lại mở, tăng nguy cơ về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm”. 

Ba-Lan-Ong-Hung-6361-1635554835.jpg

Bà Phạm Khánh Phong Lan và ông Nguyễn Hữu Hưng trong buổi livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" - Ảnh chụp màn hình

Từ khi bỏ giãn cách, TP đã và đang tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra. Với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, chính quyền TP kiểm tra theo tiêu chí kép. Các lực lượng địa phương như xã, phường, thị trấn sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra về công tác thực hiện việc phòng, chống dịch Covid-19 theo Bộ tiêu chí của UBND TP.HCM. Trong đó, tập trung kiểm tra sự tuân thủ của các cơ sở trong việc hạn chế số lượng khách, phương án tổ chức kinh doanh và tuân thủ 5K. Đồng thời, tất cả các đoàn thanh, kiểm tra của TP cũng hoạt động thường xuyên, nhắc nhở và siết chặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Với câu hỏi về việc tiêm vaccine và đưa nhân viên trở lại các cơ sở làm việc, ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thông tin: “Hiện tại thành phố đang tạo điều kiện tối đa cho người lao động trở lại làm việc. Vì vậy, nếu những ai cần tiêm vaccine để đi làm có thể thực hiện theo 2 cách. Hoặc là liên hệ với chính quyền địa phương nơi cư trú để đăng ký tiêm hoặc là chủ cơ sở kinh doanh, chủ doanh nghiệp sẽ thống kê số lượng nhân viên cần tiêm rồi kết hợp với y tế địa phương để thực hiện tiêm tại cơ sở”.

Với người lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, tiêu chí quan trọng là phải tiêm vaccine mũi 1 ít nhất 14 ngày. Do đó, trường hợp một số người lao động đã về quê chưa được tiêm vaccine thì chưa được trở lại cơ sở làm việc ngay. Song Sở Y tế TP.HCM và UBND TP.HCM cho biết trong điều kiện thành phố đủ vaccine thì sẵn sàng tiêm và tạo điều kiện cho nhóm đối tượng này trở lại làm việc.

“Tuân thủ 5K có thể giảm tối đa nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm, vaccine có thể giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong. Suy cho cùng, mọi tiêu chí và nguyên tắc đều có hiệu quả tương đối. Trong giai đoạn này người dân phải thực sự ý thức và cố gắng giữ gìn an toàn cho bản thân. Khi ra ngoài ăn uống cần quét mã QR, khai báo y tế và thực hiện 5K. Đặc biệt nên giảm thiểu tối đa thời gian ngồi tại quán” - bà Lan lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mở cửa dịch vụ ăn uống tại chỗ: Ý thức người dân là trên hết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO