Việc cử tri Anh bỏ phiếu chọn rời khỏi Liên minh châu ÂU (EU), hay còn gọi là Brexit, đã khiến hơn 3/4 số giám đốc điều hành (CEO) ở nước này tính đến khả năng rời trụ sở hoặc hoạt động ra khỏi nước Anh.
Theo hãng tin Bloomberg, đây là kết quả một cuộc khảo sát do hãng tư vấn-kiểm toán KPMG thực hiện với sự tham gia của 100 lãnh đạo doanh nghiệp Anh.
Khoảng 72% số CEO được khảo sát cho biết họ đã bỏ phiếu chọn Anh ở lại trong EU trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit diễn ra hôm 23/6.
Mặc dù 69% tin tưởng rằng nền kinh tế Anh sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2017 và 73% tin tưởng công ty của mình cũng tăng trưởng, nhưng có tới 76% số lãnh đạo doanh nghiệp được KPMG hỏi ý kiến cho biết họ đang tính chuyện rời khỏi Anh, bao gồm chuyển trụ sở hoặc chuyển sản xuất.
"Các CEO đang phản ứng trước sự bấp bênh ở Anh sau cuộc bỏ phiếu Brexit bằng cách lên kế hoạch dự phòng”, Chủ tịch KPMG tại Anh, ông Simon Collins, nói trong một tuyên bố. “Hơn một nửa tin rằng sẽ xảy ra những gián đoạn trong hoạt động kinh doanh ở Anh một khi nước này ra khỏi EU, và bởi vậy, đối với nhiều CEO, việc quan trọng cần làm là vạch ra các kịch bản khác nhau để phòng ngừa sự gián đoạn trong tương lai.
Kết quả cuộc thăm dò cho thấy giới doanh nghiệp ở Anh tin rằng Thủ tướng nước này Theresa May sẽ phải nỗ lực nhiều để giữ chân các doanh nghiệp và duy trì việc làm cho người dân trong quá trình tìm kiếm một thỏa thuận với EU. Việc đạt một thỏa thuận trong đó Anh có thể hạn chế dòng lao động di cư từ châu Âu, trong khi vẫn giữ được các quan hệ thương mại gần gũi nhất có thể giữa Anh với EU hoàn toàn không phải là một việc dễ dàng.
Trước cuộc trưng cầu dân ý Brexit, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh khi đó là George Osborne đã ước tính rằng Brexit có thể đe dọa tới 820.000 việc làm ở nước này.
Đồng Bảng Anh đã mất giá 13% so với đồng USD kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý nói trên, nhưng một vài trong số những dự báo u ám nhất về Brexit đã không trở thành hiện thực, nhất là về triển vọng kinh tế Anh. Mặc dù vậy, Thủ tướng May vẫn chưa chính thức khởi động quy trình Anh ra khỏi EU, và chỉ nói rằng sẽ không khởi động quy trình kéo dài 2 năm này trong năm 2016.
“Các nhà hoạch định chính sách cần thực sự quan tâm đến việc các doanh nghiệp ở Anh chuyển ra nước ngoài và cần sớm sát sao với doanh nghiệp để hiểu nguyện vọng của họ, cũng như theo dõi chặt chẽ bất kỳ sự dịch chuyển ra nước ngoài nào”, ông Collins khuyến cáo.
Theo vị chuyên gia này, các nhà chức trách Anh cần có hành động để đảm bảo rằng kế hoạch dự phòng cho Brexit của các doanh nghiệp tại nước này không trở thành “kế hoạch A”. “Chuyển trụ sở là một vấn đề cực đoan và được báo giới chú ý, nhưng các công ty có thể bắt đầu chuyển hoạt động ra nước ngoài lúc nào không hay”, ông Collins cảnh báo.
Trong cuộc khảo sát này, KPMG đã phỏng vấn 100 CEO người Anh của các công ty có doanh thu hàng năm ít nhất 100 triệu Bảng, tương đương 130 triệu USD, và có ít nhất 500 nhân viên. Cuộc khảo sát diễn ra trong vòng 4 tuần từ giữa tháng 7.
>Hậu Brexit: Người dân Scotland muốn rời Anh, ở lại EU
>Brexit thay đổi mối quan hệ thịnh vượng chung Anh
>Khi các "nạn nhân" của Brexit lên tiếng