Thị trường bánh, mứt, kẹo Tết: Hàng Việt áp đảo

HỒNG NGA| 27/12/2013 09:15

Thị trường bánh kẹo, mứt Tết hứa hẹn một mùa bội thu cho nhà sản xuất trong nước khi chiếm hầu hết thị phần là sản phẩm made in Vietnam.

Thị trường bánh, mứt, kẹo Tết: Hàng Việt áp đảo

Thị trường bánh kẹo, mứt Tết hứa hẹn một mùa bội thu cho nhà sản xuất trong nước khi chiếm hầu hết thị phần là sản phẩm made in Vietnam.

Đọc E-paper

Trái cây sấy thuần Việt

Lâu nay, các loại mứt Tết, trái cây sấy khô là nỗi lo lắng của người tiêu dùng khi thị trường tràn ngập các sản phẩm Trung Quốc và hàng của các cơ sở thủ công kém chất lượng. Thế nhưng, năm nay tình hình đã được thay đổi khi các cơ sở sản xuất mứt có thương hiệu đầu tư mạnh cho sản xuất.

Bên cạnh những mặt hàng truyền thống, mùa Tết năm nay, thương hiệu mứt Thành Long đầu tư công nghệ mới với kinh phí hàng tỷ đồng, đồng thời nghiên cứu thành công 10 loại mứt mới, được Sở Y tế TP.HCM cấp phép với tên gọi "Trái cây sấy dẻo thuần Việt".

Cả 10 loại mứt này (gồm cóc bao tử, xoài, mít, vỏ bưởi, khổ qua, thơm, dâu, dừa, me và bắp bao tử), được sản xuất khép kín, theo công nghệ hiện đại thẩm thấu chân không. Đây là công nghệ lần đầu tiên được áp dụng trong việc sản xuất mứt tại Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy, phụ trách kinh doanh Cơ sở bánh mứt Thành Long, với công nghệ mới này, các loại mứt dẻo mới của Thành Long vẫn giữ được hương vị tự nhiên và độ ngọt vừa phải của trái cây. Điều đáng nói là 100% nguyên liệu để sản xuất mứt là từ trái cây trong nước, được chọn lọc rất kỹ từ các vùng miền.

Với công nghệ sản xuất mới, năm nay, Thành Long được các hệ thống siêu thị Co.opmart, Citimart, Big C đặt hàng với số lượng lớn. Chỉ riêng đơn hàng cho Big C trong mùa Tết này đạt gần 100 tấn mứt các loại, trong đó có 50.000 hộp mứt (mỗi hộp 300gr).

Trong khi đó, doanh nghiệp Trí Đức đưa ra thị trường 70 tấn mứt các loại thương hiệu Lạc Xuân, trong đó có nhiều sản phẩm mới như: mứt vỏ bưởi, mứt me chua cay... Năm nay, lượng khách hàng của Trí Đức cũng nhiều hơn và mở rộng ra nhiều tỉnh thành của cả nước.

Ngoài thị trường nội địa, Trí Đức còn xuất khẩu các loại mứt bí, mứt hạt sen, mứt củ năng, mứt dừa... sang Mỹ, Úc, Đài Loan với số lượng 10 tấn/lần. Bà Hoàng Thị Tâm Ái, Giám đốc Công ty Trí Đức, cho biết, năm nay, người tiêu dùng đã quan tâm hơn đến các sản phẩm mứt có thương hiệu trong nước. Vì thế, mứt nhập từ Trung Quốc sẽ ít có cửa cạnh tranh.

Theo các nhà kinh doanh, với sự tham gia của hai thương hiệu mứt Thành Long và Lạc Xuân, thị trường mứt Tết năm nay đang áp đảo các sản phẩm ngoại nhập từ Trung Quốc. Tại các hệ thống siêu thị trong cả nước, gần như mứt của hai thương hiệu này bao phủ. Đặc biệt, 10 loại "trái cây sấy thuần Việt" của Thành Long đang dần đánh bật mứt sấy Trung Quốc.

Bánh Việt bán chạy

Trong khi mứt nội đang có lợi thế trước hàng ngoại thì bánh kẹo Việt cũng đang loại bánh kẹo nhập khẩu ra khỏi thị trường. Hai thương hiệu bánh kẹo đứng đầu Việt Nam là Kinh Đô và Bibica năm nay đều tăng sản lượng sản xuất.

Trong đó, Kinh Đô đưa ra thị trường 4.500 tấn bánh kẹo các loại, tăng 20%; Bibica đưa ra thị trường 1.250 tấn bánh kẹo các loại, tăng 10% so với năm 2012. Đặc biệt, cả hai thương hiệu này đều tăng gấp đôi sản lượng bánh cao cấp, cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm ngoại nhập cùng phân khúc.

Điều đáng nói hơn là đến nay, sức mua các mặt hàng bánh kẹo thương hiệu Việt đang tăng lên mạnh mẽ và đạt khoảng 40 - 50% so với trước. Bà Ngô Thị Phương Thảo, Giám đốc Đối ngoại Công ty CP Bibica, cho biết: "Hiện nay, các điểm bán sỉ, lẻ của Bibica đã bắt đầu bán chạy hàng. Sức tiêu thụ tại kênh bán sỉ tăng 10%, nhóm khách hàng cơ quan, xí nghiệp cũng đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thống kê của Tổng Cục hải quan, lượng bánh kẹo ngoại nhập giảm đáng kể. Tính đến tháng 10/2013, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng bánh kẹo, ngũ cốc đạt 185,6 triệu USD, giảm 24,79% so với cùng kỳ năm 2012. Sản phẩm nhập về Việt Nam chủ yếu từ các nước Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Mỹ.

Theo dự báo, tư từ cuối tháng 12 trở đi, sức mua sẽ bắt đầu tăng mạnh và Bibica cũng sẽ đạt được kế hoạch với mức tăng 10% so với năm ngoái. Cũng như Bibica, sức mua các loại bánh kẹo thương hiệu Phạm Nguyên đang tăng mạnh trong khoảng thời gian hai tuần nay.

"Hiện lượng đặt hàng từ nhà phân phối đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Và dĩ nhiên, bán hàng tốt thì nhà phân phối mới tăng số lượng đặt hàng", ông Lưu Huỳnh, Trưởng phòng Marketing Công ty bánh kẹo Phạm Nguyên, phân tích.

Ông Nguyễn Xuân Luân, Phó tổng giám đốc Công ty Kinh Đô cũng cho rằng, mùa Tết năm nay, thị trường đang nghiêng về phía doanh nghiệp trong nước. Vì người tiêu dùng hiện nay đã biết rất rõ thực chất bánh kẹo ngoại như thế nào nên chuyển sang dùng bánh kẹo trong nước.

Hơn nữa, các doanh nghiệp bánh kẹo trong nước cũng đã đầu tư bài bản nên chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm được chăm chút hơn. Ngoài những yếu tố trên, các nhà kinh doanh cho rằng, người tiêu dùng Việt đã mạnh dạn hơn trong việc tiêu thụ hàng nội, cẩn thận với các mặt hàng ngoại không rõ xuất xứ.

Đồng thời, xu hướng "giảm lượng, tăng chất" và cân nhắc chi tiêu hợp lý trong hành vi tiêu dùng của người Việt đang dần dần được nâng cao. Điều này là một thuận lợi lớn cho các thương hiệu Việt khẳng định chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường bánh, mứt, kẹo Tết: Hàng Việt áp đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO