Nửa thế kỷ của "Hương rừng Cà Mau"

QUÝ YÊN| 09/01/2013 02:23

Đúng 50 năm sau lần xuất bản đầu tiên (1962 - 2012), tập sách làm nên tên tuổi của nhà văn Sơn Nam, "Hương rừng Cà Mau", vẫn tiếp tục chinh phục độc giả.

Nửa thế kỷ của

Đúng 50 năm sau lần xuất bản đầu tiên (1962 - 2012), tập sách làm nên tên tuổi của nhà văn Sơn Nam, Hương rừng Cà Mau, vẫn tiếp tục chinh phục độc giả.

Đọc E-paper

Từ tháng 3/2003 đến nay, gần 10 năm sau ngày nhà văn Sơn Nam quyết định bán bản quyền trọn đời cho NXB Trẻ, số lượng sách phát hành của ông lên đến 120.000 bản in.

Riêng với Hương rừng Cà Mau, số lượng phát hành lên đến 17.000 bản. Đó chính là lý do khi nói đến tác phẩm này, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, đã trân trọng gọi đấy là báu vật "Trấn sơn chi bảo của NXB Trẻ”.

Đọc văn nhớ người

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đầy tự hào khi nói về nhà văn Sơn Nam: "Sơn Nam là nhà văn hài hước và cười xòa. Hài hước trong cách nghĩ, cách kể chuyện và sống với một thái độ rộng lượng, cười xòa và đón nhận mọi điều dù xấu, dù tốt đến với mình".

Chị Thúy Hằng, con gái nhà văn Sơn Nam, cho biết, ngày xưa gia đình chị rất nghèo. Những ngày nhà văn Sơn Nam tham gia cách mạng và bị bắt, nhà văn Ngọc Linh phải hỗ trợ để nuôi gia đình.

Sau này, khi nhà văn được trả tự do, gia đình vẫn không thoát được hoàn cảnh khó khăn, vì ông kiếm tiền chỉ bằng ngòi bút của mình. Tuy nhiên, cái khó nghèo không ngăn được sự phóng khoáng trong cách sống của ông.

"Cha tôi viết sách từ thực tế, từ hình ảnh sông nước Cà Mau, chuyện cô Út về rừng... chính là hình ảnh nhà ông nội, và hoàn cảnh đó cũng là hoàn cảnh của bà nội và mẹ tôi", chị Hằng chia sẻ.

Theo nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, càng đọc sách của Sơn Nam, người đọc càng thấy thú vị. Bởi ngoài chất Nam bộ rõ nét, tác phẩm của ông còn thể hiện tính dân tộc sâu sắc.

"Hồn dân tộc hiển hiện trong từng câu văn của Sơn Nam", nhạc sĩ nói vậy. Quý Sơn Nam, nhớ người đã khuất núi, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển thường đem Hương rừng Cà Mau ra nghiền ngẫm...

Cũng như ông, rất nhiều độc giả yêu mến ngòi bút "rặt Nam bộ” này xem Hương rừng Cà Mau là cuốn sách gối đầu giường để hiểu và yêu một vùng đất phóng khoáng, hồn hậu...

Điển hình như nhà văn Nguyễn Đông Thức, ông cho biết, ông đọc Hương rừng Cà Mau khi mới 11 tuổi. Đó là thời gian ông bệnh rất nặng, phải nghỉ học, nằm nhà đọc gần hết tủ sách trong nhà ông bà ngoại, rồi được chính ông ngoại tặng cho tập sách đặc biệt này và say mê nó, từ Mùa len trâu, Tây đầu đỏ... đến Hương rừng.

Mỗi câu chuyện là một nét cọ, phác thảo cho người đọc hiểu rõ từ đất đến người. Tuy nhiên, gây ấn tượng hơn cả là Tình nghĩa giáo khoa thư.

Phía sau tác phẩm

Đồng quan điểm, nhà thơ Nguyễn Trọng Tín, cây bút chuyên viết về miền Tây Nam bộ, cho biết, với ông, may mắn lớn trong đời là được đọc, được biết về nhà văn Sơn Nam.

"Chỉ cần đọc sách của Sơn Nam là có thể hiểu hết về miền Nam, trong khi ở miền Bắc không ai làm được điều này", nhà thơ khẳng định. Yêu mến cố nhà văn, nhà thơ này có ý định viết về ông nhưng chưa thể thực hiện.

Sống ở Sài Gòn, có nhiều dịp gặp và đàm đạo với nhà văn Sơn Nam, nhà văn Mạc Can cho biết, ông cũng như nhiều người viết thế hệ sau, rất yêu quý Sơn Nam và trân trọng sự khuyến khích, mở đường mà ông dành cho người đi sau.

Chính nhà văn Sơn Nam là người mở đường cho soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng viết, tham gia hoạt động sân khấu. Nối bước nhà văn Sơn Nam, những cây bút thế hệ kế thừa đã chọn miền Tây Nam bộ để lấy cảm hứng sáng tác.

Nguyễn Trọng Tín, Võ Đắc Danh, Nguyễn Ngọc Tư... là những ví dụ. Điều này cho thấy, sau nửa thế kỷ, mảnh đất Nam bộ vẫn được thế hệ sau tiếp tục tìm hiểu.

Tuy nhiên, theo TS. Quách Thu Nguyệt, Nam bộ vẫn còn nhiều điều để khám phá. Bà mong rằng có thể tiếp tục phát hiện những cây bút trẻ muốn khai thác mảnh đất màu mỡ này ở Việt Nam.

"Sinh thời, nhà văn Sơn Nam rất "mát tay" trong việc mở lối cho người đi sau. Chúng ta cần có một quỹ để khuyến khích những người trẻ viết về miền đất Nam bộ, tiếp tục tận hưởng phù sa Nam bộ”, bà Nguyệt nói.

Hưởng ứng đề xuất này, nhà thơ Kiên Giang nhận định: "Nhà văn Sơn Nam thành công là vì biết "la cà”. Ông đi bộ khắp nơi để quan sát cuộc sống.

Cũng như thế, những người làm sách cần biết "la cà” để tìm nhân tài mới, rất mặn mà với văn minh miệt vườn nhưng lại bị bỏ quên. Nam bộ quá đặc sắc, quá hấp dẫn để có thể kể với bạn bè khắp nơi. Chúng ta phải tìm và tiếp sức cho đội ngũ những người còn say sưa viết về mảnh đất này".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nửa thế kỷ của "Hương rừng Cà Mau"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO