MDTA với sứ mệnh đánh thức tiềm năng du lịch Tây Nam bộ

HOÀNG NAM| 16/06/2008 00:47

Bộ Nội vụ vừa có Quyết định 104/QĐ - BNV cho phép thành lập Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long. Đây là hiệp hội đầu tiên được thành lập tại VN trên cơ sở thống nhất của các tỉnh, thành trong vùng.

MDTA với sứ mệnh đánh thức tiềm năng du lịch Tây Nam bộ

Bộ Nội vụ vừa có Quyết định 104/QĐ - BNV cho phép thành lập Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long (MDTA). Với 116 doanh nghiệp đăng ký làm hội viên, đây là hiệp hội đầu tiên được thành lập tại VN trên cơ sở thống nhất của các tỉnh, thành trong vùng.

Khách du lịch tham quan bến Ninh Kiều - Cần Thơ. Ảnh: Hoàng Hải

Cuộc họp mới đây tại thành phố Cần Thơ, Ban vận động thành lập MDTA dự kiến hội viên chính thức sẽ là các công ty du lịch và lữ hành tại các địa phương đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và các công ty trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, sản xuất thương mại, dịch vụ.

MDTA sẽ hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu phát triển, quảng bá, xây dựng hình ảnh du lịch ĐBSCL, xây dựng hệ thống thông tin chung, cùng cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các chương trình nâng cao ý thức cộng đồng về môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Theo Quyết định số 97 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch VN, vùng ĐBSCL thuộc tiểu vùng du lịch Tây Nam bộ, lấy TP Cần Thơ làm trung tâm với định hướng chính là phát triển du lịch sinh thái miệt vườn sông nước, sinh thái rừng ngập mặn, du lịch biển đảo Phú Quốc.

Trên cơ sở định hướng này, từng khu vực, từng tỉnh cần khai thác mạnh mẽ tiềm năng của địa phương để phát triển sản phẩm đặc trưng của riêng mình. Để hình thành các tour, tuyến du lịch hấp dẫn thì việc quy hoạch phát triển của các tỉnh, thành phố; việc xây dựng sản phẩm, xúc tiến quảng bá thương hiệu phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp.

Một trong những điểm yếu trong phát triển du lịch vùng ĐBSCL là cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng du lịch nói riêng còn thiếu thốn chưa đồng bộ. Chỉ tính trong 5 năm (2001 - 2006), ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng vùng ĐBSCL 279 tỷ đồng, chủ yếu là đầu tư cho hệ thống giao thông vào các khu du lịch.

Điều này đã khuyến khích các nhà đầu tư phát triển thêm cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của vùng như xây dựng khách sạn, nhà hàng, khu du lịch, khu vui chơi giải trí. Thời gian qua, một số khu, điểm du lịch được hình thành và thu hút được lượng khách du lịch khá lớn như khu du lịch cù lao Thới Sơn, Cái Bè (Tiền Giang), điểm du lịch chợ nổi Phụng Hiệp (Cần Thơ)...

Ngoài ra, Tổng cục Du lịch tranh thủ được nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) với tổng số vốn 8,5 triệu USD, đầu tư bến tàu, trạm xử lý rác thải, trạm thông tin quy mô nhỏ tại Tiền Giang và An Giang. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hiện nay cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế so với vùng khác.

Trong những năm tới, để phát triển du lịch ĐBSCL, ngành du lịch rất cần tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả quy hoạch các khu du lịch quốc gia để làm vai trò “hạt nhân”, “đầu tàu” thúc đẩy du lịch của cả vùng.

Bên cạnh đó cần chú ý đầu tư cơ sở hạ tầng vừa và nhỏ để nối tour, tuyến du lịch trong vùng, nhất là các vùng sâu, vùng xa. Hoạt động dịch vụ du lịch sẽ nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xoá đói, giảm nghèo và phát triển du lịch ĐBSCL bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
MDTA với sứ mệnh đánh thức tiềm năng du lịch Tây Nam bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO