10 sự kiện tiêu biểu TP.HCM 2020

DNSG| 28/12/2020 06:00

Mặc dù năm 2020 gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng TP.HCM vẫn giữ vững vai trò đầu tàu, trung tâm kinh tế của cả nước với nhiều con số và sự kiện tiêu biểu, tạo đà cho một năm mới 2021 nhiều lạc quan. 10 sự kiện tiêu biểu của TP.HCM năm 2020 do Báo Doanh Nhân Sài Gòn bình chọn.

Dai-hoi-dang-1-6432-1608869793.jpg

1. Đại hội đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 thành công tốt đẹp

Sau 4 ngày làm việc (từ ngày 15-18/12/2020) nghiêm túc, dân chủ với tinh thần trách nhiệm cao, Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020 -2025 bế mạc. Đại hội tập trung thảo luận, cho ý kiến và biểu quyết thông qua báo cáo góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng; góp ý vào dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, điều chỉnh một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025 trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM, nhiệm kỳ 2020-2025 với 26 chỉ tiêu phát triển chủ yếu, trong đó có một số chỉ tiêu cụ thể: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) bình quân hằng năm khoảng 8%; phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của Thành phố; GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt khoảng 8.500 USD/người; đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước; còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố; phấn đấu Thành phố nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và về chỉ số cải cách hành chính (PAR-index); tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 95% trở lên.

1-ton-vinh-DN-4245-1608869793.jpg

2. TP.HCM tôn vinh Doanh nghiệp, Doanh nhân tiêu biểu năm 2020

Năm 2020 là một năm đặc biệt khó khăn đối với giới doanh nhân cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng. Để ghi nhận đóng góp của doanh nhân, doanh nghiệp Thành phố, được sự chỉ đạo của UBND TP.HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đã tôn vinh 100 doanh nhân, 100 doanh nghiệp tiêu biểu năm 2020. Đặc biệt, năm nay trong bối cảnh đặc biệt là đại dịch Covid-19, ngoài danh hiệu doanh nghiệp, doanh nhân Thành phố tiêu biểu được tôn vinh, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng đề xuất UBND TP.HCM xét tặng bằng khen cho những doanh nghiệp, doanh nhân điển hình vượt qua thách thức đại dịch Covid-19. 

100 doanh nghiệp được tôn vinh tiêu biểu năm nay đã đầu tư 976.956 tỷ đồng tham gia phát triển kinh tế Thành phố, đóng góp doanh thu 294.510 tỷ đồng/năm, lợi nhuận gần 20.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách gần 12.000 tỷ/năm, đảm bảo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 152.000 lao động, đóng góp gần 1.000 tỷ đồng cho các quỹ và chương trình an sinh xã hội của Thành phố.

3. Thành lập thành phố Thủ Đức

Ngày 9/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM trên cơ sở nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức, với tổng diện tích tự nhiên trên 211km2, quy mô dân số hơn 1 triệu người.

Thành phố Thủ Đức được thành lập sẽ là tiền đề quan trọng để hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao của TP.HCM. Đây sẽ là hạt nhân, một cực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế TP.HCM và vùng kinh tế phía Nam phát triển. Những năm gần đây, ba quận phát triển với tốc độ cao, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố, tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước (xét về quy mô, chỉ sau GRDP của Hà Nội, lớn hơn GRDP của tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai). Giai đoạn 2016-2019, thu ngân sách đạt 37.158 tỷ đồng, chi ngân sách 11.174 tỷ đồng.

4. Hoàn thành 5 dự án giao thông quan trọng

Chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, hàng loạt công trình, dự án có vốn đầu tư nghìn tỷ đi vào hoạt động phục vụ người dân như Bến xe Miền Đông mới, nút giao An Sương, mở rộng đường Tô Ký, cầu Phước Lộc và An Phú Đông là 5 dự án giao thông ở TP.HCM hoàn thành năm 2020, giúp thay đổi diện mạo giao thông thành phố. Dự án hầm chui An Sương ở quận 12 và huyện Hóc Môn, tổng đầu tư 514 tỷ đồng đưa toàn bộ nút giao ở cửa ngõ Tây Bắc TP.HCM vào khai thác; dự án mở rộng đường Tô Ký trên đoạn dài 2,4km giúp giảm ngập, ùn tắc ở cửa ngõ Tây Bắc Thành phố, được đánh giá có ý nghĩa quan trọng, nhất là kinh nghiệm giải phóng mặt bằng do phần lớn dự án giao thông đều bị khó khăn. Bến xe Miền Đông mới được đầu tư hơn 740 tỷ đồng trên diện tích hơn 16ha (rộng gấp 3 lần so với Bến xe Miền Đông hiện hữu) giữa hai địa phương là Bình Dương và TP.HCM, với mục tiêu phục vụ 7 triệu lượt hành khách/năm.

5. Triển khai các chương trình liên kết, kích cầu du lịch

Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch TP.HCM chịu tổn thất nặng nề nhất trong các ngành kinh tế. Ước tính cả năm 2020, khách quốc tế đến Thành phố đạt hơn 1,3 triệu lượt, giảm tới 84,8% so năm 2019. 

Trước tình hình đó, ngành du lịch TP.HCM đã triển khai nhiều chương trình trong suốt năm 2020 nhằm nỗ lực cao nhất khôi phục hoạt động du lịch và hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành. Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch TP.HCM đã công bố chương trình kích cầu du lịch nội địa, kéo dài đến cuối năm 2020 và đề ra nhiều giải pháp như đẩy mạnh liên kết vùng du lịch, để thúc đẩy du lịch nội địa và hỗ trợ doanh nghiệp theo tiêu chí làm mới các sản phẩm như liên kết với các tỉnh Tây Bắc; liên kết các tỉnh Đông Bắc, liên kết với khu vực miền Trung, liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ với TP.HCM và TP.HCM với đồng bằng sông Cửu Long.

3-chuyen-doi-so-2893-1608869793.jpg

6. TP.HCM đặt trọng tâm xây dựng Chương trình chuyển đổi số

TP.HCM đã công bố chương trình chuyển đổi số được xây dựng dựa trên Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố. Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo  dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở  lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết  thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, thông tin của người dân, doanh nghiệp  được số hóa và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu Thành phố. Ngày 24/9/2020, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng đã tổ chức công bố chương trình chuyển đổi số nhằm tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố tiếp cận với các gói giải pháp chuyển đổi số góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.

9-cang-bien-1737-1608869793.jpg

7. TP.HCM thông qua đề án thu phí hạ tầng cảng biển

Ngày 9/12/2020, HĐND TP.HCM đã biểu quyết thông qua Đề án thu phí hạ tầng cảng biển, thời gian áp dụng từ ngày 1/7/2021. Theo đó, TP.HCM sẽ thực hiện thu phí đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu và hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM phải trả 2,2 triệu đồng/container 20ft, 4,4 triệu đồng/container 40ft hoặc 50.000 đồng/tấn hàng lỏng, hàng rời. Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM, sẽ áp dụng mức 500.000 đồng/container 20ft; 1 triệu đồng/container 40ft và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Riêng hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP.HCM, chủ hàng phải trả 250.000 đồng/container 20ft, 500.000 đồng/container 40ft và 16.000 đồng/tấn hàng lỏng, hàng rời. Hàng hóa xuất nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng và đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh sẽ được miễn thu phí. Dự kiến nguồn phí thu được khoảng 3.200 tỷ đồng/năm. 

8. Doanh nghiệp, doanh nhân vì cộng đồng

Năm 2020, hoạt động sản xuất kinh doanh đặc biệt khó khăn, nhưng lực lượng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân TP.HCM cũng đã chủ động thực hiện nhiều chương trình cộng đồng, đóng góp kinh phí, sản phẩm phục vụ chống dịch Covid-19 và cứu trợ bà con bị ảnh hưởng bão lũ miền Trung thể hiện tinh thần nhường cơm sẻ áo, tinh thần của thành phố nghĩa tình, đóng góp hàng trăm tỷ đồng trong cuộc phòng chống dịch bệnh và bão lũ miền Trung như Tập đoàn PNJ, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Gỗ An Cường, Công ty CP Eurowindow, Hưng Thịnh Group, ông Johnathan Hạnh Nguyễn... Bên cạnh đó, tinh thần vì cộng đồng qua sáng tạo máy ATM gạo của một doanh nhân TP.HCM. Đây không chỉ thể hiện  trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà còn là tinh thần doanh nhân Việt Nam, phẩm chất nghĩa tình của người Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM được kế thừa từ tinh thần yêu nước, thương người vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã kết tinh qua nhiều thế hệ. Trong tình hình khó khăn như năm 2020, phẩm chất ấy của doanh nhân TP.HCM thật tuyệt vời và trân trọng.

9. Kinh tế TP.HCM vẫn tăng 1,39% năm 2020

Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid -19 bùng phát, TP.HCM là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất nhưng theo báo cáo của UBND TP.HCM, năm 2020 kinh tế Thành phố vẫn tăng trưởng 1,39% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 0,43% so với cùng kỳ; khu vực dịch vụ tăng 2,17%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 0,43%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 44 tỷ USD, tăng 4%, trong đó, khu công nghệ cao đóng góp quan trọng, giá trị xuất khẩu đạt 19,08 tỷ USD, tăng 20,15%. Cùng với đó, Thành phố đã đảm bảo an sinh xã hội; các hoạt động văn hóa được tổ chức chu đáo, phù hợp với tình hình dịch bệnh, đạt nhiều kết quả gắn với chủ đề năm 2020: “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”.

10-bat-dong-san-4712-1608869794.jpg

10. TP.HCM ban hành nhiều chính sách hỗ trợ Covid-19

TP.HCM là địa phương đi đầu trong việc đưa ra các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Ngay sau dịch bùng phát hồi tháng 4/2020, UBND Thành phố đã giao các sở ban ngành, hiệp hội khảo sát tình hình thiệt hại cũng như những khó khăn của người dân, doanh nghiệp. Khảo sát sơ bộ của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho thấy, có khoảng 84% số doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thành phố gặp khó khăn ở các cấp độ khác nhau. Trong đó, khoảng 40% số doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất - kinh doanh; 88% bị thu hẹp thị trường; 52% số doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm lao động; 76% chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước... Trên cơ sở đó, Thành phố kịp thời đưa ra gói hỗ trợ lần 1, trong đó đã hỗ trợ 100% các doanh nghiệp với số tiền 611 tỷ đồng, xử lý gia hạn 8.800 tỷ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp; 218 tỷ đồng gia hạn thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, tiền thuê đất cho các hộ kinh doanh. Ngoài ra, Thành phố cũng chủ động ban hành chính sách hỗ trợ cho công nhân mất việc, giáo viên và nhân viên của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập với kinh phí gần 3.000 tỷ đồng.

Thời gian tới, TP.HCM sẽ triển khai gói hỗ trợ thứ 2 thông qua việc lấy ý kiến các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu pháp triển để có định hướng đưa ra giải pháp. Theo đó, TP.HCM dự kiến sẽ hỗ trợ tín dụng với mức lãi suất 0% cho các doanh nghiệp khó khăn tại các nhóm ngành dịch vụ như lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải; ngành công nghiệp như dệt may, giày da, trang phục, chế biến gỗ, chế biến lương thực thực phẩm và doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm lớn với kinh phí dự kiến hơn 4.000 tỷ đồng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
10 sự kiện tiêu biểu TP.HCM 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO