Vượt bão Covid-19, TTC đã làm thế nào?

Đặng Văn Thành (*)| 27/10/2020 05:48

Covid-19 gây ra nhiều khó khăn nhưng đây cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp Việt trưởng thành hơn, "cởi trói" quan điểm cũ, chủ động ứng biến để phù hợp với tình hình mới.

Ứng biến thật nhanh

Trong thời điểm hiện tại, làm thế nào giúp doanh nghiệp trụ lại và vượt qua khủng hoảng, góp phần phục hồi nhanh nền kinh tế là giải pháp cấp bách nhất cần sự chung tay của cả Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng.

Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC

Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC

Thị trường tài chính vẫn là cột sống để duy trì nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng. Trong thời điểm thị trường chứng khoán đang lao dốc như hiện nay, việc bán giải chấp (force sell) theo lập trình sẵn có chỉ tạo thêm nguồn cung dư thừa trên thị trường. Lúc này, rất cần sự chủ động từ phía các công ty chứng khoán, cần gặp gỡ, trao đổi để tháo gỡ khó khăn với khách hàng là các tổ chức, cá nhân có sử dụng giao dịch ký quỹ.

Đích thân tôi gặp các công ty chứng khoán nắm danh sách cổ đông của tập đoàn đang giao dịch ký quỹ để phân tích về các giải pháp như chấp nhận những tài sản thông thường không được chấp nhận để bổ sung vào ký quỹ, chấp nhận sự bảo lãnh tín chấp, tăng tỷ lệ ký quỹ lên, hoặc nếu thanh lý thì thanh lý cho Chính chủ và phân kỳ ra để họ trả dần. Với những giải pháp đã đặt ra, các công ty chứng khoán có phản ứng rất tích cực.

Bài học rút ra ở đây là cần có sự gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi tháo gỡ khó khăn từ các công ty chứng khoán với khách hàng là tổ chức, cá nhân có sử dụng giao dịch ký quỹ (margin)... Qua đó tìm giải pháp để cùng nhau tháo gỡ và góp phần ổn định thị trường. Nếu không, chỉ xử lý "force sell" thì sẽ tăng nguồn cung không cần thiết ra ngoài thị trường. Đó là "cung không có cầu" - "cung không ai mua" và càng làm thị trường xấu đi. Hành lang pháp lý và cơ chế hướng dẫn trong những trường hợp khẩn cấp là cần thiết, nhưng nếu chưa có sao không ngồi với nhau, chủ động đến gặp các doanh nghiệp để tìm ra các giải pháp như chứng thư bảo lãnh từ công ty mẹ, bổ sung các loại chứng khoán khác, hoặc tăng tỷ lệ margin... Với chứng thư đến từ sự cam kết của các doanh nhân có uy tín, những người sáng lập đã gầy dựng và tạo dựng nên tên tuổi doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm dịch vụ, những người sẵn sàng sống chết vì đứa con tinh thần thì đây thực sự là "cam kết đáng tin cậy và trọng lượng nhất".

Như vậy, cơ chế "cùng phối hợp" đến từ các ngân hàng và các công ty chứng khoán nhằm có giải pháp kịp thời đồng hành cùng các khách hàng tốt, vượt qua khó khăn là hết sức cần thiết. Chỉ có như vậy, tất cả mới cùng sớm quay về cơ chế ổn định khi dịch bệnh qua đi và mang lại sự hợp tác phát triển bền vững cho tất cả các bên.

Tranh thủ dòng vốn dịch chuyển từ ngoài vào

Từng đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng trong hơn bốn thập kỷ kinh doanh trên thương trường, điều nhận thấy là việc lãi suất cao thực sự là một gánh nặng cho các doanh nghiệp Việt. Muốn gọi được vốn, nguyên tắc trước tiên là phải minh bạch hóa tài chính để tiếp cận với nhiều nguồn vốn, đặc biệt là công khai minh bạch tài chính với các cổ đông.

Khi gặp khó, các doanh nghiệp nên chủ động tìm nguồn vốn ở các quỹ mạo hiểm. Hay trong khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp nên dùng "lương khô" trước vì không thể trách được sự "dè dặt" của các ngân hàng trong vấn đề cho vay. Các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm hơn đến thị trường vốn là nơi mà những người có nhu cầu đầu tư không chuyên cũng có thể tham gia. Biến động như hiện nay đặt doanh nghiệp vào tình thế bị động, nếu tiếp cận được thị trường vốn thì doanh nghiệp sẽ không quá khó khăn.

Nhận định về những cơ hội giúp Việt Nam bật lên sau đại dịch, ông nhấn mạnh đến sự dịch chuyển của dòng vốn thế giới về Việt Nam. Việt Nam cũng nên mở rộng thêm thị trường xuất khẩu cũng như cơ cấu lại thị trường nhập khẩu để đón nhận sự chuyển dịch lớn của dòng vốn thế giới. Đây sẽ là một cơ hội rất lớn.

Muốn kiểm soát được chi phí một cách hiệu quả, lãnh đạo doanh nghiệp phải nhận thức và sớm áp dụng công nghệ, số hóa... để định biên lại, xây dựng sơ đồ bộ máy tinh gọn, "cởi trói" cho quan điểm xưa nay trong câu nói "thừa mà thiếu, thiếu mà thừa". Mặt khác, khủng hoảng dịch bệnh cũng là cơ hội để các doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong chuyển đổi số.

Đánh giá tình hình kinh doanh trong 3-6 tháng tới, các doanh nghiệp Việt nên tập trung vào thị trường nội địa. Để trụ lại thị trường mà không bị đào thải, sản phẩm - dịch vụ phải có sức hút khách nội địa? Với các ngành sản xuất, đầu vào phải cơ cấu lại để không quá lệ thuộc vào Trung Quốc. Tôi vẫn lạc quan, hồi phục kinh tế Việt Nam tất nhiên có độ trễ, có thể phải sang hai quý cuối năm, bởi hiện nay mới chỉ khống chế được dịch và đang phục hồi từng phần.

mia-1-8941-1603770094.jpg

Kinh nghiệm từ TTC

Với một tập đoàn đa ngành, hơn 40 năm hình thành và phát triển, TTC từng đối diện với nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế như vào năm 1997 và năm 2008, nhưng thực sự khủng hoảng lần này quá bất ngờ.

Đối với mảng du lịch, cùng chung khó khăn như những doanh nghiệp khác, song đây cũng là dịp chúng tôi có thể đào tạo lại cán bộ. Tuy nhiên, ngành mía đường thuộc mảng lương thực - thực phẩm nên trong đợt dịch này, chúng tôi không ảnh hưởng nhiều và tăng trưởng tốt. Trong tháng 3, chúng tôi xuất khẩu và cung ứng cho nội địa khoảng 96.000 tấn đường và tháng 4 là 106.000 tấn. Dự kiến từ nay cho đến cuối năm, con số này sẽ tăng. Mía đường cũng chính là mảng đóng góp chủ yếu vào doanh thu của TTC trong những năm qua.

Để làm được điều đó, tập đoàn liên tục nghiên cứu, phát triển để đưa ra những sản phẩm mới mà thị trường cần, nhất là khi sản lượng đường Thái Lan đang giảm sút do ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Đây là cơ hội để TTC có thể tận dụng, đưa ngành mía đường của Việt Nam sánh vai với các thị trường lớn trong khu vực.

Đại dịch cũng là dịp để các doanh nghiệp tự nhìn lại mình, xác định rõ đâu là thế mạnh cốt lõi, đâu là ngành cần phải kiên quyết cắt bỏ, tránh đầu tư dàn trải, tối ưu chi phí. Có nhiều tập đoàn trên thế giới đã đưa ra quyết định từ bỏ hẳn ngành nghề cũ đã đem lại doanh thu, danh tiếng của mình để chuyển hướng sang ngành nghề mới, chiến lược cũng ứng biến hết sức linh hoạt. Với TTC, đây cũng là dịp để tái cơ cấu mô hình đa ngành, nâng cao sức cạnh tranh cho chính mình, tạo nên dòng tiền mới với biên độ thị trường rộng lớn hơn.

(*) Chủ tịch Tập đoàn TTC

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vượt bão Covid-19, TTC đã làm thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO