Lưu ý khi làm ăn với một EU biến động

TRẦN THANH HẢI - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương| 06/04/2017 06:46

Bên cạnh những cơ hội, các doanh nghiệp làm ăn với EU cần quan tâm đến những cam kết cụ thể của Việt Nam về thuế xuất khẩu trong EVFTA.

Lưu ý khi làm ăn với một EU biến động

Với lộ trình cắt giảm thuế nhanh và tương đối toàn diện kể từ năm 2018, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ tạo thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng quan hệ thương mại Việt Nam - EU sẽ ra sao trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với rất nhiều thách thức chưa có tiền lệ, như khủng bố, nhập cư, bảo hộ, bất bình đẳng trong kinh tế và xã hội?  

Đọc E-paper

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung Eurozone trong 2 năm tới do những bất ổn xuất phát từ Brexit. Mức dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối Eurozone cho năm 2017 giảm còn 1,4% thay vì mức 1,7% đưa ra trong lần dự báo trước.

Theo IMF, việc kinh tế toàn cầu tiếp tục giảm tốc có thể làm chệch hướng sự phục hồi tăng trưởng dựa trên nhu cầu nội địa của Eurozone. Cạnh đó, ảnh hưởng lan tỏa của Brexit, làn sóng di cư, những mối lo an ninh gia tăng và sự suy yếu của hệ thống ngân hàng ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế EU.

Hiện tại, Anh chưa chính thức khởi động đàm phán với EU, trong khi quá trình đàm phán dự kiến ít nhất 2 năm, vì vậy mọi chính sách của EU vẫn còn giá trị với Anh. Đồng bảng mất giá không có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam, nhưng kịch bản nước Anh tăng thuế nhập khẩu khi chính thức rời EU có thể xảy ra làm cho giá hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng nhập khẩu từ Việt Nam đắt đỏ hơn.

EU khẳng định trước khi hoàn tất mọi thủ tục rút khỏi EU, Anh vẫn là thành viên của EU và phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với các hiệp định mà EU tham gia, trong đó có EVFTA. Dù Anh có là thành viên EU hay không thì EU vẫn sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ các thủ tục để EVFTA có hiệu lực. Hiện EU và Việt Nam đã thống nhất tiếp tục nỗ lực để EVFTA có hiệu lực vào năm 2018 như dự kiến.

Chiếm 97,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Âu năm 2016, EU là khu vực quan trọng nhất trong quan hệ thương mại Việt Nam - châu Âu. Năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và EU đạt 45,1 tỷ USD, tăng 8,93%. Xuất khẩu từ Việt Nam đạt 34 tỷ USD, tăng 9,8% trong khi nhập khẩu vào Việt Nam là 11,1 tỷ USD, tăng 6,1% so với năm 2015.

Việt Nam đang chiếm dần thị phần thương mại với Liên minh Châu Âu từ các quốc gia Đông Nam Á khác. Năm 2015, Việt Nam chiếm 19,1% trong tổng giá trị thương mại 201,4 tỷ euro giữa EU và các nước thành viên ASEAN. Con số này tăng từ 15,8% trong năm 2014, theo phái đoàn EU tại Singapore. Xu hướng này có thể tiếp tục được duy trì sau khi EVFTA có hiệu lực.

>>EVFTA - cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu vào EU

EVFTA có lộ trình cắt giảm thuế nhanh và tương đối toàn diện, Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu với gần 100% số dòng thuế và kim ngạch xuất khẩu cho hàng hóa của 2 bên với lộ trình tối đa là 7 năm từ phía EU và 10 năm từ phía Việt Nam. Nhưng bên cạnh những cơ hội, các doanh nghiệp làm ăn với EU cần quan tâm đến những cam kết cụ thể của Việt Nam về thuế xuất khẩu trong EVFTA.

Đã có 57 dòng thuế được Việt Nam cam kết bảo lưu quyền áp dụng thuế xuất khẩu, tập trung vào lĩnh vực khoáng sản, gồm cát, đá phiến, đá granit, một số quặng và tinh quặng, dầu thô, than đá, vàng. Theo đó, các dòng thuế có mức thuế xuất khẩu hiện hành sẽ được đưa về mức 20%, trong khi các sản phẩm còn lại duy trì mức thuế tối huệ quốc (Most Favoured Nation - MFN) hiện hành. Với các sản phẩm khác, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế xuất khẩu theo lộ trình tối đa là 15 năm.

Làm ăn với một EU đầy biến động, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này tới đây không hoàn toàn thuận lợi, do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần biết việc EU đã bổ sung một loạt quy định về nhập khẩu nông lâm thủy sản trên nền tảng Quy định 2016/759, Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) và Chính sách Nông nghiệp chung châu Âu (CAP).

Cạnh đó, EU cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ đối với hàng nhập khẩu vào EU, đặc biệt là với nông sản, thép nhập khẩu từ châu Á, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, để tránh bị điều tra hoặc áp dụng các hình thức phòng vệ thương mại khi xuất hàng vào EU, các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm về chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lưu ý khi làm ăn với một EU biến động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO