Giám đốc nhân sự một công ty chuyên về tài chính cho biết, từ đầu năm đến nay công ty chị liên tục tìm kiếm vị trí Giám đốc công nghệ (CTO) là người Việt với mức lương 10.000 USD, nhưng suốt 3 tháng không có bất cứ cá nhân nào ứng tuyển, buộc công ty phải tìm tới các đơn vị săn đầu người. Tuy nhiên, hầu hết công ty này đều cho biết, với mức lương này rất hiếm cá nhân nào chịu vì công việc đòi hỏi không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn nắm bắt xu hướng của thị trường.
“Tôi có nhờ một công ty chuyên về nhân sự tìm kiếm người nhưng họ yêu cầu mức lương cho cá nhân đó phải dao động 15.000-17.000 USD. Cuối cùng họ cũng tìm được cho công ty một CTO người nước ngoài”, Giám đốc nhân sự công ty này cho biết.
Không chỉ trong lĩnh vực tài chính, chị Thanh, giám đốc nhân sự một doanh nghiệp bảo hiểm cũng cho biết, hai tháng trước công ty chị đỏ mắt tìm nhân sự cấp cao trong ban điều hành, đặc biệt là vị trí CTO rất khó kiếm. Cuối cùng công ty buộc phải đưa ra mức lương gần 16.000 USD để có được nhân sự cho vị trí này.
Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc dịch vụ tuyển dụng và tư vấn nhân sự ManpowerGroup Việt Nam cho biết, thị trường nhân sự cấp cao năm nay rất sôi động, hơn hẳn những năm trước. Dù đưa ra mức lương rất cao nhưng chưa chắc đã tìm được người. Nếu các năm trước mức lương 10.000 USD một tháng cho các vị trí cao cấp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tiêu dùng... đều có ứng viên ứng tuyển thì nay hầu như không tuyển được người.
Với các mức lương dao động 15.000-20.000 USD phải kèm theo nhiều ưu đãi lớn thì mới có được nhân sự. Ví dụ như với vị trí CTO tại một doanh nghiệp, ngoài được hưởng mức lương trên, một năm người đó còn được thưởng khoảng 30% lương, sau 3 năm sẽ có thưởng thâm niên. Từ năm thứ 4, cứ mỗi một năm nhận 4 tháng lương thâm niên nữa. Mức này chưa tính tới các vị trí CEO.
“2 tháng trước, ManpowerGroup Việt Nam cũng ráo riết tìm kiếm 2 vị trí CTO cho doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, hiện nay ngay cả các công ty Startup thuộc các mảng như E-Commerce, công nghệ của Việt Nam vẫn chưa có nhân sự cấp cao này, do đó chúng tôi phải tìm người nước ngoài hoặc Việt kiều với mức lương trên 200 triệu đồng và phải mất một tháng mới tìm được”, bà Trang nói.
Bà cho biết thêm, đối với các vị trí quản lý cấp cao và thuộc ban điều hành công ty, mức lương hiện tại các ứng viên nhận được có thể lên đến trên 300 triệu một tháng cộng với các phúc lợi khác. Với các vị trí thấp hơn như Giám đốc bán hàng toàn quốc cho các thương hiệu hàng tiêu dùng nhanh có thu nhập (lương + thưởng + ưu đãi) dao động từ 5-10 tỷ một năm, đa số là người Việt nắm giữ.
Theo bà Trang, chất lượng nhân sự cấp cao của Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu tích cực, người Việt ngày càng thích ứng và giỏi trong điều hành và quản lý. Nếu cách đây khoảng 5-7 năm các vị trí giám đốc toàn quốc của các doanh nghiệp bán lẻ, hàng tiêu dùng nhanh - đa số là người nước ngoài, thì bây giờ đã chuyển giao cho người Việt.
Do nền kinh tế Việt Nam mở cửa từ 15-20 năm trở lại đây, các nhân sự nước ngoài vào nhiều nên người Việt được học, trải nghiệm và trưởng thành ở một số vị trí. Tuy các vị trí cấp cao nói trên chưa tìm được người trong nước, nhưng trong tương lai họ sẽ dần học và đáp ứng được.
Chia sẻ về việc giữ chân nhân tài, bà Trang cho rằng, dù được đáp ứng mức lương cao nhưng với nguồn nhân tài này thì ngoài lương thưởng điều họ quan tâm chính là tạo ra sản phẩm có ích cho môi trường, con người. Ngoài ra, họ phải được tin tưởng và trao quyền thì lúc đó mới muốn gắn bó và cống hiến lâu dài.
Báo cáo của ManpowerGroup mới đây cho thấy, 45% doanh nghiệp toàn cầu đang gặp khó khăn trong tuyển dụng, nhất là nhân sự cao cấp. Đây cũng là tỷ lệ cao nhất 12 năm qua. Đặc biệt, nhóm ngành nghề đặc thù như: Công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe, tài chính và kỹ thuật là nhóm thiếu hụt nhiều nhất. Tình trạng này cũng đang diễn ra tại Việt Nam. 3 năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cao cấp ở Việt Nam tăng ít nhất 20% một năm.
Tuy nhiên, nhu cầu đáp ứng của thị trường không đủ khiến tình trạng thiếu hụt ngày càng gia tăng. Cũng phản ánh tình trạng khan hiếm nhân sự cao cấp, Navigos Search chỉ ra rằng, các doanh nghiệp đang bước chân vào cuộc chiến về mặt thu hút nhân tài. Hiện có đến 41% doanh nghiệp Việt cảm thấy khó khăn trong việc tìm ứng viên chất lượng cho vị trí quản lý.
(Theo Vnexpress - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)