Đầu tư vào Myanmar: Lạc quan trong thận trọng

HANNAH BÙI| 19/09/2012 05:57

Hình ảnh hấp dẫn của Myanmar liên tục xuất hiện trên các báo đài quốc tế và đang là tâm điểm của giới đầu tư.

Đầu tư vào Myanmar: Lạc quan trong thận trọng

Hình ảnh hấp dẫn của Myanmar liên tục xuất hiện trên các báo đài quốc tế và đang là tâm điểm của giới đầu tư. Nhiều doanh nhân tìm cơ hội kinh doanh ở đây vì không ai muốn bỏ lỡ cơ hội ở “con hổ châu Á” tiềm năng này, đặc biệt khi Myanmar đã từng là nước giàu nhất châu Á những năm 1950. Có người đã ví sự “đổ xô” đến Myanmar hiện nay như một cơn lốc đào vàng ở California những năm 1850.

Tuy nhiên, bà Aung San Suu Kyi, vị lãnh đạo đảng đổi lập NLD, “biểu tượng” của Myanmar đang trỗi dậy đã nhắc nhở các nhà đầu tư nên “lạc quan một cách thận trọng”. Bởi lẽ, kinh doanh ở một nước đã từng bị cô lập trong một nửa thập kỷ hẳn không hề đơn giản.

Luật đầu tư nước ngoài mới - thắng lợi của phe cấp tiến?

Các khách sạn ở Yangon luôn “full” (đầy) là câu chuyện cửa miệng của giới đầu tư đến đây điều nghiên thị trường trước khi quyết định đầu tư.

Ông Robert Easson, CEO Imagino Group thuyết trình tại hội thảo

Hội thảo “Hội nghị đầu tư Myanmar” do Ivring tổ chức ngày 13/9 vừa qua cho thấy mối quan tâm đến Myanmar từ Việt Nam đang gia tăng, đối với cả doanh nghiệp Việt Nam lẫn doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp đang ở bước “nghiên cứu thị trường” trước khi quyết định thực sự bỏ tiền đầu tư vào quốc gia này.

Dù sao, Myanmar cũng đang ở bước đầu trong tiến trình mở cửa và giới doanh nhân cần biết xem thực sự Luật Đầu tư nước ngoài của Myanmar khuyến khích đầu tư với ưu đãi cụ thể tới mức nào.

Mặt khác, chính nội dung của luật này sẽ cho thấy “phe” cấp tiến hay bảo thủ (đại diện cho các quyền lợi độc quyền kinh tế trước đây trong chế độ quân sự) đang thắng thế. Nếu phe cấp tiến thắng thế sẽ là động lực cho giới đầu tư mạnh dạn bỏ tiền vào thị trường này nhiều hơn.

Được chờ đợi từ cuối năm ngoái, vừa qua, Luật Đầu tư nước ngoài đã được Nghị viện Myanmar thông qua, với nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài hơn bản dự thảo trước đó.

Chẳng hạn, văn bản luật mới nhất đã bỏ đi điều luật “Vốn tối thiểu đầu tư là 5 triệu USD” vốn được coi là hết sức vô lý và có thể “chặn” dòng vốn vào Myanmar. Hay đã gia tăng tỷ lệ phần trăm vốn mà một công ty nước ngoài có thể sở hữu trong một công ty liên doanh với địa phương lên hơn 50%.

Hiện nay văn bản luật này đang chờ được Tổng thống Thein Sein thông qua trước khi chính thức trở thành luật.

Lưu ý về môi trường đầu tư

Tại hội thảo, ông Robert Easson, CEO của Imagino Group chuyên tư vấn về chiến lược kinh doanh, thương mại và đầu tư, bán hàng và nhân sự tại một số nước khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Myanmar và Việt Nam, đã tổng kết một số điều cần chú ý về môi trường đầu tư ở Myanmar.

Theo ông, những lợi điểm mà Myanmar đang cuốn hút các nhà đầu tư nước ngoài có thể thấy ngay là nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào (dầu mỏ, quặng kim loại...), giá nhân công thấp, vị trí địa lý thuận tiện, ưu đãi đầu tư khi mở cửa...

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần chú ý tới những thách thức khi đầu tư ở đây: hệ thống thanh toán chưa hoàn thiện (đa số sử dụng tiền mặt cho tất cả các giao dịch), cơ sở hạ tầng thô sơ (điện thoại, Internet và đường sá còn chưa phát triển), thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng cao, chưa có cơ chế kinh tế thị trường (hiện nay mới đang xây dựng).

Tại Myanmar mới chỉ có khoảng 5% dân số tiếp cận được với Internet. Chi phí lắp đặt Internet còn khá đắt. Còn điện thoại di động hiện nay đang phổ biến hơn so với trước đây (mua số sim điện thoại phải trả hàng ngàn USD).

Một điều khá đặc biệt nữa là chi phí thuê nhà, văn phòng thường phải trả trước 12 tháng. Ở Yangon, xe gắn máy bị cấm nên mọi người đi lại bằng xe bus và taxi, dù đa phần các xe này đã khá cũ kỹ vì chưa được thay trong suốt mấy chục năm bị cô lập kinh tế vừa qua.

Lưu ý về hệ thống thuế và hình thức đầu tư

Luật sư Christopher Muessel, hãng luật VDB cho biết, đầu tư vào Myanmar có thể đăng ký dưới các hình thức công ty nước ngoài (LLC- công ty TNHH, sở hữu cá thể, hợp danh), công ty liên doanh, hoặc chi nhánh. Hiện nay, hình thức phổ biến nhất mà các công ty hay chọn là công ty TNHH hoặc chi nhánh.

Ông cũng cho biết, Luật Đầu tư nước ngoài đang chờ Tổng thống ký cho phép doanh nghiệp được miễn thuế trong 5 năm, trong khi luật hiện tại chỉ là 3 năm.

Nếu lập liên doanh với công ty địa phương thì doanh nghiệp nước ngoài phải chiếm tối thiểu 35% vốn góp đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài có thể mở công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, ngoại trừ có một số ngành bị hạn chế tới tối đa là 49%.

Đối với đất đai thì các doanh nghiệp phải thuê lại từ chính phủ hoặc tư nhân với sự cho phép của chính phủ với thời hạn 50 năm, và gia hạn tiếp 20 năm sau.

Một trong những đề tài được đưa ra tại hội nghị thảo luận là doanh nghiệp nên chọn hình thức đầu tư nào: mở công ty liên doanh, văn phòng đại diện, hoặc thuê công ty phân phối hàng và cử người của mình sang quản lý.

Có hai cơ quan cấp phép đầu tư tại Myanmar là DICA (Directorate of Investment & Company Administration) hoặc MIC (Myanmar Investment Commission), tùy vào hình thức đầu tư và ngành nghề đầu tư.

Luật sư Edwin Vanderbruggen, cũng từ hãng luật VDB cho biết, ở giai đoạn đầu, doanh nghiệp có thể cân nhắc hình thức hợp tác với công ty phân phối hàng và cử người sang quản lý. Vì nếu chưa muốn mở dưới hình thức công ty liên doanh, thì lựa chọn mở văn phòng hay chi nhánh sẽ giới hạn hiệu quả kinh doanh vì không được tiến hành các hoạt động bán hàng.

Ông Edwin cũng trình bày những lưu ý về hệ thống thuế của Myanmar khi doanh nghiệp muốn đầu tư vào đó. Chẳng hạn, những ưu đãi thuế áp dụng với từng ngành nghề, thuế thu nhập doanh nghiệp (hiện nay 25% đối với công ty, 35% đối với chi nhánh, trừ khi được MIC cho ưu đãi 25%), được chuyển lỗ trong vòng 3 năm liên tiếp sau thời hạn miễn thu.

Theo ông, Myanmar phát triển hệ thống thuế thương mại (Commercial Tax) thay vì hệ thống thuế VAT như các nước khác, với thuế suất thông thường là 5% (ngoại trừ những hàng hoá đặc biệt), còn đầu tư vào nông nghiệp được miễn thuế.

Thuế thu nhập cá nhân đối với người nước ngoài hiện nay là 35% áp dụng cho tất cả trường hợp, trừ phi họ sống ở Myanmar từ 182 ngày trở lên hoặc làm việc cho công ty nước ngoài đầu tư theo Luật Đầu tư nước ngoài ở Myanmar. Lúc đó thuế thu nhập cá nhân sẽ được tính theo hệ thống lũy tiến từ 1% đến 20% (kể từ tháng 4/2012). Về hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Myanmar đã ký với Việt Nam, Anh, Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Thái Lan.

Cũng theo ông Edwin, các công ty còn phải tính đến các thoả thuận song phương về “khấu trừ” thuế (withholding tax) và lợi nhuận chuyển nhượng từ cổ phiếu giữa Myanmar và từng quốc gia. Ví dụ, thuế suất sẽ khác nhau nếu đầu tư từ Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam...

Lĩnh vực dầu mỏ và gas, Myanmar đánh thuế thu nhập từ cổ phần tới 40% (đối với đối tượng không cư trú) và 10% đối với đối tượng cư trú.

Từ những sự khác biệt nói trên, các công ty đầu tư vào Myanmar có thể cân nhắc nên đầu tư trực tiếp hay đầu tư qua một nước thứ 3 để được hưởng ưu đãi thuế tốt hơn.

Lưu ý về visa và thủ tục hải quan

Những lĩnh vực hấp dẫn để đầu tư vào Myanmar:

Công nghệ thông tin Truyền thông (ICT). Tỷ lệ sử dụng điện thoại di động và Internet thấp (1,5% và (0,2%).

Hàng tiêu dùng. Khả năng tiêu thụ lớn (cần làm việc với công ty thương mại địa phương để nhập khẩu và phân phối).

Dược phẩm. OTC và thuốc kê toa.

Bảo hiểm. Hiện mới có 6 giấy phép cho các đơn vị địa phương, những giấy phép cho các đơn vị nước ngoài sẽ sớm được duyệt.

Dịch vụ tài chính. Hiện có 19 ngân hàng tư nhân. Khả năng liên kết hoặc cộng tác với “các chi nhánh” của ngân hàng nước ngoài

Cơ sở hạ tầng, vận tải biển và kho vận.

Tuy Myanmar là thành viên của ASEAN nhưng hiện nay công dân ASEAN vẫn phải xin visa khi vào Myanmar. Tuy nhiên visa vào Myanmar đang thay đổi theo hướng dễ dàng hơn. Chẳng hạn, mới đây Chính phủ cho phép business visa (visa mục đích kinh doanh) được xin tại cửa khẩu sân bay (visa at arrival).

Từ Việt Nam, người nước ngoài xin visa vào Myanmar sẽ phải nộp nhiều giấy tờ hơn một công dân Việt Nam. Theo tìm hiểu của người viết thì business visa có thời hạn 70 ngày có thể được gia hạn thêm tới tổng thời gian là 3,5 tháng.

Tuy nhiên, nếu có đối tác địa phương thông thạo “đường đi nước bước” thì có thể gia hạn dài hơn, tới nửa năm chẳng hạn.

Muốn xin multiple entry visa (ra vào nhiều lần) thì trước đó phải có ít nhất 3 lần nhập cảnh vào Myanmar bằng business visa. Trong trường hợp bạn làm việc tại đây thì sẽ nộp hồ sơ xin working visa (visa làm việc) với thời hạn 1 năm.

Về các hoạt động xuất nhập khẩu và thủ tục hải quan, bà Malika, Giám đốc khu vực của Bryan Cave International Trade cho biết, Myanmar chủ yếu nhập khẩu xăng dầu, máy móc phụ tùng, vật liệu xây dựng như sắt thép, phụ tùng ô tô, dầu cọ, dược phẩm, phân bón, nguyên liệu thô plastic, hoá chất...

Myanmar xuất khẩu khí thiên nhiên, đá quý, gạo, đậu, cá, hàng may mặc, gỗ, cao su, bắp, hạt mè... Myanmar đang hướng tới việc mở thêm các điểm hải quan biên giới với các nước láng giềng, bao gồm cả Thái Lan.

Bên cạnh Luật đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài đang chú ý tới những Khu vực kinh tế đặc biệt (Myanmar Special Economic Zone), Khu vực kinh tế đặc biệt Dawei (Dawei Special Economic Zone), vì khi tham gia vào các khu vực này họ sẽ được hưởng những ưu đãi đầu tư đặc biệt.

Liên quan đến thủ tục hải quan, bà Malika cho biết, quy trình thủ tục hiện nay vẫn còn “bằng tay” chứ chưa tới giai đoạn “điện tử hay tự động”. Đa số hàng hoá đường biển đi qua cảng Yangon.

Bộ Thương mại (Ministry of Commerce) là cơ quan quản lý xuất nhập khẩu cuả Myanmar, cấp phép cho xuất/nhập khẩu hàng hoá với thời gian thường từ 6 tháng và gia hạn được thêm 3 tháng. Trước đây chỉ có công ty thuộc nhà nước Myanmar mới được xuất nhập khẩu nhưng hiện nay mọi thứ đã thay đổi. 

Myanmar - Những cột mốc kinh tế chính trị đáng chú ý gần đây:

Tháng 3/2011: Chuyển từ chế độ độc tài quân sự sang chế độ dân sự, thả nhiều tù nhân chính trị.
Tháng 4/2012: Bà Aung San Suu Kyi - lãnh đạo đảng NLD đối lập được bầu vào quốc hội Myanmar.
Tháng 4/2012: Liên Minh EU bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với Myanmar.
Tháng 7/2012: Hoa Kỳ tạm bãi bỏ lệnh cấm vận đầu tư vào Myanmar.
Tháng 9/2012: Tổng thống Thein Sein, bà Aung San Suu Kyi sẽ viếng thăm Hoa Kỳ. Dư luận kỳ vọng Hoa Kỳ sẽ tạm bãi bỏ lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa từ Myanmar vào Hoa Kỳ như một động thái “tưởng thưởng” cho quá trình mở cửa của Myanmar.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư vào Myanmar: Lạc quan trong thận trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO