HUBA cần quan tâm đến công tác hỗ trợ pháp luật cho thành viên

LS. NGUYỄN VĂN HẬU - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM| 25/07/2014 00:33

Trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay thì hơn lúc nào hết, doanh nghiệp (DN), doanh nhân cần nắm vững các quy định pháp luật để nâng cao năng lực cạnh tranh và tránh rủi ro pháp lý trong quá trình hoạt động.

HUBA cần quan tâm đến công tác hỗ trợ pháp luật cho thành viên

Trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay thì hơn lúc nào hết, doanh nghiệp (DN), doanh nhân cần nắm vững các quy định pháp luật để nâng cao năng lực cạnh tranh và tránh rủi ro pháp lý trong quá trình hoạt động.

Đọc E-paper

Thực tế thời gian qua cho thấy, do không nắm vững các quy định pháp luật nên rất nhiều DN phải gánh chịu những hậu quả rất nặng nề, từ quan hệ với người lao động cho đến với đối tác, bạn hàng và các cơ quan quản lý nhà nước.

Trong quan hệ với người lao động, do quản lý theo kiểu cảm tính, không chú ý đến các quy định pháp luật về lao động nên nhiều DN đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, sa thải người lao động trái luật..., dẫn đến hệ quả là DN bị buộc phải bồi thường cho người lao động với số tiền có khi lên tới hàng trăm triệu đồng.

Trong quan hệ với bạn hàng, do không nắm vững các quy định pháp luật nên DN thường đối diện với hai nguy cơ: thứ nhất là bản thân DN vi phạm luật mà không biết và buộc phải chịu các chế tài theo thỏa thuận trong hợp đồng như bồi thường thiệt hại, phạt hợp đồng...; thứ hai là DN bị đối tác lừa gạt, bị ràng buộc bởi những thỏa thuận bất lợi trong hợp đồng và có nguy cơ bị mất vốn, tài sản...

Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, chi phí DN bỏ ra để khắc phục hậu quả do việc không nắm vững quy định pháp luật cao hơn gấp nhiều lần so với chi phí dùng để đầu tư cho việc tìm hiểu pháp luật.

Từ thực tế đó, ngoài việc tự thân vận động, DN rất cần sự hỗ trợ hữu hiệu từ các tổ chức hội mà mình là thành viên, như HUBA chẳng hạn. Do đó, bên cạnh việc đào tạo, liên kết, xúc tiến thương mại, tìm thị trường..., HUBA cần có chương trình trợ giúp pháp lý cho các DN hội viên.

Và cũng từ thực tiễn cạnh tranh giữa các DN, chuyện hợp tác sản xuất, kinh doanh giữa các đối tác trong và ngoài nước, HUBA cũng nên tích cực đề xuất, kiến nghị với các cơ quan chức năng để hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh và tránh rủi ro pháp lý trong quá trình hoạt động, DN buộc phải tìm hiểu pháp luật, cần có cán bộ hoặc thành lập bộ phận pháp chế của DN. Trường hợp cần thiết có thể sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý của các trung tâm tư vấn pháp luật hoặc các tổ chức hành nghề luật sư.

Với mục đích cung cấp và nâng cao hiểu biết pháp luật của người dân cũng như DN, ngày 15/2/2014, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 666/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án "Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2014-2016 trên địa bàn TP.HCM".

Với tư cách là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án, Hội Luật gia TP.HCM mong muốn phối hợp với đội ngũ DN, các hiệp hội ngành nghề khác nhằm giúp DN nắm vững các quy định pháp luật, hiểu rõ vị thế, quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình trong các quan hệ pháp luật cụ thể nảy sinh trong quá trình hoạt động của DN.

Cùng với đó, để Đề án thực hiện thành công, UBND TP.HCM cũng đã đề ra cơ chế hỗ trợ DN tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Theo đó, tổ chức, DN hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được cấp phát tài liệu pháp luật, cung cấp thông tin miễn phí về chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực pháp luật được phổ biến, giáo dục; được quảng cáo trên cơ sở thỏa thuận bằng văn bản với Ban Điều hành Đề án được khen thưởng và tùy tình hình thực hiện, UBND TP.HCM sẽ áp dụng thêm các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ theo quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
HUBA cần quan tâm đến công tác hỗ trợ pháp luật cho thành viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO