Áp lực mới của ngành bán lẻ

HỒNG NGA| 21/04/2018 05:35

Làn sóng công nghệ 4.0 đem lại nhiều thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp (DN) bán lẻ nhưng cũng kèm theo không ít thách thức buộc DN phải thay đổi.

Áp lực mới của ngành bán lẻ

Theo số liệu từ sàn thương mại điện tử (TMĐT) Sen Đỏ, hiện Việt Nam có 49 triệu người (50% dân số) sử dụng internet. Trong số đó có đến 58% người dùng internet từ 3 - 7 giờ/ngày. Điều đáng lưu ý là có đến 62% người sử dụng internet mua sắm trực tuyến các mặt hàng quần áo, gia dụng, đồ cho mẹ và bé, điện thoại di động...

Chính sự phổ biến của công nghệ thông tin, tốc độ tăng trưởng của TMĐT (đạt 25 - 30%/năm) đã tạo thuận lợi cho sự phát triển của bán lẻ trực tuyến, điển hình là sàn TMĐT Sendo.vn. Nhiều năm nay, Sendo.vn luôn duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân ở mức 300% mỗi năm.

Link bài viết

Cuối năm 2017, mỗi tháng Sendo.vn có hơn 40 triệu người sử dụng với hơn 4 triệu lượt tải ứng dụng trên cả Android lẫn iOS. Mỗi tháng, trang bán hàng trực tuyến này luôn có 200.000 nhà bán hàng với hơn 80.000 cửa hàng hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc Đối ngoại Công ty Công nghệ Sen Đỏ cho biết, chỉ có công nghệ mới mang lại sự phát triển bán lẻ nhanh như vậy. Hiện Sen Đỏ phát triển và vận hành nền tảng kỹ thuật cho phép các đối tác (nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển, quảng cáo, chăm sóc khách hàng...) kết nối để đem lại giá trị gia tăng cho khách hàng.

Quy trình bán hàng của cửa hàng (khách hàng đặt hàng qua website Sendo.vn, cửa hàng xác nhận và chuẩn bị hàng hóa, đối tác vận chuyển lấy hàng từ địa chỉ của cửa hàng, giao hàng cho khách và thu tiền, Sendo.vn thanh toán tiền hàng cho cửa hàng) trên Sendo.vn là quy trình khép kín và hoàn toàn bằng công nghệ.

Dù có những thuận lợi như vậy nhưng theo các DN, sự phát triển của TMĐT cũng mang đến những thách thức lớn cho ngành bán lẻ. Cụ thể, những đối thủ lớn, trang bị công nghệ hiện đại theo xu hướng 4.0 sẽ khiến các DN đứng trước nguy cơ mất thị phần, nhân sự và lợi thế cạnh tranh.

Phân tích rõ hơn các nguy cơ này, ông Liêu Hưng Tiến - Giám đốc Kinh doanh Công ty Haravan cho rằng, trong thời đại TMĐT, hành vi mua sắm của khách hàng đã thay đổi. Người mua hàng dễ dàng tìm thấy thông tin người bán và nhà cung cấp trên mạng với mô tả sản phẩm, nguồn gốc và giá cả rõ ràng.

Thêm vào đó, người mua có thể đặt hàng từ bất cứ nhà cung cấp nào ở trong nước, thậm chí mua hàng ở các quốc gia khác, hàng cũng sẽ được giao đến tận nhà. Chính vì thế, lợi thế cạnh tranh về mặt địa lý hay giá cả của DN Việt đều giảm mạnh vì khách hàng dễ dàng tìm được nhà cung cấp giá rẻ hay chất lượng tốt hơn. Các khách hàng thế hệ Y và Z thích nghi rất nhanh với xu hướng này.

Mối nguy thứ hai là DN bán lẻ phải đối diện với hình thức bán hàng và khách hàng xuyên biên giới. Đây là sự thay đổi rất lớn, chưa từng xảy ra từ trước đến nay và sẽ thay đổi vĩnh viễn môi trường kinh doanh cũng như ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều DN Việt. Hiện các nước nhìn thị trường Đông Nam Á như một quốc gia với 600 triệu người.

Và áp lực bán hàng từ các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, rất lớn. Một năm trước, Tập đoàn Alibaba đã mua Lazada. Kế hoạch mở rộng thị trường vào Đông Nam Á của Alibaba đã được công bố vài năm trước, hiện tại kho ngoại quan của tập đoàn này đã được xây dựng ở biên giới Lạng Sơn và sẽ chính thức hoạt động trong một, hai năm tới.

CEO Lazada công bố đã mua được hàng hóa từ 6 nước trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc. Như vậy, hàng hóa trên hệ sinh thái B2C, C2C của Alibaba như Taobao, 1688... rồi sẽ được kết nối lên trang Lazada để phân phối đến người dân Việt Nam ở mọi miền và mọi ngóc ngách của đất nước.

Trong khi các mối đe dọa và nguy cơ tiềm ẩn đang lan rộng thì các DN Việt Nam đa phần chỉ mới dừng lại ở hành động hô hào mà chưa có những phương án thay đổi thực tiễn. Ông Liêu Hưng Tiến cho rằng, trong thời buổi hiện nay, DN nếu chỉ bán hàng online hoặc offline sẽ rất khó tồn tại và phát triển.

Bởi bán hàng offline, DN sẽ tốn rất nhiều chi phí cho mặt bằng, nhân viên..., còn nếu chỉ bán hàng online cũng rất khó khi phải đối diện với những rào cản về lòng tin người tiêu dùng, vấn đề vận chuyển và thanh toán. Vì thế, theo các chuyên gia, muốn tồn tại và phát triển trong thời đại công nghệ số, các DN phải đầu tư công nghệ, nâng cao kiến thức về cộng đồng, về kinh nghiệm bán lẻ và thay đổi phương thức bán hàng theo hình thức đa kênh.

Hãng giày Việt Nam Juno là một điển hình của sự kết hợp đa kênh trong lĩnh vực bán lẻ đang được nhắc đến nhiều trong hai tuần gần đây. Ngày 1/4, Juno thực hiện chiến dịch marketing rất lạ và đã thu hút một lượng khách hàng rất lớn. Chuẩn bị chương trình ưu đãi mùa hè, Juno đã tung ra đoạn video về sự ra mắt của đôi giày có chức năng "chống ế” mang phong cách vui vẻ, hài hước.

Sau khi đăng tải lên fanpage của Hãng, đoạn video nhận được gần 2 triệu lượt xem, trăm nghìn lượt thích kèm nhiều bình luận. Quan trọng hơn, khi chương trình khuyến mãi được công bố, 69 cửa hàng Juno trên toàn quốc đã đón hàng nghìn khách hàng đến mua sắm.

Trên kênh online đã có 10.000 đôi giày được đặt hàng chỉ trong 10 phút đầu tiên mở bán. Trước đó, chương trình khuyến mãi Black Friday do DN này thực hiện trong tháng 11/2017 cũng đã giúp họ thu được 1 triệu USD trong một ngày với 100.000 đôi giày cùng túi xách, phụ kiện thời trang được bán ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Áp lực mới của ngành bán lẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO