8 giải pháp giải ngân vốn đầu tư công cần triển khai

HT| 19/04/2022 06:00

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), hết quý I/2022, giải ngân vốn đầu tư công đạt 61.538,08 tỷ đồng, đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 với 13,17%. Trong đó, vốn trong nước là 61.192,76 tỷ đồng, đạt 12,66% kế hoạch; vốn nước ngoài 343,32 tỷ đồng, đạt 0,99% kế hoạch…

8 giải pháp giải ngân vốn đầu tư công cần triển khai

Lý do chậm giải ngân vốn đầu tư công được đưa ra là có những dự án khởi công mới đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cho rằng, nguyên nhân chính do trách nhiệm của một số chủ đầu tư, một số bộ, cơ quan trung ương chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; chưa kịp thời ban hành các giải pháp đẩy mạnh tiến độ thi công và quá trình tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, những tháng đầu năm, giá vật tư, vật liệu xây dựng tăng làm tiến độ thi công dự án bị chậm lại, ảnh hưởng đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công quý I.

Tính đến hết quý I/2022, có 46/51 bộ, cơ quan trung ương và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt dưới mức bình quân của cả nước (11,88%). Để đưa toàn bộ lượng vốn đầu tư công vào nền kinh tế, Bộ KH&ĐT kiến nghị cần biểu dương 4 cơ quan trung ương và 5 địa phương đã phân bổ 100% kế hoạch và có tỷ lệ giải ngân ba tháng đầu năm đạt trên 25%. Đồng thời, phê bình nghiêm khắc 13 bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương đến ngày 30/3/2022 chưa phân bổ kế hoạch được giao trong năm…

Theo Bộ KH&ĐT, cần tập trung vào 8 giải pháp cụ thể:

- Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên.

- Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công, thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.

- Rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt nhưng còn thiếu vốn.

- Thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong từng bộ, cơ quan, địa phương để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công.

- Thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, đảm bảo công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu đủ năng lực.

- Xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng hợp đồng.

- Kịp thời chỉ đạo ban hành đơn giá xây dựng phù hợp với tình hình, điều chỉnh dự toán, vốn đầu tư của các nhiệm vụ, dự án theo đúng quy định.

- Tổ chức giao ban định kỳ hằng tuần với các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư về tình hình thực hiện các dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
8 giải pháp giải ngân vốn đầu tư công cần triển khai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO