Vội vàng Nhật Bản

MAI SƠN| 21/02/2015 07:32

Chuyến đi vội vàng nhưng quá nhiều điều phải suy ngẫm về Nhật Bản.

Vội vàng Nhật Bản

Chuyến đi vội vàng nhưng quá nhiều điều phải suy ngẫm về Nhật Bản.

Đọc E-paper

Một gương mặt hiền hòa

Trên chuyến bay từ Sài Gòn đến Tokyo đêm đó, tôi được ngồi bên cạnh một nhà sư người Nhật. Ông nói chút ít tiếng Anh và chủ động bắt chuyện với tôi. Ông ngồi cạnh cửa sổ, vẻ mặt hiền hậu, cử chỉ khoan thai, chính xác.

Tôi không biết ông có ngủ chút nào không suốt hơn năm giờ bay, vì thấy ông cứ ngồi bất động với đôi tai nghe gắn chặt vào tai. Đến rạng sáng, khi máy bay sắp hạ cánh, tôi xin đổi chỗ với ông để được nhìn đất đai, phong cảnh Nhật Bản bên dưới, ông vui vẻ đồng ý.

Nhưng hóa ra bên dưới cánh máy bay đang hạ dần độ cao không phải là thành phố Tokyo (sau này tôi mới biết các sân bay ở Nhật được xây dựng ở rất xa khu dân cư đông đúc).

Chúng tôi lưu luyến chia tay nhau, phút giây đó tôi muốn nói ông là người Nhật đầu tiên đón tôi vào ngôi nhà rộng lớn của đất nước ông. Nhưng tôi sẽ còn bắt gặp hoặc gần gũi với nét mặt thanh thản, nụ cười cởi mở, thần thái an vui của ông trên khắp các chặng đường tôi đi qua.

Ngôn ngữ con người

Nhà sư đó còn tiêu biểu cho nước Nhật về một phương diện khác: không cần thông thạo ngoại ngữ, ngay cả tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới. Nghe nói đó là một phần của niềm tự hào dân tộc và tinh thần độc lập của người Nhật.

Hình như họ cho rằng thế giới sẽ phải học chữ viết và tiếng nói của họ, giống như đang sử dụng rất nhiều tiện nghi văn minh do họ làm ra. Tôi không biết sự thiếu vắng công cụ giao tiếp đó ảnh hưởng thế nào đến các quan hệ quốc tế của nước Nhật, nhưng trong “khuôn khổ” một tuần sinh hoạt, đi lại thăm thú, mua sắm của các đồng nghiệp và tôi, thực sự là không có bất kỳ trở ngại nào đáng kể.

Bởi vì tính trung thực, ân cần, kiên nhẫn của người Nhật và chất lượng hảo hạng của các dịch vụ, sản phẩm đã “nói lên” tất cả. Tôi gọi đó là ngôn ngữ phổ quát của con người.

Đồng xu và khối thịnh vượng

Vừa rời khỏi sân bay được vài phút, từ cửa sổ xe buýt, câu chuyện kỳ lạ của nước Nhật đã dần len lỏi vào đầu khi tôi bắt gặp cái bảng giá khách sạn được trang trí thật đẹp, công phu, rõ to trên cao, như thể cái (bảng) giá đó không bao giờ thay đổi vậy.

Tại sao? Người hướng dẫn viên Nhật gián tiếp trả lời tôi: Chai nước suối này (ông đưa chai nước suối đang cầm trong tay lên cao) suốt 30 năm qua đã... tăng giá từ 100 lên 120 yên.

Giá cả sinh hoạt, giá các mặt hàng tiêu dùng, tiện nghi gia đình ở Nhật đắt đỏ nhất thế giới thì ai cũng biết, nhưng mặt khác ai cũng rõ đồng yên có giá trị nhất, nhì thế giới và như một hệ quả, những đồng tiền kẽm, kể cả đồng 50 xu, đồng 1 yên, vẫn luôn hiện diện trong mọi giao dịch mua bán hằng ngày.

Không có chúng trong túi, bạn sẽ gặp nhiều bất lợi đấy. Trong một đêm khuya, ngoài trời mưa lớn, với một vốc tiền kẽm, tôi đã lang thang tìm đến trụ bán hàng tự động để mua mấy lon bia Asahi.

Đêm đó, tôi chợt nghĩ về Việt Nam và tự hỏi bằng cách nào chúng ta có thể làm những trụ bán chai nước tự động như thế này khi mà đồng tiền mất giá liên tục và những đồng xu đã nhanh chóng biến mất.

Tới đây cần phải nói ngay nhận xét của tôi về nền kinh tế đứng thứ ba thế giới này. Nhật có vô số thương hiệu uy tín, nhưng vì sao các công trình và sản phẩm của họ lại luôn đắt nhất thế giới?

Theo hiểu biết hạn hẹp của tôi, do tuân thủ nghiêm những chuẩn mực về một nền kinh tế lành mạnh, họ đề cao giá trị bền vững, tức là phải đầu tư rất lớn cho nhân công, xã hội và cho việc giữ gìn môi trường; trong khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã “sản xuất” bằng mọi giá, bất chấp sự hy sinh con người và xã hội, để tung hàng hóa rẻ ra khắp thế giới nhằm thu lợi và làm giàu nhanh chóng.

Nói theo ngôn ngữ kinh tế học là, Nhật vừa tăng trưởng kinh tế vừa phát triển xã hội; trong khi đó Trung Quốc chỉ đạt được những con số tăng trưởng phiến diện, không có nội hàm nhân bản.

Một người Việt Nam ở Nhật

Đi giữa Tokyo, Kyoto, Osaka mà cứ thỉnh thoảng “ngoảnh nhìn” về Việt Nam thì mất vui, thậm chí sẽ rất buồn, nhưng những hình ảnh tương phản không làm sao biến khỏi đầu óc được, đặc biệt là từ sau buổi gặp gỡ ngắn ngủi với GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Tokyo).

Ông ở Tokyo đã hơn 40 năm nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Ông từng là thành viên Hội đồng Cố vấn của Thủ tướng Nhật trong hơn 10 năm, và là cả một kho tàng tài liệu cho ai muốn tìm hiểu về nước Nhật hiện đại.

GS. Trần Văn Thọ cho biết, người Nhật rất thích đầu tư vào Việt Nam, vì mấy lý do sau: hai dân tộc có cùng màu da; từ sâu xa có chung một nền văn hóa hình thành trên nền tảng sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, cùng chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa nên Nho giáo, Đạo giáo và nhiều chuẩn mực Trung Hoa có thể tìm thấy trong văn hóa cả hai nước, khoảng cách địa lý gần gũi (chỉ 5 giờ bay), và quan trọng hơn cả, Việt Nam là một đất nước giàu tiềm năng.

Qua GS. Thọ, chúng tôi biết được Thủ tướng Nhật Waseda (người sáng lập ngôi trường ngày nay mang tên ông) từng gặp Phan Bội Châu và khuyên người chí sĩ Việt Nam đại khái là: “Chưa đánh Pháp nổi đâu. Hãy lo học hành trước đã”.

Và câu nói đó đã gợi ý cho Phan Bội Châu gầy dựng phong trào Đông Du. Câu chuyện tuyệt hay mà ông kể lại (qua một bài báo) là câu chuyện “Thượng tôn pháp luật: Sức mạnh của Nhật Bản thời Minh trị duy tân”.

Mỹ học về sự sống và cái chết

Người Nhật làm cái gì cũng với tinh thần cầu toàn, làm đến nơi đến chốn, để có thể tổng kết thành quy phạm, thành nghệ thuật, thành tinh túy. Có nghệ thuật cắm hoa (Ikebana), nghệ thuật gấp hoa (Kusudama), trà đạo (Chado), nghệ thuật cắt giấy (Kamikiri)...

Nhìn chung, nước Nhật có cả một nền mỹ học cho mọi sinh hoạt đời sống, và kỳ lạ thay, có cả mỹ học về cái chết. Vâng, chết cũng phải chết cho đẹp, tự sát cũng phải tự sát cho xứng đáng.

Không ai không biết về các vụ tự sát của ít nhất ba nhà văn vĩ đại nhất nước Nhật là Ryunosuke Akutagawa (1892 - 1927), Mishima Yukio (1925 - 1970, ba lần được đề cử giải Nobel Văn học) và Yasunari Kawabata (1899 - 1972, đoạt giải Nobel Văn học năm 1968).

Họ tìm đến cái chết như tìm đến một ý nghĩa tối hậu của cuộc hiện hữu. Họ chọn cái chết như hoa anh đào chọn cách rơi rụng vào lúc đẹp nhất. Riêng cuộc tự sát của Mishima nghe nói còn được... truyền hình trực tiếp từ máy bay trực thăng!

Tôi đọc ở đâu đó trên mạng rằng: “Các nhà văn Nhật Bản có truyền thống tự sát vì tuổi già sộc đến, cái đẹp họ suốt đời tìm kiếm đã rời xa. Cảm thức thẩm mỹ không cho phép họ níu kéo sự sống. Và họ muốn ra đi vào lúc trong lòng vẫn vẹn nguyên cái đẹp, và trong con mắt của mọi người, họ đang được sự ngưỡng mộ nhất”.

Có thể nói đó là một phần của văn hóa “tự xử” (Jiketsu) của người Nhật. Nhưng đây là một câu chuyện dài nằm trong “trường thiên” về xứ Phù Tang mà một cuộc đi thăm chớp nhoáng chỉ cho phép gặt hái vội vàng vài ấn tượng kể trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vội vàng Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO