Bài 1: Đơn độc tư nhân

MẠNH DƯƠNG| 25/02/2010 08:44

Doanh nghiệp đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ đa phần hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách và du lịch.

Bài 1: Đơn độc tư nhân

Cả nước cần khoảng 300 trạm dừng nghỉ cho người và xe (trạm dừng nghỉ) dọc các quốc lộ chính, nhưng hiện mới chỉ có trên 33 trạm của tư nhân. Ít ỏi vậy nhưng số các trạm kinh doanh có hiệu quả không nhiều, có trạm phải chuyển nhượng. Đáng mừng là trong năm nay, khá nhiều trạm dừng nghỉ lại được tiếp tục đầu tư với quy mô lớn và hiện đại hơn. Nhưng điều đáng lo là cho đến nay vẫn chưa có quy hoạch cho trạm dừng nghỉ nên không tránh khỏi sự lộn xộn như hàng ngàn cây xăng đang có.

Doanh nghiệp đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ đa phần hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách và du lịch. Chính vì vậy, doanh thu của những công ty như Mai Linh, Rạng Đông, Tâm Châu, Trung Thủy... chủ yếu từ khách hàng ruột, nên lợi nhuận chưa đạt như kế hoạch.

Doanh thu quá thấp

Trạm dừng nghỉ Mekong

Tháng 4/2009, Công ty TNHH một thành viên Tín Nghĩa đầu tư 70 tỷ đồng xây dựng trạm dừng chân Tân Phú tại huyện Tân Phú, Đồng Nai trên khu đất 3,3ha thuộc quốc lộ 20, cách Đà Lạt 160km và cách TP.HCM 150km. Ngoài những hạng mục thông thường như khu vệ sinh, khu bán hàng lưu niệm, cây xăng, trạm dừng Tín Nghĩa có khu nhà nghỉ 24 phòng, hai nhà hàng khá lớn. Đặng Quang Vinh, Giám đốc Trạm dừng chân Tân Phú, cho biết, doanh thu của Trạm chỉ vào khoảng 2 tỷ đồng/tháng, trong đó 70% là doanh thu từ cây xăng, với lượng tiêu thụ 6.000 lít/ngày, còn đa phần các hoạt động khác vẫn cầm chừng.

Nếu như doanh thu của Tín Nghĩa nhờ vào kinh doanh xăng dầu, thì với các hãng xe có đầu tư trạm dừng nghỉ chỉ thành công nếu có đội xe hùng hậu. Chính vì vậy, hãng xe Tô Châu chạy tuyến TP.HCM - miền Tây khi còn thời hoàng kim đã mạnh dạn đầu tư một trạm dừng nghỉ tại tỉnh Tiền Giang. Nhưng sau đó, do khó khăn, số lượng đầu xe của hãng bị cắt giảm, kết quả là Tô Châu đã phải chuyển nhượng trạm này cho Mai Linh.

Bà Hàn Thị Yến, Phó tổng giám đốc hãng vận tải Kumho Samco, cho rằng, doanh nghiệp vận tải ô tô chia làm hai loại: có thương hiệu và chủ xe nhỏ, hợp tác xã, nhưng xe vào trạm dừng nghỉ đa phần thuộc nhóm đầu. Nếu một doanh nghiệp vận tải đầu tư trạm dừng nghỉ thì sẽ khó tạo ra lợi nhuận khi chỉ phục vụ “đội xe nhà”. Còn nếu doanh nghiệp ngoài ngành tham gia đầu tư thì phải liên kết với các hãng xe, khiến chi phí dịch vụ đội lên.

Tại miền Bắc, Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã hỗ trợ xây dựng ba trạm dừng nghỉ từ 5.000 - 7.000m2 tại Hòa Bình, Ninh Bình, Bắc Giang, và đã được đưa vào sử dụng trong năm 2009. Cả ba trạm đều có phòng nghỉ ngơi, nhà vệ sinh, gian hàng giới thiệu sản phẩm, hàng hóa đặc sản của địa phương, có thể phục vụ được hàng trăm lượt hành khách nghỉ ngơi, ăn uống. Mức đầu tư trung bình cho mỗi trạm khoảng 10 tỷ đồng. Thế nhưng, sau khi khai trương, doanh thu từ trạm Ninh Bình chỉ đạt 8 triệu đồng/tháng (1.000 khách); Hòa Bình 11 triệu đồng/tháng (2.500 khách).

Đơn độc tư nhân

Hai năm qua, JICA đã chi 4 triệu USD để cùng Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp nghiên cứu, lập quy hoạch tổng thể trạm dừng nghỉ dọc đường và xây dựng ba trạm dừng nghỉ thí điểm như vừa nêu. Ông Đỗ Xuân Hoa, chuyên gia của JICA tại Việt Nam, cho biết, đến nay, ngoài ba dự án do JICA tài trợ, các trạm dừng nghỉ ở Việt Nam đều do tư nhân đầu tư, trong đó có nhiều trạm thành công như trạm dừng nghỉ Bù Đăng - Bình Phước của Doanh nghiệp tư nhân Rạng Đông, trạm Cà Ná - Ninh Thuận, Cái Bè - Tiền Giang của Tập đoàn Mai Linh, Doanh nghiệp tư nhân Minh Dũng ở Bình Thuận, trạm nghỉ Vĩ Lâm ở Khánh Hòa...Nhưng số doanh nghiệp thành công còn quá ít.

Tín Nghĩa vẫn chưa thành công với trạm dừng nghỉ

Vì sao có tình trạng này? Ngoài việc thiếu chính sách hỗ trợ của các cấp chính quyền, như đến nay vẫn chưa có văn bản nào quy định về việc xây dựng trạm dừng thì nên tổ chức dân cư Việt Nam không tập trung, đường giao thông đến đâu thì hai bên đường dân cư xây dựng nhà ở và cũng là cơ sở kinh doanh, tạo nên mạng lưới hàng quán phức tạp, kết hợp với thói quen của nhiều người Việt Nam không quan tâm đến chất lượng dịch vụ, mà chỉ quan tâm đến giá rẻ, nên khi các trạm dừng nghỉ đầu tư lớn, sẽ không thu hút được khách.

Người lái xe luôn gắn bó với những quán ăn bên đường để được hưởng lợi một phần thông qua việc khách sử dụng dịch vụ tại quán. Chính vì vậy mới diễn ra cảnh hành khách vào trạm dừng nghỉ ở Ninh Bình được hưởng quyền nghỉ ngơi, vệ sinh miễn phí, nhưng vẫn rất ít người vào. Ngay các tài xế xe tải cũng chỉ vào quán phở ngay bên cạnh, thậm chí đi vệ sinh bên ngoài. Hoặc nếu có vào, thì hầu hết cũng chỉ là vào tham quan và đi vệ sinh sau khi đã ăn uống tại nhà hàng bên cạnh.

Ông Đỗ Xuân Hoa cho rằng, tư nhân đầu tư vào trạm dừng nghỉ ở Việt Nam quá đơn độc. Tại Nhật Bản, phần lớn những công trình này do chính phủ đầu tư và giao cho một đơn vị khai thác, hằng năm được Nhà nước thông qua chính quyền địa phương cấp tỉnh hoặc thành phố cấp kinh phí duy tu, bảo dưỡng. Kinh phí đầu tư cho những nội dung trên chiếm khoảng 60% tổng kinh phí cho trạm dừng nghỉ, 40% kinh phí còn lại được người đứng ra kinh doanh đầu tư và khai thác. Các trạm dừng nghỉ chỉ phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi, bán một số sản phẩm. Việc sử dụng các dịch vụ như vệ sinh, bãi đỗ xe, lấy thông tin từ mạng... hoàn toàn miễn phí.

Nhật Bản hiện có 1.600 trạm cho xe và người dừng nghỉ, các trạm thường cách nhau 50 - 100km. Các trạm dừng nghỉ này thường gắn với cảnh quan môi trường, những khu du lịch sinh thái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài 1: Đơn độc tư nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO