Chót vót trên mõm núi đá. Ảnh: Đặng Hồng Thức |
Việc đặt vé sớm mang lại một số lợi ích, như có thời gian sắp xếp công việc, gia đình, kế hoạch luyện tập, tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, khi đã có lịch trình và xác nhận của công ty du lịch thì xem như bạn đã ở vào thế “đi là đi thôi”.
Nhưng bạn không thể leo đến căn cứ xuất phát chinh phục đỉnh cao Everest (Everest Base Camp - EBC) chỉ với tinh thần tốt mà thiếu thể lực. Để chuẩn bị cho chuyến đi này, trước ngày đi 3 tháng, nhóm chúng tôi luyện tập theo lịch trình: mỗi tuần đi bộ ít nhất 15km, lên xuống cầu thang 300 lần hoặc đạp xe 50km. Bơi lội cũng là cách luyện tập sức bền rất tốt. Ngoài ra chúng tôi có thử chinh phục núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) cao 986m trong 1 ngày và Bidoup (Lâm Đồng) cao 2.287m trong 2 ngày 1 đêm.
Do điều kiện thời tiết Everest khắc nghiệt, âm độ và có thể có tuyết nên trang phục là khâu cực kỳ quan trọng và cần được đầu tư kỹ lưỡng. Ba vùng cơ thể cần bảo vệ khi đi xứ lạnh, gồm phần tai nên sử dụng nón len có nỉ bên trong, kéo trùm xuống che kín tai, kết hợp áo nỉ hoặc áo đi tuyết có nón trùm đầu để có lớp bảo vệ thứ 2. Miệng và mũi cũng cần được trang bị kỹ do phải hít khí lạnh trực tiếp, dễ bị viêm phổi nên có 1 khăn đa năng bảo vệ, giúp hơi thở ấm hơn. Với phần tay, trong 3 ngày đầu có thể dùng găng tay len hoặc da vì chưa quá lạnh.
Từ ngày thứ 4 trở đi nên xài găng tay chống tuyết, chống nước và gió. Còn phần chân nên chuẩn bị 2 quần heattech, 1 quần nỉ và 1 quần chống nước (gió). Nên chọn loại giầy chống nước, ưu tiên cổ cao và nhất định phải lớn hơn 1 size để không bị đau chân. Hai ngày cuối của hành trình nhiệt độ thường lạnh hơn nên chúng tôi phải dùng 2 vớ (tất).
Nhiều bạn hỏi muốn chinh phục EBC thì cần mặc bao nhiêu chiếc áo? Điều này tùy vào áo bạn đang mặc có độ dày mỏng như thế nào. Lúc lên tới EBC nhiệt độ -17, có tuyết rơi và gió lạnh thì nên mặc lớp thứ nhất là áo heattech bó sát, lớp thứ 2 là áo thun thường để thấm mồ hôi và ngăn không thấm sang lớp thứ 3 cũng là áo heat- tech, còn lớp thứ 4 là áo nỉ ấm, ưu tiên có nón đội đầu để che phần tai, lớp thứ 5 là áo lông ngỗng mỏng, lớp thứ 6 là áo lông ngỗng dày và lớp thứ 7 là áo chống nước và gió.
Đặt chân đến Everest Base Camp. |
Việc bảo vệ đôi chân là điều cực kỳ cần thiết. Bởi chân không chỉ giúp bạn đi đứng vững vàng mà còn gánh cả khối lượng cơ thể cộng thêm khoảng chục kg hành lý... vượt qua đoạn đường hơn 120km với địa hình hiểm trở của nóc nhà thế giới Everest.
Đừng quên mua bảo hiểm du lịch. Chưa sân bay nào chúng tôi đến mà thấy có nhiều trực thăng như ở Nepal. Số trực thăng đếm được tại đây phải đến hơn 20 chiếc, chưa kể những chiếc đang bay. Trong hành trình 12 ngày leo núi, tiếng trực thăng trở nên quá đỗi quen thuộc, bởi cứ hơn 30 phút lại thấy 1 chiếc bay ngang qua.
Sau này hỏi hướng dẫn viên mới biết, đó là trực thăng cấp cứu, đưa người bệnh hoặc không đủ sức khỏe tiếp tục hành trình, buộc phải xuống núi khẩn cấp để đảm bảo tính mạng. Chi phí cho 1 chuyến trực thăng từ trên núi xuống sân bay Lukla khoảng 1.000USD, quay về Kathmandu khoảng 3.000USD - số tiền khá lớn đối với 1 du khách nên việc mua bảo hiểm trước chuyến đi là vô cùng quan trọng.
Cùng thời điểm nhóm chúng tôi đi có trường hợp đáng tiếc là người Nhật Bản 20 tuổi leo núi một mình, bị bệnh nhưng chủ quan không liên hệ hỗ trợ khẩn cấp nên đã qua đời khi chưa kịp xuống núi. Một nam diễn viên người Anh cũng phải xuống núi khi cách đỉnh chỉ 1 ngày đường vì viêm phổi...
Nhóm chúng tôi đã mua bảo hiểm du lịch gói cao cấp với gói phí khoảng hơn 1 triệu đồng. Để chọn gói bảo hiểm phù hợp với chuyến thám hiểm, các bạn có thể nhờ công ty du lịch tư vấn và tham khảo thêm các hãng bảo hiểm uy tín. Nhớ xem kỹ các điều khoản và in ra 1 bản mang theo phòng khi dùng đến. Nhưng lưu ý, bảo hiểm chỉ là giải pháp cuối cùng khi có sự cố, còn để đảm bảo cho hành trình suôn sẻ thì chúng ta cần chuẩn bị thật kỹ sức khỏe và tinh thần...
Bò Yak lông dài ở Everest |
Ăn gì khi tìm đến EBC Du khách đến với EBC đa phần từ các nước châu Âu, Úc, Mỹ... nên các món ăn thường đậm chất phương Tây như pizza, mì Ý, phô mai, toast, trứng... hoặc một số món địa phương có nhiều cà ri. Thực đơn này thường không hợp khẩu vị người Việt Nam. Vì thời tiết khắc nghiệt cũng như thổ nhưỡng nơi đây không phù hợp cho việc trồng đa dạng các loại rau củ, chủ yếu là hành, tỏi, cải, khoai tây... nên món canh rau khá đơn điệu.
Một điểm đặc biệt nữa là cư dân nơi đây không giết mổ động vật, nguồn thịt luôn được vận chuyển từ Kathmandu lên núi cao sau 3 - 5 ngày đường nên sẽ không đảm bảo độ tươi.
Trong suốt hành trình 12 ngày chinh phục EBC, nhóm chúng tôi thường chỉ ăn mì trứng, cơm chiên trứng, bánh mì trứng, pizza, nui. Càng lên cao, không khí càng loãng, lượng oxy cung cấp không đủ khiến cho cơ thể mệt mỏi, các cơ quan hoạt động không hiệu quả dễ gây ra các vấn đề tiêu hóa và hiện tượng biếng ăn.
Các món lặp đi lặp lại mỗi ngày và “ăn gì đây?” là câu hỏi thường được nêu ra trước từng bữa ăn. Ăn và ngủ là 2 hoạt động quan trọng giúp cung cấp năng lượng cho cả ngày trekking (đi bộ) vất vả.
Gian nan Everest Base Camp |
Để chinh phục EBC suôn sẻ, chúng ta cần chủ động cải thiện bữa ăn bằng một số món mang sẵn từ Việt Nam như chà bông, thịt sấy, xúc xích, đồ hộp, phô mai, các loại hạt (đậu phộng, hạt điều), bánh quy, các loại mứt, trái cây sấy khô, mì gói và cháo gói. Một điểm lưu ý nữa là do không có thời gian và không gian nấu nướng nên đừng mang đồ chưa chế biến như lạp xưởng, thịt xông khói.
Giữa đường đi có thể đói bất cứ lúc nào nên cần mang sẵn một vài thanh kẹo hoặc bánh, sô cô la giúp cung cấp năng lượng kịp thời. Còn trong mỗi bữa ăn luôn có lựu, táo và quýt do hướng dẫn viên mang theo nên không lo thiếu vitamin trái cây.