Tìm về quê hương Alexander đại đế

NGỌC MINH/DNSGCT| 16/05/2015 06:43

Trong chuyến du lịch đến vùng Balkan của chúng tôi, cái tên Macedonia gợi lên nhiều tò mò nhất. Sức hút của Alexander đại đế khiến cho vùng đất nơi ngài sinh ra cũng trở nên hấp dẫn.

Tìm về quê hương Alexander đại đế

Trong chuyến du lịch đến vùng Balkan của chúng tôi, cái tên Macedonia gợi lên nhiều tò mò nhất. Sức hút của Alexander đại đế khiến cho vùng đất nơi ngài sinh ra cũng trở nên hấp dẫn.

Đọc E-paper

Chỉ khi gần đến nơi, nhiều người mới biết rằng lịch sử, địa lý ở quê hương của vị vua vĩ đại này thật phức tạp. Và chưa biết đến bao giờ mới hết phức tạp!

Salonica phù hoa mà khoáng đạt

Salonica (còn gọi là Thessalonica, thành phố cảng của Hy Lạp) chào đón chúng tôi bằng không khí náo nhiệt. Sự pha trộn giữa màu sắc hiện đại với những nét cổ xưa thể hiện rõ ở từng góc nhìn.

Những đại lộ khoáng đạt, những công viên, quảng trường, những hàng cây chạy dọc theo phố xá sầm uất với thật nhiều cửa hàng sặc sỡ nằm bên cạnh các ngôi nhà cổ kính mang kiến trúc La Mã cổ xưa.

Thành phố lớn thứ hai Hy Lạp này được coi là thủ phủ vùng Macedonia. Vương quốc Macedonia thế kỷ thứ III trước CN của Alexander Đệ Nhị đã bị cắt xẻ tan nát. Một phần lãnh thổ nay thuộc Hy Lạp và tượng Đại Đế vẫn uy nghi trên quảng trường Salonica.

Vào thời La Mã, Salonica giữ vị trí cửa ngõ thương mại của đế quốc. Vì thế sau đó thành phố luôn bị tranh giành bởi các thế lực người Goth, người Slav, người Frank, người Venice và người Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng dưới thời nào thì thành phố cũng giàu có và nức tiếng phù hoa.

Salonica chưa đến triệu dân nhưng sở hữu đến 16 di sản văn hóa thế giới với nhiều tuyệt tác kiến trúc đỉnh cao. Tại đây, các tòa nhà theo kiến trúc Byzantine bao bọc lấy di sản thế giới Paleochristian, nhiều mảng kiến trúc kiểu La Mã nằm xen kẽ những công trình kiểu Sephardic Do Thái.

Nhà thờ Thánh John doanhnhansaigon
Nhà thờ Thánh John bên bờ vịnh Kaneo với nét đẹp nên thơ hiếm có

Trong các ngôi chợ lâu đời, sự pha trộn còn thể hiện rõ ở độ phong phú của sản vật, thời trang, đồ thủ công mỹ nghệ. Bên cạnh trái cây chín mọng và những thùng pho-mát tươi hấp dẫn, các món ăn cay nồng cùng nhiều loại rễ cỏ làm hương liệu cho shisha cũng là đặc sản mà ai đến chợ đều phải mua một ít cho biết.

Phía trên những khu phố náo nhiệt, khu phố cổ – vốn là khu vực của người Thổ Nhĩ Kỳ từ thế kỷ XIX lại mở ra một không gian hoàn toàn khác biệt. Những con đường lát đá hẹp, xinh xắn chạy vòng qua dãy nhà có vườn nhỏ xinh cùng với trẻ nhỏ nô đùa trước cánh cửa mở rộng.

Salonica là một trong số ít nơi trên thế giới mà người Do Thái, người Hồi giáo và tín đồ Cơ Đốc giáo sinh sống hòa thuận bên nhau.

Góc phố biển ở Salonica

Dân Salonica giỏi buôn bán và cũng rất ưa tận hưởng cuộc sống. Khi chiều buông xuống, sự sôi động náo nhiệt bắt đầu chuyển từ trung tâm ra ngoài phố biển và ngoại thành.

Dòng chảy vui chơi về đêm suốt hơn 2 ngàn năm qua hầu như chưa bao giờ bị ngắt quãng ở đây. Trong quán bar, du khách lẫn dân địa phương vui vẻ làm quen với tiếng nhạc rembetika đặc trưng của Hy Lạp và nhấm nháp chút ouzeries, dòng rượu mạnh nổi tiếng địa phương.

Trên con phố biển dài 12 cây số, không gian vui chơi rộng rãi buổi tối nhìn như một trung tâm thời trang. Các cô gái Salonica xinh đẹp nổi tiếng là ăn diện nhất vùng.

Cách bãi biển thơ mộng không xa, khu cầu tàu nhộn nhịp với nhiều chiếc thuyền buồm kiểu cổ, đây chính là những nhà hàng, quán cà phê di động trên biển, là nơi tuyệt vời để ngắm trung tâm thành phố. Dưới ánh đèn, tòa Tháp Trắng cổ sừng sững bên bờ biển trông lấp lánh vẻ đẹp huyền diệu.

Cộng hòa Macedonia yên tĩnh

Rời Salonica, sau bốn tiếng trên xe buýt, chúng tôi đặt chân lên Skopje, thủ đô nước Cộng hòa Macedonia. Thật ra tên đầy đủ lúc gia nhập Liên Hiệp Quốc của đất nước 2 triệu dân này là Cựu Cộng hòa Nam Tư Macedonia.

Từ khi tách khỏi Liên bang Nam Tư vào năm 1991 đến nay, đất nước nhỏ bé nằm lọt thỏm giữa Đông Âu và Nam Âu vẫn liên tục tranh cãi với Hy Lạp về quyền sở hữu cái tên vương quốc xưa của đại đế. Skopje - quê hương của Alexander nay mọc lên rất nhiều tượng đài nhà vua.

Không giàu có như Salonica nhưng Skopje cũng khá xinh đẹp duyên dáng bên dòng sông Vadar. Lúc này, Macedonia đang vào mùa hoa đoạn (linden flower), loài hoa màu vàng nhạt nở từng chùm thơm dìu dịu.

Skopje có rất nhiều cây hoa đoạn cổ thụ tuyệt đẹp. Cây mọc như rừng ở công viên, dáng cao, thanh thoát tương phản với bức tường đá cổ xù xì. Căn nhà nhỏ nơi sinh của mẹ Teresa cũng nằm im mát dưới tán lá xanh non điểm hoa.

Vẻ bình yên ở thủ đô Skopje đa sắc tộc

Bị tàn phá nhiều bởi chiến tranh và động đất, phần nhiều kiến trúc phong cách cổ xưa ở Skopje chỉ mới được xây lại cách đây chừng dăm chục năm. Phải đi qua cây cầu đá ngàn tuổi hướng về phía khu Old Bazaar (chợ Cũ) thì phố cổ thật sự mới hiện ra. Khu chợ Cũ hiện vẫn là khu chợ quy mô lớn và cổ kính hàng đầu ở vùng Balkan, dù so với mấy thế kỷ trước thì đã bị thu nhỏ lại nhiều.

Sự đa sắc tộc của Skopje còn đậm nét hơn cả Salonica. Old Bazaar mang đậm kiến trúc Ottoman nằm khá gần nhà thờ Cơ Đốc giáo cổ nhất Macedonia. Trong chợ, người Thiên Chúa giáo, Cơ đốc giáo, Hồi giáo và cả những người Digan mua bán xởi lởi, miệng nói tay làm không ngớt.

Khu phố Hồi giáo ở thủ đô Skopje

Ra khỏi thủ đô, thêm ba tiếng đồng hồ vượt một loạt cung đường đèo núi hiểm trở, chúng tôi đã băng qua gần hết Cộng hòa Macedonia đồi núi trập trùng để đến hồ Ohrid – một di sản thiên nhiên nổi tiếng thế giới.

Ohrid nằm giữa Macedonia với Albania được coi là hồ sâu nhất châu Âu. Có diện tích khoảng 350 cây số vuông, hồ được dân địa phương gọi là biển. Nước ở đây trong vắt như pha lê, người ta có thể nhìn xuống đến độ sâu 22 mét so với mặt nước.

Trên bờ bắc của Ohrid là thị trấn cổ Ohrid phản chiếu trên mặt hồ. Chuỗi cảnh quan hùng vĩ kéo dài đến ngọn đồi đôi, nơi có pháo đài Samuel sừng sững tọa lạc trên đỉnh. Pháo đài Samuel được xây dựng bởi vua cha của Alexander Đại Đế có bức tường thành dài 3km, dày gần 2m và cao 16m, từng được xem là thành trì bất khả xâm phạm.

Ngày nay, 18 tòa tháp và bốn cổng trong khuôn viên pháo đài vẫn được bảo tồn nguyên vẹn như cấu trúc ban đầu. Từ trên pháo đài nhìn xuống, hồ Ohrid mênh mông như đại dương được tô điểm bởi núi non hùng vĩ và lác đác những cụm kiến trúc rêu phong.

Bức tường thành còn nguyên vẹn của pháo đài Samuel

Con đường lát đá dẫn vào thị trấn Ohrid nhiều đoạn đã lên nước nhẵn bóng. Phố cổ men theo địa hình núi non quanh năm lộng gió, các kiến trúc xen lẫn giữa các khu vườn cây trái tươi tốt. Hầu hết nhà cửa đều hướng ra mặt hồ và được trang trí bởi hoa hồng ôn đới màu tươi thắm.

Thị trấn này hình thành từ thế kỷ thứ VI trước Công nguyên, đến thời La Mã thì phát triển thịnh vượng nhờ vị trí nằm trên trục đường nối hai vùng biển Aegean và Adriatic. Đến thời Byzantine, Ohrid trở thành trung tâm nghệ thuật và học vấn của cả vùng. Dấu ấn một thời vàng son còn lưu giữ rõ nét trên 365 ngôi nhà thờ trong thị trấn.

Ngăn cách với Ohrid bởi một khu rừng thông là nhà thờ Thánh John bên bờ vịnh Kaneo. Kiến trúc này rất đẹp và cầu kỳ, lại nằm ở vị trí vô cùng nên thơ nên công trình thu hút nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng và được coi là biểu tượng không chính thức của xứ Macedonia.

Phong cảnh núi non trên đường đến hồ Ohrid

Đứng bên thánh đường xây bằng gạch nung đã nhạt phai màu đỏ nguyên thủy, chúng tôi nhìn ra hồ Ohrid mà thấy lòng nao nao. Xế chiều gió bỗng thổi mạnh, hàng liễu ven hồ gần ngả rạp xuống mặt nước đang cuộn sóng dữ dội. Tiếng sóng đập vào bờ đá nghe ầm ầm như biển động.

Macedonia không có biển nhưng trong tâm trí người dân, hồ Ohrid chính là đại dương bao la.

>Kỳ thú Hy Lạp
>Một ngày trên sông nước Tigre
>Poitiers - thủ phủ La Mã
>Hấp dẫn bảo tàng Dubai

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tìm về quê hương Alexander đại đế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO