Về Kinh Bắc, thăm Đền Đô

NGUYỄN HẢO - VƯƠNG BÍCH| 13/11/2012 06:12

Được xem là mảnh đất địa linh nhân kiệt, Bắc Ninh đã từng xuất hiện nhiều anh hùng, hiền tài trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước.

Về Kinh Bắc, thăm Đền Đô

Được xem là mảnh đất địa linh nhân kiệt, Bắc Ninh đã từng xuất hiện nhiều anh hùng, hiền tài trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước. Đồng thời, nơi đây còn nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh gắn liền với lịch sử, như nhà thờ họ Nguyễn, đình làng Quan Đình, chùa Chiêu Ứng... Trong đó, Đền Đô là một trong những địa điểm thu hút nhiều khách du lịch.

Cổng vào nội thành gọi là Ngũ Long Môn vì hai cánh cổng có trạm khắc hình năm con rồng

Vào một ngày cuối tuần mùa thu xứ Bắc, xe chúng tôi khởi hành từ Hà Nội về miền Kinh Bắc. Hành trình đi trên quốc lộ 1A, xe vừa qua sông Đuống hiền hòa cũng là lúc chúng tôi chạm đất Kinh Bắc. Mở đầu cho chuyến thăm mảnh đất quê hương của những làn điệu quan họ đăm thắm, chúng tôi ghé vào Đền Đô.

Đền Đô, hay còn gọi là Đền Lý Bát Đế hoặc Cổ Pháp điện, thuộc xóm Thượng, Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 20km về phía Bắc. Đây là ngôi đền nổi tiếng gắn liền với lịch sử nhà Lý cùng nghệ thuật kiến trúc mang đặc trưng riêng.

Theo sách sử, mùa thu năm 1010, sau khi lên ngôi Hoàng đế, Lý Công Uẩn trở về thăm quê nhà Cổ Pháp. Dân làng Đình Bảng đã xây dựng một ngôi nhà lớn làm nơi nghênh tiếp nhà vua.

Khu nội thành - nơi thờ 8 vị vua nhà Lý

Khi Lý Công Uẩn băng hà (1028), Lý Thái Tông kế vị vua cha đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa làm nơi thờ tự vua cha, và từ đó đền trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý.

Trải bao thăng trầm trong chiến tranh, Đền Đô cũng được trùng tu nhiều lần. Năm 1952, quân Pháp phá hủy ngôi đền. Năm 1989, Đền Đô được xây dựng lại, theo đúng hình dáng và kiến trúc cũ mà các nhà nghiên cứu lịch sử đã phác thảo, căn cứ vào dấu tích còn lại và các tài liệu lưu trữ.

Khu di tích Đền Lý Bát Đế có tổng diện tích là 31250m2 với trên 20 hạng mục công trình bao gồm: đền thờ, nhà tiền tế, nhà phương đình, nhà thủy đình, văn chỉ, võ chỉ…

Bức cuốn thư "Chiếu dời đô" (Thiên đô chiếu) ở Đền Đô được coi là bức chiếu bằng gốm lớn nhất Việt Nam

Đầu tiên, chúng tôi ghé thăm khu nội thành, nơi thờ tám vị vua nhà Lý, phía bên phải là nhà Võ Chỉ thờ Lý Thường Kiệt, Đào Cam Mộc, Lê Phụng Hiểu; bên trái là nhà Văn Chỉ thờ Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành. Tại khu nội thành, chúng tôi có cơ hội chứng kiến tận mắt những bức ảnh chụp lại hiện tượng thiên nhiên kỳ thú: tám dải mây xuất hiện trên trời.

Tám dải mây tương ứng với tám vị vua nhà Lý thờ trong Đền xuất hiện vào ngày giỗ vua Lý Anh Tông (vị vua thứ 6 nhà Lý) và ngày hội Đền năm 1997, 1998. Ngoài ra, bên trong Đền còn có nhiều tượng rồng chầu hổ phục bằng đá với nét điêu khắc tinh xảo.

Điều đặc biệt, phía bên ngoài khu nội thành, du khách sẽ bắt gặp bức cuốn thư “Chiếu dời đô” (Thiên đô chiếu) cao 3,5m và rộng hơn 8m được ghép từ 214 chữ Hán bằng gốm Bát Tràng tương ứng với 214 năm trị vì đất nước của nhà Lý. Phía bên phải là bài thơ nổi tiếng của Lý Thường Kiệt: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…”.

Hồ Bán Nguyệt - vết tích của dòng sông Tiêu Tương

Phong cảnh ngôi đền trở nên tuyệt đẹp hơn với sự góp mặt của hồ Bán Nguyệt và Thuỷ Đình. Được biết, hồ Bán Nguyệt là vết tích của dòng sông Tiêu Tương, nơi xưa kia vua Lý Thánh Tông thường đi thuyền rồng lên chùa trên núi Phật Tích, và dòng sông cũng tiêu biểu cho chuyện tình của Trương Chi và Mỵ Nương.

Giữa Hồ là thủy đình, chốn vua chúa nghỉ ngơi xem múa rối, nghe quan họ. Hình ảnh thủy đình được in trong đồng tiền xu 1.000 đồng để kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Trước hồ Bán Nguyệt là nhà Bia, có tấm bia khắc chữ “Lý triều chư Hoàng Đế” (các vị vua triều Lý). Tại đây, du khách sẽ đứng vái vọng để tưởng nhớ các vị vua nhà Lý đã có công với đất nước, bởi lẽ ra xa trước nhà bia chừng 2km là lăng mộ của các vị vua.

Du khách nước ngoài đang lắng nghe liền anh liền chị hát dân ca quan họ mượt mà, đậm chất trữ tình

Tới Đền Đô, du khách không chỉ có cơ hội được tìm hiểu những di tích lịch sử độc đáo mà con được đắm mình trong phong cảnh hữu tình và không gian yên tĩnh.

Trong chuyến thăm Đền Đô này, chúng tôi tình cờ gặp nhóm du khách người Pháp đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp linh thiêng, cổ kính và mang đậm dấu ấn lịch sử của Đền.

Một du khách chia sẻ: “Kiến trúc của đền rất đẹp, mang đầy vẻ uy nghiêm, thêm vào đó là không gian tĩnh lặng tạo cảm giác thoải mái. Ngoài ra, tôi còn được nghe các liền anh liền chị hát dân ca quan họ Bắc Ninh. Nghe quan họ ở bất kỳ đâu cũng không bằng ở thủy đình, Đền Đô, nơi các vị vua nhà Lý thường thưởng thức. Điều này khiến tôi cảm thấy rất khác lạ”.

Tuy không có nhiều phong cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ, nhưng vùng Kinh Bắc tự hào khi có những di tích lịch sự văn hoá cổ kính, đền chùa độc đáo cùng làn điệu dân ca quan họ đậm chất trữ tình, ẩn chứa nhiều nét đẹp độc đáo, giá trị mà bất kỳ ai ghé thăm cũng đều hài lòng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Về Kinh Bắc, thăm Đền Đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO