Hái sao trên trời

LỮ Ý NHI| 09/07/2009 04:35

Mức lương cao đến cả trăm ngàn USD mỗi năm, cơ hội việc làm nhiều, nhưng lấy được chứng chỉ phân tích tài chính CFA (Chartered Financial Analysis) thì như... hái sao trên trời.

Hái sao trên trời

Mức lương cao đến cả trăm ngàn USD mỗi năm, cơ hội việc làm nhiều, nhưng lấy được chứng chỉ phân tích tài chính CFA (Chartered Financial Analysis) thì như... hái sao trên trời.

Nhân sự CFA: Rải tiền để đón

Lớp học CFA tại Trung tâm FTMS

Thị trường tài chính bùng nổ tại VN kéo theo nhu cầu nhân sự ngày càng lớn, đặc biệt là nhân sự quản lý cấp cao có chứng chỉ CFA (chứng chỉ dành cho các nhà phân tích tài chính chuyên nghiệp trong các lĩnh vực chứng khoán, đầu tư và quản lý rủi ro, ngân hàng và tài chính. Chứng chỉ này được chấp nhận trên toàn thế giới, do Học viện CFA của Mỹ cấp khi đã qua ba kỳ kiểm tra khắt khe). Hiện có hơn 40 công ty quản lý quỹ, 100 công ty chứng khoán, hàng loạt ngân hàng có bộ phận đầu tư đang hoạt động, mỗi đơn vị chỉ cần khoảng 2 - 3 nhân viên có CFA thì nhu cầu đã lên con số hàng trăm. Mặc dù số lượng học viên đăng ký học và dự thi lấy chứng chỉ này ngày một tăng, nhưng hiện nay cả nước chỉ có khoảng hơn 10 người có chứng chỉ CFA.

Bà Nguyễn Ngọc Bảo Châu - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ Hợp Việt cho biết: “Để lấy được CFA phải trải qua một kỳ thi rất khó và vì chương trình đào tạo về tài chính của các trường đại học khác nhiều so với nội dung của CFA nên thí sinh VN gặp nhiều bất lợi. Hơn nữa, tiếng Anh là một rào cản khiến nhiều người không dễ vượt qua để tham gia kỳ thi này”. Các thí sinh sẽ phải trải qua ba vòng thi, từ trình độ 1 - 3, với thời gian 6 tiếng đồng hồ cho mỗi vòng thi. Trung bình mỗi kỳ thi tại TP.HCM có khoảng 350 thí sinh thì ở cấp độ 1 là 250 người, cấp độ 2 khoảng 90 và cấp độ 3 chỉ có 10 người.

Theo chị Lê Thị Trà My - Trung tâm Đào tạo FTMS: “Số người học thi chứng chỉ CFA tăng nhanh là do người có CFA có cơ hội vào làm ở bất kỳ tập đoàn tài chính lớn nào trên thế giới. Tại VN, do nhu cầu cao, nhiều học viên chỉ mới qua kỳ thi cấp độ 1 đã có các công ty “trải thảm đỏ” mời về làm việc với mức lương hấp dẫn”. Ở Mỹ, một chuyên viên phân tích có chứng chỉ CFA và dưới 5 năm kinh nghiệm có mức lương khoảng 149.000USD/năm (chưa kể các khoản thưởng và lương khác), với trên 10 năm kinh nghiệm, khoảng 325.000USD/năm. Tại Singapore là 152.000USD/năm, Hồng Kông là 179.000USD/năm và tại VN, lương một chuyên viên CFA đã qua 3 cấp độ là khoảng 90.000 - 110.000USD/năm.

Đào tạo tại VN: Của khôn vật khó

Hằng năm, các kỳ thi CFA được tổ chức ở hơn 70 quốc gia trên thế giới và các thí sinh VN thường phải ra nước ngoài để thi, nhưng hiện nay, thi CFA đã được tổ chức ở Hà Nội và TP.HCM, cộng với nhu cầu nguồn cung đang nóng nên một số đơn vị đang lên kế hoạch mở thêm nhiều trung tâm đào tạo, luyện thi CFA. Tuy nhiên, giá học phí tại các trung tâm hiện chênh lệch khá lớn, từ 750USD - 1.350USD/cấp độ (khoảng 30 buổi học) và chất lượng đào tạo vẫn còn bỏ ngỏ.

Thực tế, các trung tâm đều mời giảng viên nước ngoài về giảng dạy, nhưng đa số là giảng viên các nước Singapore, Malaysia, còn giảng viên các nước châu Âu hầu như không có do chi phí cao. Thậm chí có giảng viên chưa có chứng chỉ CFA, kinh nghiệm làm việc không nhiều nhưng cũng được mời đứng lớp. Chuyên viên một công ty quản lý quỹ tại TP.HCM cho biết: “Ở VN, tìm người có chứng chỉ CFA để làm việc đã khó, huống chi đi dạy. Do thiếu giảng viên nên có trung tâm, giảng viên dạy ở cấp độ 1 vẫn tiếp tục “theo” học viên lên giảng dạy ở cấp độ 2, 3. Hoặc học viên học chứng chỉ Kiểm toán kế toán (ACCA), khi qua CFA, giảng viên dạy ACCA lại tiếp tục dạy nên chất lượng chắc chắn bị hạn chế, bởi mỗi cấp độ, chứng chỉ đòi hỏi sự chuyên sâu khác nhau của giảng viên. Ngoài ra, một số trung tâm còn biên soạn giáo trình tóm vừa đơn giản, vừa sơ sài, đến nỗi học xong học viên chỉ có kiến thức lơ mơ”.

Muốn chọn một trung tâm tốt để học, chị Trà My tư vấn: “Bạn cần tìm hiểu trung tâm mình học có được Tổ chức ACCA (UK) hoặc CFA (US) cấp chứng chỉ không và tùy theo chất lượng, chứng chỉ này cũng được đánh giá theo cấp độ vàng, bạc, bạch kim. Sau đó là tìm hiểu về giảng viên, kinh nghiệm làm việc thế nào, có những chứng chỉ, bằng cấp gì...”.

Bà Bảo Châu chia sẻ: “Học CFA không chỉ tốn tiền mà còn tốn thời gian. Nó đòi hỏi tính tự học rất cao, cứ 100 giờ lên lớp, người bản xứ cần có 250 giờ học ở nhà, còn người VN mình cần 380 giờ. Ngoài học phí khá cao, mỗi kỳ thi phải đóng phí thi cho Tổ chức CFA khoảng 300USD, chưa kể các khoản phí khác cũng xấp xỉ số tiền trên. Do đó, người học CFA phải có mục tiêu rõ ràng thì việc học mới hiệu quả và không lãng phí. Đặc biệt, các bạn nên lập thành nhóm học để dễ trao đổi, chia sẻ thông tin do tài liệu học CFA rất nhiều và rất dài.

Tuy nhiên, nếu để làm việc thì chỉ cần thi qua cấp độ 1 là đã có thể áp dụng vào công việc thực tế rất tốt”. Một vài học viên khác cũng đưa ra giải pháp: “Nếu không có kinh phí, bạn có thể tự học bằng cách liên hệ với Tổ chức CFA qua website: http://www.cfainstitute.org/cipm/enrollment.htm để họ gửi giáo trình cho mình, kết hợp với công việc thực tế và học hỏi thêm các chuyên gia trong lĩnh vực này; hoặc tìm hiểu về CFA qua các trang web: CFA Institute: http://www.cfainstitute.org, FTMS Global: http://www.ftmsglobal.com, CFA Online - self preparation: http://www.analystnotes.com, Sydney Society: http://www.securestore.cfas.org.au, Melbourne Society: http://www.membersocieties.org/melbourne/cfa”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hái sao trên trời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO