Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam

07/10/2010 08:18

Trong nhiều năm qua Hàn Quốc luôn là đối tác lớn thứ tư của Việt Nam sau Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam

Trong nhiều năm qua Hàn Quốc luôn là đối tác lớn thứ tư của Việt Nam sau Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

Nhóm hàng dệt may được hưởng lợi tương đối lớn từ các cam kết trong AKFTA với mức thuế trung bình đối với hàng dệt được giảm từ 8% xuống 0%, mức thuế trung bình đối với hàng may được giảm từ 13% xuống 0%.

Ngày 4/10, hội thảo "Nâng cao hiệu quả sử dụng FTA ASEAN - Hàn Quốc cho hàng hoá các nước ASEAN và Việt Nam" do Cục Xúc tiến thương mại và Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc, Hiệp hội ngoại thương Hàn Quốc, Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc đã được tổ chức tại Hà Nội.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, 6 tháng đầu năm 2010, trong tổng số 1,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc có tới 70% giá trị là được hưởng ưu đãi thuế quan về giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc thiết lập Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), bao gồm: Hiệp định thương mại hàng hoá có hiệu lực từ 6/2007, Hiệp định thương mại dịch vụ có hiệu lực từ 1/5/2009, Hiệp định về đầu tư có hiệu lực từ 1/9/2009, giá trị các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc được hưởng C/O ưu đãi về thuế quan ngày càng lớn. Việt Nam cũng là nước trong khối Hiệp định AKFTA có hệ số sử dụng C/O ưu đãi cao nhất khi xuất khẩu hàng hóa vào Hàn Quốc.

Số liệu thống kê của Vụ Thị trường Châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho thấy, trong nhiều năm qua và tính đến ngày 31/7/2010, Hàn Quốc luôn là đối tác lớn thứ 4 của Việt Nam sau Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

Trong số nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hàn Quốc, các ngành hàng thuỷ sản, dệt may, dầu thô là những mặt hàng phát triển mạnh nhất.

Ngành hàng thuỷ sản trong giai đoạn 2006 - 2009 đóng góp 102 triệu USD trong tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, tương đương khoảng 8,4%. Đặc biệt là ngành dệt may được hưởng lợi tương đối lớn từ các cam kết trong AKFTA với mức thuế trung bình đối với hàng dệt được giảm từ 8% xuống 0%, mức thuế trung bình đối với hàng may được giảm từ 13% xuống 0%.

Chính vì thế, trong giai đoạn từ 2002 – 2005, thời điểm trước khi AKFTA được thành lập và có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Hàn Quốc liên tục giảm nhưng sau đó tốc độ kim ngạch của mặt hàng này đã liên tục tăng mạnh.

Mặc dù, Hiệp định AKFTA đã và mang lại những cơ hội, thuận tiện lớn cho cả hàng hóa của Việt Nam và Hàn Quốc, tuy nhiên, ông Lee Yun Yong, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách FTA, Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc cho rằng, trong việc áp dụng FTA ASEAN - Hàn Quốc, đối tác các bên vẫn còn gặp không ít những khó khăn như, thiếu thông tin về thời hạn hiệu lực, mức thuế ưu đãi, qui tắc xuất xứ và phát hành chứng nhận xuất xứ, tốn chi phí thời gian thực hiện các qui trình thủ tục, thiếu thông tin về luật hải quan ở các nước đối tác…

Theo Vụ Thị trường Châu Á – Thái Bình Dương, để tăng cường hơn nữa lợi ích từ tác động của Hiệp định thương mại tự do AKFTA tới xuất khẩu của Việt Nam, tận dụng được những ưu đãi từ AKFTA thì, các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng cần phối hợp đẩy mạnh hơn trong công tác tuyên truyền phổ biến về các cam kết, quyết định xuất xứ…giúp doanh nghiệp tận dụng ưu đãi.

Ngoài ra, các bên cần tiếp tục nỗ lực đàm phán các cam kết mở cửa thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu, tăng cường hợp tác xây dựng cơ chế thuận lợi hoá thương mại, đẩy mạnh xúc tiến thương mại.

Với các doanh nghiệp trong nước cần phải chủ động, tích cực nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, các ưu đãi, quyết định cụ thể để khai thác ưu đãi, tăng cường liên kết ASEAN cùng tận dụng những ưu đãi đó. “Đồng thời, việc tăng cường thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch đối với nông sản để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào Hàn Quốc là một trong những giải pháp hàng đầu”, Vụ này khuyến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO