Thái Lan sẽ ban hành quy định siết chặt quản lý tiền mã hoá

P.V| 04/02/2022 07:30

Người bị phát hiện vi phạm quy định, dù là mua hay bán, sẽ bị phạt 300.000 Baht (9.000 USD), cộng với 10.000 Baht cho mỗi ngày mà họ tiếp tục vi phạm quy định.

Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) cho biết đang soạn thảo quy định để ngăn Bitcoin và các loại tiền mã hoá khác được sử dụng trong thanh toán. Theo BoT, sự biến động của các đồng tiền mã hoá sẽ gây ra rủi ro và tổn thất cho cả người mua và bán.

Cụ thể, tiền mã hoá tại xứ sở Chùa Vàng sẽ không được sử dụng trong thanh toán mà chỉ được giao dịch dưới dạng tài sản trên các nền tảng được cấp phép. Dự kiến, quy định mới sẽ được thực thi vào nửa cuối tháng 2/2022, sau khi kết thúc phiên điều trần công khai diễn ra vào đầu tuần tới.

Động thái của BoT được cho là sẽ hạn chế sự bùng nổ của thị trường tiền mã hoá tại thị trường này, trong bối cảnh giá Bitcoin sụt giảm mạnh.

Một quán ăn ở Nakhon Ratchasima, Thái Lan có quầy quảng cáo và cập nhật diễn biến giá Bitcoin. Ảnh: Reuters

Một quán ăn ở Nakhon Ratchasima, Thái Lan có quầy quảng cáo và cập nhật diễn biến giá Bitcoin. Ảnh: Reuters

Tháng 12 năm ngoái, BoT đã cảnh báo các ngân hàng thương mại không nên trực tiếp tham gia vào giao dịch tài sản kỹ thuật số vì rủi ro biến động giá cao. Tuy nhiên, BoT và Ủy ban Giao dịch Chứng khoán (SEC) cho phép mua bán và trao đổi tiền mã hoá trên các nền tảng giao dịch đã được SEC cấp phép.

Có 8 nền tảng có giấy phép của SEC, trong đó có Bitkub - nền tảng lớn nhất tại Thái Lan. Ngân hàng Thương mại Siam (SCB) - ngân hàng cho vay lâu đời nhất của Thái Lan, đã đầu tư 17,85 tỷ Baht để mua 51% cổ phần kiểm soát nền tảng này vào tháng 11/2021.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội tài sản kỹ thuật số Thái Lan Nares Laopannarai, thông tin mới nhất từ BoT đã khiến các công ty lớn chịu áp lực, gồm cả những công ty đã công bố các khoản đầu tư lớn vào việc đào tiền mã hoá, nhất là vào thời điểm giá Bitcoin giảm mạnh.

Theo Laopannarai, một số công ty vừa thông báo họ chấp nhận thanh toán bằng tiền mã hoá, như hãng bán lẻ The Mall Group, cùng các nhà phát triển bất động sản như Sansiri và Ananda, có thể ứng phó với quy định mới ngay, với tác động tối thiểu. Tuy nhiên, các công ty lớn đã đầu tư vào khai thác Bitcoin sẽ gặp nhiều vấn đề hơn.

"Chúng ta không thể tránh được động thái của BoT vì ngân hàng trung ương có nhiệm vụ điều tiết nhằm giảm rủi ro và duy trì sự ổn định tài chính đất nước", Terdsak Thaweethiratham - nhà phân tích tại Asia Plus Securities, nhận xét.

Cũng theo ông, những gián đoạn sắp tới trong ứng dụng blockchain và Bitcoin do đó cũng khó tránh khỏi. Song, ông Thaweethiratham hy vọng các quy định mới có khả năng linh hoạt và công bằng cho tất cả người tham gia trên thị trường.

Các thành viên khác thuộc ASEAN, như Brunei, Indonesia và Malaysia, cũng đã công bố quy định quản lý tiền mã hoá tương tự trong những năm gần đây. Ngay cả tại một số nơi mà Bitcoin khá phổ biến, như Singapore và Việt Nam, các ngân hàng trung ương cũng không cho phép thanh toán bằng tiền mã hoá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thái Lan sẽ ban hành quy định siết chặt quản lý tiền mã hoá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO