Những chiếc đầu tàu của nền kinh tế?

23/11/2010 07:08

Các tập đoàn, TCT nhà nước là những chiếc đầu tàu của nền kinh tế, nhưng nền kinh tế có thể đi lên không chỉ trên những đường ray định sẵn.

Những chiếc đầu tàu của nền kinh tế?

Tập đoàn kinh tế và DNNN: những người khổng lồ yếu ớt

Chính các tập đoàn kinh tế (TĐKT) và tổng công ty (TCT) nhà nước tạo nên sức mạnh kinh tế của quốc gia. Sự lớn mạnh của TĐKT góp phần vào thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia thông qua các hiệu ứng và tác động lan tỏa, thúc đẩy tiến bộ công nghệ, tạo nhiều việc làm mới.

Ngược lại, sự đổ vỡ của TĐKT, nhất là những tập đoàn mạnh có thể gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Nhìn vào Danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500), có thể thấy các TĐKT và TCT nhà nước đang chiếm những vị trí dẫn đầu, chứng tỏ đó là những tổ chức kinh tế thực sự lớn về quy mô. Trong bảng xếp hạng (BXH) VNR 500 năm 2009, 100% số các TĐKT cùng với 60% số các TCT hiện tại đã góp mặt, với tỷ trọng về doanh thu chiếm tới 41.85% trong toàn bảng so với 15.31% trong năm 2006.

Hình 1: Tỷ trọng Doanh thu của các TĐKT và TCT có mặt trong BXH VNR500

Nguồn: Dữ liệu các BXH VNR500, Vietnam Report

Tuy nhiên, có thể nói, TĐKT đang giống những chiếc xe buýt tuy to nhưng không hề khỏe. Thống kê từ BXH VNR500 cũng cho thấy, các chỉ tiêu về hiệu quả kinh doanh của các TĐKT và TCT Nhà nước không có chênh lệch lớn với khối doanh nghiệp thuộc thành phần sở hữu tư nhân và thua xa các doanh nghiệp thuộc khối FDI.

Chỉ tiêu ROA và ROE của 8 TĐKT và 54 TCT Nhà nước có mặt trong BXH 2009 lần lượt chỉ là 6,3% và 6,2%. Trong khi đó, các con số tương ứng của khối FDI 14% và 28%. Điều đó cho thấy, nếu xét riêng về hiệu quả kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước và tập đoàn kinh tế đang thua kém từ 2 đến 3 lần so với các doanh nghiệp FDI. Đó là chưa kể, đóng góp vào GDP của khối kinh tế Nhà nước trong 4 năm gần đây giảm so với trước, chỉ còn khoảng 35% so với khoảng 46% của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước. (1)

Bảng 1: Một số chỉ tiêu hiệu quả của các TĐKT và TCT so với khối FDI và ngoài NN

ROA

ROE

TĐKT

TCT

FDI

TĐKT

TCT

FDI

2006

0,14

0,08

0,27

0,27

0,31

0,62

2007

0,05

0,05

0,15

0,09

0,19

0,31

2008

0,06

0,06

0,14

0,12

0,20

0,28


Nguồn: Dữ liệu các BXH VNR500, Vietnam Report

ROA - Đây là một chỉ số thể hiện tương quan giữa mức sinh lợi của một công ty so với tài sản của nó. ROA sẽ cho ta biết hiệu quả của công ty trong việc sử dụng tài sản để kiếm lời. ROA được tính bằng cách chia thu nhập hàng năm cho tổng tài sản, thể hiện bằng con số phần trăm. Công thức tính như sau:

Thu nhập ròng/tổng tài sản

Hệ số thu nhập trên vốn cổ phần (ROE) phản ánh mức thu nhập ròng trên vốn cổ phần của cổ đông (hay trên giá trị tài sản ròng hữu hình).

ROE= Lợi nhuận ròng / Vốn cổ phần

Trị giá ROE được tính bằng cách lấy lợi nhuận ròng theo niên độ kế toán sau khi đã trả cổ tức cho cổ phần ưu đãi nhưng trước khi trả cổ tức cho cổ phần thường, chia cho toàn bộ vốn chủ sở hữu (hay vốn cổ phần) vào lúc đầu niên độ kế toán. Chỉ số này là thước đo chính xác nhất để đánh giá một đồng vốn bỏ ra và tích lũy được tạo ra bao nhiêu đồng lời. Hệ số này thường được các nhà đầu tư phân tích để so sánh với các cổ phiếu cùng ngành trên thị trường, từ đó tham khảo khi quyết định mua cổ phiếu của công ty nào.

Có ý kiến cho rằng các tập đoàn, TCT nhà nước hút quá nhiều nguồn lực của xã hội nhưng sử dụng lại không hiệu quả, tạo môi trường cạnh tranh không công bằng, minh bạch, ảnh hưởng không tốt tới phát triển kinh tế đất nước.(2) Đồng thời, cũng có thể lập luận thêm rằng ngay cả khi những tập đoàn và TCT có lãi thì chủ yếu nhờ vào sự bảo hộ của Chính phủ, nhờ vào vị thế độc quyền trên thị trường nội địa, hay hàng rào thuế quan cao, và/hoặc được Chính phủ trợ cấp bằng vốn, đất đai, tài nguyên thiên nhiên rẻ, hay được ban phát các hợp đồng béo bở.

Lại có ý kiến cho rằng khu vực nhà nước ở Việt Nam hiện chiếm hữu rất nhiều nguồn lực nhưng sử dụng chúng một cách kém hiệu quả, đóng góp rất khiêm tốn cho ngân sách, tăng trưởng GDP, tạo việc làm mới, phát triển công nghiệp, và xuất khẩu, bởi vậy cần từ bỏ quan điểm chọn trước một khu vực nào đó là “xương sống” hay “chủ đạo”, bất chấp kết quả hoạt động của khu vực này.(3)

Vai trò quan trọng của các tập đoàn, TCT nhà nước

Dù nói gì thì nói, các tập đoàn, TCT nhà nước vẫn giữ vai trò không thể thiếu được trong nền kinh tế Việt Nam. Việc xây dựng và phát triển các tập đoàn, TCT nhà nước vừa đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế quốc gia, vừa phù hợp với xu thế của kinh tế thế giới, đồng thời cho phép khai thác được những lợi thế so sánh của quốc gia và là hệ quả tất yếu của tăng trưởng. Hình thành và phát triển các TĐKT cho phép huy động một nguồn lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

Với quy mô lớn, trình độ quản lý hiện đại, các TĐKT phát huy được lợi thế về quy mô, thống nhất phương hướng phát triển, tiết kiệm chi phí trên một đơn vị sản phẩm, phát huy được thương hiệu chung của cả tập đoàn, qua đó làm tăng sức mạnh chung của cả tập đoàn cũng như mỗi công ty thành viên. Ngoài ra, việc khai thác lợi thế so sánh trong nước để thúc đẩy phát triển, các TĐKT còn chống lại sự thâm nhập ồ ạt của các tập đoàn nước ngoài trong bối cảnh toàn cầu hóa và khu vực hóa nền kinh tế thế giới.

Đối với các nước đang phát triển, các nước đang tiến hành công nghiệp hóa như Việt Nam, TĐKT có vai trò quan trọng trong chiến lược bảo vệ sản xuất trong nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và những cam kết tự do thương mại, hình thành các TĐKT lớn là giải pháp quan trọng để bảo vệ sản xuất trong nước khi mà các doanh nghiệp nhỏ không đủ sức cạnh tranh với các TĐKT lớn nước ngoài. Ở một số quốc gia, sự hỗ trợ của Nhà nước cùng với chiến lược phát triển đúng đắn đã hình thành những TĐKT mạnh và từng bước chiếm lĩnh thị trường quốc tế, các chaebol của Hàn Quốc là một ví dụ.

Các tập đoàn, TCT nhà nước là những chiếc đầu tàu của nền kinh tế, nhưng nền kinh tế có thể đi lên không chỉ trên những đường ray định sẵn.

Cần phải làm gì?

Vấn đề đặt ra là nhận thức rõ ràng sức mạnh và vai trò của các TĐKT và TCT nhà nước, từ đó có những chủ trương, quyết sách, hành động đúng đắn.

Thứ nhất, vấn đề cốt lõi lớn nhất hiện nay đó chính là việc phân biệt vai trò của nhà nước trong nền kinh tế với vai trò và vị trí của các doanh nghiệp nhà nước - đặc biệt là vị trí của các tập đoàn, TCT trong nền kinh tế. Kinh doanh và quản lý nhà nước là hai vấn đề không nên trùng lặp nhau bởi quản lý nhà nước là để điều hành, chi phối nền kinh tế - khác với trực tiếp sản xuất kinh doanh. Do chưa có sự tách biệt rõ ràng nên các tập đoàn, TCT vừa thực hiện chức năng kinh doanh vừa thực hiện một số chức năng như cơ quan quản lý nhà nước, vừa phải lo đạt chỉ tiêu kinh doanh, vừa phải lo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội.

Nếu không giải quyết vấn đề từ gốc, không có một khung khổ pháp lý thì sẽ tiếp tục vướng mắc trong khi tìm giải pháp xử lý. Rõ ràng cần có Luật về đầu tư công (hay Luật sử dụng vốn và tài sản nhà nước) không chỉ đề cập đầu tư bằng vốn của ngân sách nhà nước vào các dự án, công trình mà điều chỉnh cả đầu tư vào các doanh nghiệp.

Thứ hai, cần xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc trong các TĐKT và TCT nhà nước đối với vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, vừa đảm bảo quyền chủ động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vừa bảo toàn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước.

Trong các doanh nghiệp nhà nước có 2 yếu tố quan trọng chi phối là: sở hữu và quản trị. Vốn và tài sản của doanh nghiệp có nguồn gốc từ đâu không quyết định được hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp mà phụ thuộc vào yếu tố quản trị doanh nghiệp, vào quản trị công ty (corporate govenance) và điều hành sản xuất kinh doanh. Quản trị hạn chế sẽ dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn và hoạt động thấp. Vấn đề quan trọng đặt ra trong thời gian tới là quản trị doanh nghiệp bao gồm việc thiết kế lại quy chế về quản trị doanh nghiệp, xác định rõ nội dung giám sát của nhà nước, làm rõ vai trò quản lý nhà nước và vai trò chủ sở hữu, làm rõ vai trò chủ sở hữu với quyền quyết định kinh doanh...

Quan điểm chỉ đạo tách quản lý hành chính nhà nước với chủ sở hữu vốn tại các doanh nghiệp nhà nước đã được đề cập từ Đại hội IX và Nghị quyết Đại hội X; đồng thời Luật Doanh nghiệp năm 2005 cũng quy định tách biệt 2 chức năng này. Vấn đề là thực hiện và cụ thể hóa nó như thế nào vẫn còn hạn chế.

Trong Nghị quyết của Quốc hội sau khi giám sát các tập đoàn, TCT đã kiến nghị 6 nội dung. Báo cáo về vấn đề này cũng đã phân tích rõ các hạn chế yếu kém và thể hiện những lỗ hổng mang tính hệ thống, ở toàn bộ các doanh nghiệp nhà nước nói chung và các tập đoàn, TCT nói riêng; từ đó đặt ra những khuyến nghị liên quan đến vấn đề luật pháp, chính sách, quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, kiểm tra giám sát hay đưa ra tái cơ cấu doanh nghiệp...

Thứ ba, bên cạnh việc đổi mới các quy định về quản lý tài chính và chế độ kiểm tra, giám sát hoạt động của các TĐKT, TCT nhà nước, cần tạo ra một môi trường cạnh tranh công khai và bình đẳng, giúp cho khu vực dân doanh ngày một trưởng thành tương xứng với tiềm tăng và những đóng góp của khu vực này cho nền kinh tế quốc dân. Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển mạnh các loại hình kinh tế ngoài nhà nước, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đưa thành phần kinh tế này trở thành động lực phát triển quan trọng của đất nước trong thời gian tới.

Các tập đoàn, TCT nhà nước là những chiếc đầu tàu của nền kinh tế, nhưng nền kinh tế có thể đi lên không chỉ trên những đường ray định sẵn.

PHẠM TRÍ HÙNG
VNR Research Division

(1) Theo báo cáo tóm tắt kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, TCT nhà nước” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì trong năm 2008, 56/91 tập đoàn, TCT nhà nước có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) dưới 15%, tức là thậm chí còn thấp hơn mặt bằng lãi suất trong năm 2008 (là năm có chỉ số CPI trung bình lên tới 20%). Điều này có nghĩa là nếu áp dụng các phương pháp kế toán đúng đắn thì hầu hết các tập đoàn và TCT nhà nước đều thua lỗ.
(2) Xem: Cao Nhật, Có lỗ hổng hệ thống trong quản trị DNNN, Diễn đàn kinh tế VNR500, 27/10/2010, 06:00 (GMT+7)
(3) Xem: Vũ Thành Tự Anh, Doanh nghiệp nhà nước không đủ năng lực đóng vai trò chủ đạo, TBKTSG Online, 21/10/2010, 11:10 (GMT+7)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những chiếc đầu tàu của nền kinh tế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO