Công nghiệp ô tô: Bao giờ hết khó?

HỒNG NGA| 13/09/2012 03:51

Chưa có năm nào ngành ô tô trong nước lại khó khăn như năm nay. Hàng ngàn xe đang còn chất trong kho khiến các doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng chờ cơ hội “mùa cuối năm”.

Công nghiệp ô tô: Bao giờ hết khó?

Chưa có năm nào ngành ô tô trong nước lại khó khăn như năm nay. Hàng ngàn xe đang còn chất trong kho khiến các doanh nghiệp (DN) phải sản xuất cầm chừng chờ cơ hội “mùa cuối năm”. Thế nhưng, việc thay đổi các chính sách liên tục đã khiến các DN vốn đã khó càng thêm khó.

Đọc E-paper

VAMA lại phản ứng

Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) ngày 6/9 đã gửi văn bản 6512/VAMA lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên hiệu lực của Thông tư 20/2011/TT-BCT ban hành ngày 12/5/2012 của Bộ Công Thương.

Đây là lần thứ hai trong năm nay VAMA lên tiếng về việc thay đổi chính sách đối với ngành ô tô. Văn bản này xuất phát từ việc mới đây Tổng cục Hải quan đã kiến nghị một loạt các biện pháp mà theo cơ quan này là sẽ đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước năm 2012.

Trong đó, đáng chú ý nhất là việc xem xét sửa đổi Thông tư 20/TT-BCT ngày 12/5/2011 về hạn chế xe nhập thương mại theo hướng gỡ bỏ hạn chế này.

Theo lập luận của Tổng cục Hải quan, hiện nay cần tạo cơ chế cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ được nhập khẩu ô tô, tránh sự độc quyền bởi một số ít DN đủ điều kiện.

Đây cũng là một giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, đồng thời góp phần kích cầu đầu tư tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, việc nới lỏng quy định nhập xe còn hạn chế được tình trạng gian lận thương mại thông qua hình thức nhập khẩu ô tô theo đường Việt kiều hồi hương.

Trước kiến nghị của Tổng cục Hải quan, các thành viên VAMA đã phản ứng bởi họ hoàn toàn ủng hộ các mục tiêu của Thông tư 20 liên quan đến việc bảo vệ người tiêu dùng thông qua đại lý được ủy quyền chính hãng với mạng lưới rộng khắp cả nước với quy trình dịch vụ chuyên nghiệp.

VAMA rất ngạc nhiên khi có thông tin cho rằng, Thông tư 20 có thể tạo ra “độc quyền” trong ngành công nghiệp ô tô.

Trong văn bản 6512, các thành viên VAMA đã nêu 5 điểm nhằm chứng minh Hiệp hội này không độc quyền và 5 điểm chứng minh việc hủy Thông tư 20, cho phép nhập thương mại nhỏ lẻ sẽ gây hại đến người tiêu dùng và ngân sách ra sao.

Cụ thể, ngoài 18 thành viên VAMA đang sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô còn có nhiều nhà phân phối khác với các nhãn hiệu xe khác nhau như: Porsche, Audi, Renault, Citroen, BMW và VW. 

VAMA cũng nhấn mạnh, Triển lãm ô tô Việt Nam cuối tháng 9 này là một thành quả của Thông tư 20 vì nó sẽ quy tụ cả các nhà sản xuất, lắp ráp trong nước và các đơn vị nhập khẩu chính hãng.

“Đây chính là thành quả của Thông tư 20 khi đã tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các công ty thành viên VAMA và những DN không phải thành viên VAMA trong việc kinh doanh xe nguyên chiếc”.

Ngoài ra, “tình hình kinh tế khó khăn cộng với việc tăng một số loại phí liên quan cũng như những đề xuất mới về phí đã làm cho ngành công nghiệp ô tô suy giảm tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Để giải phóng hàng tồn và để giải quyết vấn đề nguồn vốn, hầu hết các công ty ô tô đều phải thực hiện các chương trình khuyến mãi để có được khách hàng. Điều này khó có được ở một thị trường độc quyền”, ông Laurent Charpentier, Chủ tịch VAMA, nói.

Bên cạnh đó, các thành viên VAMA còn cho rằng, các công ty nhập khẩu không chính hãng sẽ không tối ưu hóa được việc bảo vệ người tiêu dùng vì họ khó có thể cung cấp các dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng tốt như các DN sản xuất và nhập khẩu chính hãng và cũng không chuyên nghiệp và minh bạch.

Thậm chí, các nhà nhập khẩu không chính hãng còn vô can nếu có xảy ra triệu hồi xe...

Cần chính sách ổn định

Nhiều DN cho rằng, Thông tư 20 của Bộ Công Thương được ban hành từ tháng 5/2011, với lý do bảo vệ người tiêu dùng và buộc các nhà nhập khẩu phải chịu trách nhiệm bảo hành khi có sản phẩm bị lỗi.

Đến nay, Thông tư này mới có hiệu lực hơn một năm, vậy mà Tổng cục Hải quan lại muốn “xóa bỏ” để tạo cơ chế cho các DN nhỏ được nhập khẩu ô tô, tránh sự độc quyền bởi một số ít DN đủ điều kiện?

“Nếu bây giờ sửa đổi hay bỏ Thông tư 20 thì các DN kinh doanh ô tô có giấy ủy quyền chẳng khác nào bị lừa.

Bởi, để có giấy ủy quyền, DN phải đầu tư mọi thứ theo quy chuẩn của hãng và phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện. Nếu những quy định này bị dỡ bỏ thì mọi đầu tư trước đó giờ thành lãng phí.

Ngược lại, các DN kinh doanh ô tô không chính hãng cũng chẳng việc gì phải đầu tư lớn”, một DN kinh doanh xe nhập khẩu có tiếng tại TP.HCM phân tích. 

Rõ ràng, việc thay đổi liên tục các chính sách đã khiến các DN trong ngành ô tô hết sức khó khăn. Ngay chính các nhà đầu tư châu Âu cũng đã lên tiếng về vấn đề này.

Trong Sách Trắng, phát hành tháng 12/2011, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cảnh báo về chính sách công nghiệp ô tô Việt Nam.

Theo EuroCham, cần tránh điều chỉnh liên tục các sắc thuế có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của ngành công nghiệp ô tô. Những thay đổi thường xuyên và với mức độ lớn đã và sẽ làm gián đoạn đáng kể các dây chuyền sản xuất, chuỗi cung cấp và các hoạt động bán lẻ của những bên tham gia vào ngành ô tô do xuất hiện những mức cầu cao điểm và thấp điểm giả tạo trên thị trường.

Thời gian qua, chính sách đối với công nghiệp ô tô của Việt Nam, nhất là thuế, phí, thay đổi đến chóng mặt. Và mỗi lần thay đổi như vậy lại gây ra nhiều phản ứng.

Cụ thể, trước đó, vào tháng 3/2012, Bộ Giao thông Vận tải đã có đề án Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và thu phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm. N

gay sau đó, VAMA cũng đã phản ứng và đề nghị được làm việc trực tiếp với Bộ trưởng Đinh La Thăng. Đến tháng 7, Bộ Giao thông Vận tải phải có văn bản phản hồi về việc này và cho rằng “việc tổ chức thu các loại phí này chỉ khả thi khi được đồng thuận của người dân...”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công nghiệp ô tô: Bao giờ hết khó?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO