Du lịch: Cửa lớn cho những dự án nhỏ

BÍCH HỒNG| 11/07/2013 06:36

Trong khi những dự án du lịch quy mô "khủng" đang đắp chiếu thì những dự án có quy mô trên dưới 10 tỷ đồng, thậm chí ít hơn, lại làm thị trường du lịch ở khu vực miền Trung thêm sôi động.

Du lịch: Cửa lớn cho những dự án nhỏ

Trong khi những dự án du lịch quy mô "khủng" đang đắp chiếu thì những dự án có quy mô trên dưới 10 tỷ đồng, thậm chí ít hơn, lại làm thị trường du lịch ở khu vực miền Trung thêm sôi động.

Đọc E-paper

Khi thực hiện xúc tiến đầu tư, chính quyền các tỉnh - thành thường quan tâm dự án thu hút vốn đầu tư quy mô lớn, nên ban hành nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt. Chính sách đó đã tạo ra những con đường resort 4-5 sao ở ven biển Huế, Đà nẵng, Hội An, Nha Trang, Bình Thuận hay những trung tâm du lịch hiện đại như Bà Nà Hills hút hàng trăm triệu USD đầu tư.

Nhưng nay dự án bất động sản, du lịch quy mô "khủng" đang đắp chiếu chờ vốn hoặc chờ người mua lại, các công ty thương mại phải lập thêm phòng ban đòi nợ, hiện trạng đó có thể làm chùn tay các nhà đầu tư mới. Nhưng trong muôn vàn khó khăn, một dòng tiền đang len lỏi chảy vào các dự án có quy mô nhỏ, trên dưới 10 tỷ đồng, thậm chí ít hơn, nhưng làm sôi động thị trường du lịch đúng với nghĩa "buôn có bạn, bán có phường" ở một số trung tâm du lịch khu vực miền Trung.

Chính quyền các địa phương đã có con mắt nhìn khác khi quay ra khuyến khích đầu tư du lịch quy mô nhỏ từ hiện tượng thành công ở quanh khu vực Di sản Văn hóa Hội An và Mỹ Sơn.

Hàng trăm dự án nhỏ có qui mô trên dưới 10 tỷ đồng đang khai phá những vùng đất nông thôn ngoại vi Hội An, tạo ra những điểm du lịch thứ cấp hấp dẫn kéo du khách ở lại dài ngày và chi tiêu nhiều trong tour Con đường Di sản miền Trung.

Dự án Làng lụa Hội An của Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam với diện tích đất khoảng 2 hecta, nằm ngay cửa ngõ Hội An , được đầu tư khoảng 25 tỷ đồng vào giữa năm 2012, trở thành một mô hình làng nghề chuyên về tơ lụa, vừa sản xuất, vừa bán tour tham quan, mua sắm, may đo thời trang và ẩm thực.

Bà Chi Mai, phó giám đốc dự án, phân tích: "Với số vốn đầu tư như vậy, chúng tôi không bị áp lực lãi vay ngân hàng. Quy mô dự án cho phép quản lý theo mô hình gia đình, linh hoạt nhân sự. Lúc có khách đoàn lớn có thể liên kết dịch vụ với các nhà hàng khác, lúc vắng khách không bị áp lực lớn vì trả lương nhân viên. Quy mô nhỏ như vậy cho phép Công ty vượt qua được giai đoạn khó khăn lúc ban đầu khi chưa được quảng bá rộng rãi là điểm đến mới".

Giữa tháng 6, một dự án trạm dừng chân mang tên "Không gian Việt" của Công ty Vina House khai trương mô hình điểm dừng nghỉ ngơi tham quan bảo tàng, làng nghề, chợ quê, ẩm thực cho du khách ở địa điểm cách Hội An khoảng 10 km.

Mô hình này có diện tích đất khoảng 1 hecta, cung cấp một điểm du lịch thứ cấp bên cạnh điểm chính là phố cổ Hội An và Mỹ Sơn, được các công ty lữ hành chú ý chọn làm điểm đưa khách đến vì chất lượng dịch vụ tốt, mức giá rẻ.

Hàng loạt các làng nghề tương tự đã ra đời với sự tham gia của các công ty nhỏ, hộ tư nhân đầu tư khoảng 2-4 tỷ đồng mở dịch vụ hút khách tham quan, giải trí, tìm hiểu truyền thống văn hóa, đời sống dân bản địa.

Tại Đà Nẵng, thương hiệu ẩm thực Trần là một chuỗi nhà hàng chuyên khai thác ẩm thực Quảng Nam đầu tư từ nguồn vốn không quá lớn lúc đầu. Với những diện tích đất không quá rộng, xây dựng không cầu kỳ, Công ty TNHH Ẩm thực Trần nhanh chóng mở rộng những nhà hàng mới nhờ khách du lịch ưa thích món ăn địa phương.

Các điểm du lịch thứ cấp không chỉ góp phần gia tăng nguồn vốn đầu tư mà còn cho phép kéo dãn dòng du khách ra khỏi các điểm đến chính đang quá tải. Quan trọng hơn, quá trình này tạo điều kiện cho đông đảo cộng đồng cư dân địa phương hưởng lợi trực tiếp từ du lịch, mang lại sự phát triển du lịch bền vững.

Một cuộc khảo sát các vùng quanh các Di sản Văn hóa Quảng Nam do Đại học Kinh tế Đà Nẵng thực hiện, cho thấy, có rất nhiều vùng đầy tiềm năng phát triển du lịch thứ cấp bên cạnh điểm đến chính là các Di sản Văn hóa của miền Trung. Hầu hết những vùng quanh Hội An, Mỹ Sơn, vùng ngoại vi đầm phá Thừa Thiên - Huế có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tập trung các làng nghề cổ xưa nổi tiếng đang chờ đầu tư khai thác du lịch.

Trong lúc các nhà đầu tư đến từ TP.HCM do không thông thạo thực tế, ba năm qua đã tập trung sự quan tâm vào các dự án xây khách sạn gần phố cổ, đòi hỏi nguồn vốn khoảng vài triệu USD và không được các chính sách ưu đãi khuyến khích của tỉnh, phải đối đầu với các quy định ngặt nghèo về bảo vệ di sản, thì những DN địa phương năng nổ hơn trong việc đưa dòng tiền vào khai phá những dịch vụ độc đáo, hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ DN về thuế và các thủ tục hành chính. Họ nhanh chóng thu hồi vốn nhờ cung cấp cho thị trường các sản phẩm, điểm đến mới.

Tuy nhiên đầu tư vào các điểm du lịch thứ cấp rất cần đến tính "buôn có bạn bán có phường", có sự liên kết giữa các mô hình dịch vụ tham quan, mua sắm, ẩm thực. Nhà đầu tư phải quan tâm đến qui hoạch giao thông của địa phương, bởi những vùng đất mới này đa số là thuộc khu vực nông thôn, dù gần quốc lộ 1A.

Nếu "cầm đèn chạy trước ô tô”, một mình một "cục vốn" đi vào nơi hoang sơ về dịch vụ du lịch, rất có thể nhà đầu tư phải chờ đợi khá lâu để có khách và thu hồi vốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Du lịch: Cửa lớn cho những dự án nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO